Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua quý I/2024 “bùng nổ” cả về thanh khoản lẫn điểm số khi VN-Index đóng cửa ở mức 1.284,09 điểm, tăng tới 154,16 điểm (13,6%) so với cuối năm 2023 và nằm trong nhóm các chỉ số chứng khoán tăng tốt nhất trong khu vực và thế giới. Tính chung trong quý đầu năm, giá trị giao dịch bình quân lên đến 23.247 tỷ đồng/phiên.
Đà tăng này được hỗ trợ từ các chủ trương, chính sách và điều hành, quản lý vĩ mô của Chính phủ đã giúp nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh cải thiện tốt. Thị trường khởi sắc, các công ty chứng khoán cũng “hái quả ngọt” khi cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng.
Đồng loạt báo lãi tăng bằng lần
Tới thời điểm hiện tại, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đang là quán quân lợi nhuận ngành chứng khoán với mức lãi trước thuế 1.160 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của TCBS cũng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ, đạt 1.277 tỷ đồng.
Trong quý I, mảng kinh doanh nguồn vốn và phân phối trái phiếu tiếp tục là động lực dẫn dắt thu nhập chính của TCBS với doanh thu đạt 729 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ. Doanh thu nghiệp vụ môi giới và lưu ký chứng khoán đạt 159 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ.
Đứng thứ hai là Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) với tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 1.945 và 900 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi tiết về các mảng hoạt động chính của SSI, mảng dịch vụ chứng khoán ghi nhận doanh thu gần 911 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu với 47%. Doanh thu từ hoạt động đầu tư ở mốc 902 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Doanh thu nghiệp vụ môi giới, lưu ký, tư vấn đầu tư và khác đạt 464 tỷ đồng, tăng 66%.
Bám sát nút là Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) với lợi nhuận sau thuế tăng gấp 4,3 lần lên 617,1 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng lợi nhuận này đến từ khi lãi thuần mảng tự doanh hơn 524,5 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Cùng với mảng tự doanh, nguồn thu từ tài sản nắm giữ tới ngày đáo hạn (HTM) của công ty cũng tăng 46% lên 144 tỷ đồng nhờ việc tăng quy mô đầu tư hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn trong kỳ.
Chứng khoán VPS cũng ghi nhận lãi sau thuế hơn 505 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ. So với kế hoạch lãi trước thuế kỷ lục 1.500 tỷ đồng, nhà môi giới chứng khoán này đã thực hiện được hơn 42% chỉ tiêu sau 3 tháng đầu năm.
Chứng khoán Vietcap cũng trải qua một quý kinh doanh thuận lợi với doanh thu hoạt động đạt 806,3 tỷ đồng, tăng 307 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng 62%. Trừ đi các chi phí, Chứng khoán Vietcap báo lãi sau thuế tăng tới 2,7 lần cùng kỳ lên 198 tỷ đồng.
Phía công ty cho biết, kết quả đi lên chủ yếu nhờ thị trường chứng khoán diễn biến tích cực hơn, Vietcap đã thực hiện hóa một số khoản đầu tư, doanh thu bán tài sản FVTPL tăng; đồng thời doanh thu môi giới tăng.
Bức tranh trái chiều
Bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn một vài công ty ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh là Chứng khoán APG, Chứng khoán KS, Chứng khoán VPBanks, Chứng khoán Phú Hưng, Chứng khoán Asean, Agriseco.
Cụ thể, trong quý I/2024, Chứng khoán Agribank (Agriseco - HoSE: AGR) ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 92 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Song lãi trước thuế lại giảm 20% về gần 44 tỷ đồng, tương ứng thực hiện được khoảng 23% kế hoạch lợi nhuận năm. Theo Chủ tịch Agriseco, mức lợi nhuận khiêm tốn này do quý I có đợt nghỉ Tết nên có 1 khoảng thời gian không giao dịch.
Cùng cảnh ngộ, VPBanks ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 43% so với cùng kỳ lên 583,4 tỷ đồng. Tuy nhiên các chi phí đồng loạt tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 44% so với cùng kỳ, về mức 145,6 tỷ đồng.
Chứng khoán Phú Hưng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2024 giảm 37%, từ mức 25 tỷ đồng xuống còn 16 tỷ đồng. Chứng khoán Asean cũng giảm 28%, từ mức 20 tỷ đồng xuống còn 15 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế Chứng khoán KS trong quý đầu năm ở mức 27 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2024, Chứng khoán APG chứng kiến mức lợi nhuận sụt giảm mạnh nhất trong ngành với 86% xuống vỏn vẹn 6 tỷ đồng.
Cơ hội đan xen thách thức trong quý tiếp theo
Đánh giá về kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2024 của các công ty chứng khoán, ông Phan Duy Hưng – Tổng Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp VIS Rating cho rằng, các công ty lớn thường đầu tư nhiều vào công cụ có thu nhập cố định và nhiều khả năng sẽ tăng cường hoạt động này khi tâm lý thị trường cải thiện.
Nhờ nguồn vốn lớn và mạng lưới khách hàng rộng, các công ty lớn còn có nhiều lợi thế hơn trong việc mở rộng cho vay ký quỹ, đặc biệt khi hoạt động giao dịch chứng khoán gia tăng trong môi trường lãi suất thấp.
Ngoài ra, kế hoạch của cơ quan quản lý để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao dịch và bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ giúp thu hút nhà đầu tư mới theo thời gian.
“Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán sẽ bị hạn chế bởi sự cạnh tranh gay gắt về phí, đặc biệt đối với các công ty chứng nước ngoài do biên lợi nhuận thấp hơn” - chuyên gia VIS Rating nhận định.
Về triển vọng quý II/2024, ông Park Won Sang - Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam hy vọng khả năng Fed, ECB sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối 2024, như vậy thị trường tài chính toàn cầu sẽ hưởng lợi. Nhờ đó, tỉ giá và lãi suất trong nước sẽ dễ thở hơn.
"Tác động từ điều hành vĩ mô đến doanh nghiệp sẽ cần một quá trình dài hơi nhưng cuối cùng sẽ giúp giảm chi phí vốn của doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư và kích thích tiêu dùng. Nền kinh tế ổn định, kết quả kinh doanh tăng trưởng lành mạnh sẽ là những nhân tố vững chắc thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững thông qua thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư nội và ngoại" Giám đốc Chứng khoán KIS nhìn nhận.
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/loat-cong-ty-chung-khoan-kiem-dam-trong-quy-i2024-a48563.html