Trung Quốc ra mắt UUV có khả năng trinh sát, rải mìn trong tác chiến hải quân

Tích hợp phương tiện dưới nước không người lái (UUV) vào tác chiến hải quân khiến việc bảo vệ hạm đội và căn cứ trở thành thách thức ngày càng cao.

Công ty giải pháp quốc phòng Trung Quốc Poly Technologies vừa cho ra mắt phương tiện dưới nước không người lái (UUV) có khả năng đa nhiệm, gọi là UUV 300CB. UUV cỡ lớn này ngoài tính năng trinh sát và giám sát (ISR) còn có khả năng tấn công và rải mìn.

Mẫu UUV mới của Poly Technologies được giới thiệu tại Hội nghị và Triển lãm Dịch vụ Quốc phòng châu Á (DSA) 2024, diễn ra từ 6-9/5 ở Kuala Lumpur, Malaysia. Đi kèm với mẫu vật trưng bày là video nêu chi tiết các thông số kỹ thuật, các khả năng và các khái niệm hoạt động tiềm năng của UUV 300CB trong nhiều tình huống khác nhau.

UUV 300CB là máy bay không người lái dưới nước cỡ lớn, đa chức năng, có khả năng tự động thực hiện các nhiệm vụ như trinh sát bề mặt và rải mìn. Một biến thể khác của UUV 300CB là UUV 300CD có bệ phóng ngư lôi ở cả mạn phải và mạn trái.

Với chiều dài 11,5 m và đường kính 1,6 m, chiếc UUV này có tổng tải trọng là 50 tấn. Được đẩy bằng động cơ điện, nó đạt tốc độ tối đa 12 hải lý/giờ (22,2 km/h). Hoạt động ở độ sâu lên tới 300 m, nó có tầm hoạt động 450 hải lý (833 km) với tốc độ 5 hải lý/giờ (9,3 km/h).

Được trang bị khả năng liên lạc vệ tinh, UHF và âm học, UUV 300CB duy trì tín hiệu âm thanh thấp, phát ra dưới 140 Decibel. Kính tiềm vọng quang học của nó cho phép phát hiện, nhận dạng, giám sát và trinh sát mục tiêu.

Có khả năng mang theo ngư lôi và các UUV nhỏ hơn, UUV 300CB cũng có thể bắn ngư lôi hạng nhẹ, như đã được chứng minh thông qua biến thể UUV 300CD của nó. Mặc dù không được nêu rõ ràng nhưng video của Poly Technologies gợi ý về khả năng của UUV trong việc mang và phóng tên lửa tấn công mặt đất từ một ô ẩn nằm ở phía sau thiết bị.

Công nghệ - Trung Quốc ra mắt UUV có khả năng trinh sát, rải mìn trong tác chiến hải quân

Công ty giải pháp quốc phòng Trung Quốc Poly Technologies giới thiệu mẫu UUV 300CB đa nhiệm tại Triển lãm Dịch vụ Quốc phòng châu Á (DSA) 2024, diễn ra từ 6-9/5/2024 ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Naval News

“Nhìn chung đây là một sản phẩm thực tế cho thấy hướng phát triển rõ ràng đối với UUV có vũ trang. Trung Quốc có thể sẽ là nước đầu tiên xuất khẩu công nghệ này, và điều này có thể tái cân bằng bối cảnh hải quân”, HI Sutton, chuyên gia thu thập thông tin tình báo từ các nguồn mở (OSINT) của Naval News, cho biết.

Trong kịch bản được mô tả trong video quảng cáo, một máy bay trực thăng và UUV 300CD được triển khai đến khu vực để phát hiện tàu ngầm đối phương trong khu vực được chỉ định. Sau khi mục tiêu được phát hiện bởi hệ thống định vị vật bằng âm thanh (sonar) của trực thăng, UUV tiến đến vị trí và xác nhận sự hiện diện của tàu ngầm bằng cách sử dụng sonar thụ động của mình, sau đó tấn công mục tiêu bằng 2 quả ngư lôi.

Sau khi vô hiệu hóa thành công tàu ngầm, UUV nhận được lệnh tiến tới căn cứ địch để trinh sát, giám sát. Cùng với một chiếc UUV 300CB khác, hai thiết bị tiến đến khu vực được chỉ định. UUV 300CB vô tình làm hỏng tàu phòng thủ bến cảng bằng mìn, khiến UUV 300CD lập tức đánh chìm tàu bằng 2 quả ngư lôi. Sau đó, UUV sử dụng tên lửa từ bệ phóng thẳng đứng để tiêu diệt các mục tiêu trên đất liền.

Với việc tích hợp UUV vào tác chiến hải quân, việc bảo vệ hạm đội và căn cứ sẽ phải đối mặt với những thách thức ngày càng cao. UUV là mối đe dọa ghê gớm do khả năng phát hiện dưới nước hạn chế và khả năng trốn tránh các hệ thống cố định dưới nước nhờ kích thước nhỏ và hoạt động yên tĩnh so với tàu ngầm.

Hơn nữa, khi khả năng của UUV được mở rộng, chiến tranh hải quân ngày càng trở nên phức tạp. Nếu vượt qua được các rào cản liên lạc, các UUV có khả năng trinh sát, giám sát và thực hiện nhiệm vụ giao chiến ở khoảng cách xa hơn sẽ nâng cao đáng kể hiệu quả của các hoạt động hải quân.

Minh Đức (Theo Naval News)

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/trung-quoc-ra-mat-uuv-co-kha-nang-trinh-sat-rai-min-trong-tac-chien-hai-quan-a48614.html