Tháo gỡ vướng mắc cho phân bón silic

Đại diện Phân lân Nung chảy Ninh Bình kiến nghị cần sớm bổ sung thành phần SiO2 vào quy chuẩn quốc gia về phân bón, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất.

Sáng 7/5, Hội thảo “Vai trò của silic đối với cây trồng nguyên liệu và phương pháp phân tích silic trong phân bón” đã được tổ chức nhằm giúp cho bà con nông dân có cái nhìn cụ thể, đúng đắn về yếu tố silic đối với cây trồng. theo hướng nâng cao, phát triển nông sản.

TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: “Do chưa nhất quán phương pháp xác định hàm lượng silic dễ tiêu cho cây trồng nên việc ổn định của các phương pháp phân tích đang áp dụng trong nước là chưa cao”. 

Điều này gây khó khăn cho hợp tác quốc tế về nghiên cứu và thương mại các sản phẩm phân bón silic, cho việc công bố và kiểm tra chất lượng các sản phẩm phân bón silic. 

Tiêu dùng & Dư luận - Tháo gỡ vướng mắc cho phân bón silic

TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

Hiện nay Việt Nam quy định có 2 phương pháp thử để xác định hàm lượng silic dễ tiêu trong phân bón là TCVN 11407:2019 và TCCS 772:2020/BVTV. Phương pháp TCVN 11407:2019 có đối tượng là tất cả các loại phân bón, còn TCCS 772:2020/BVTV chỉ áp dụng cho phân silicat kiềm. 

Như vậy có sự chồng lấn về phương pháp thử trong khi hai phương pháp này có sự khác biệt lớn về kết quả trên cùng một mẫu phân bón. Ngoài ra, quy định về phân loại phân bón tại Việt Nam hiện nay không có loại phân silicat kiềm để có thể được đăng ký lưu hành. 

Phát biểu tại sự kiện TS. Bùi Duy Hiền - Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam chia sẻ, trước đây silic không được xem là một chất dinh dưỡng cần thiết nhưng nguyên tố này thường có hàm lượng lớn trong đất và cây trồng có thể hút lên một lượng khá lớn. Vai trò chủ yếu của silic chỉ được nhìn nhận ở góc độ khả năng kháng côn trùng, bệnh hại, sự vững chãi trong cấu trúc tế bào. 

“Thật sai lầm khi mà lãng quên và đánh giá silic một cách hờ hững, không ít trường hợp, không ít loại đất và mùa vụ, silic chính là một trong ít nguyên tố “hạn chế” năng suất theo định luật tối thiểu. Do đó, hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam silic được xếp vào nhóm dinh dưỡng trung lượng”, ông Hiền thẳng thắn nói. 

Đối với cây trồng ngoài các dinh dưỡng đa và vi lượng thì một trong những dinh dưỡng trung lượng như silic rất cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Do đó, ông Hiền nhấn mạnh, thời gian tới ngoài việc tiếp tục nghiên cứu và áp dụng vào sản xuất các tiến bộ kỹ thuật về sử dụng các loại phân bón trung lượng chứa Si có hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường cao hơn.

Tiêu dùng & Dư luận - Tháo gỡ vướng mắc cho phân bón silic (Hình 2).

Ông Hà Huy San - Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Ninh Bình.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Hà Huy San - Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Ninh Bình chia sẻ: “Trước khi Nghị định 108 ra đời trên bao bì phân lân nung chảy Ninh Bình có ghi rõ thành phần SiO2: 25%-30% . 

Sau đó, theo Quy chuẩn Việt Nam 01-189:2019 không có thành phần SiO2 trong phân lân nung chảy và quy định việc phương pháp thử Silic hữu hiệu theo tiêu chuẩn Việt Nam 1407:2016 nên trên bao bì phân lân nung chảy Ninh Bình không được ghi thành phần SiO2”.

Từ đó, ông San kiến nghị xem xét, bổ sung thành phần SiO2 trong phân lân nung chảy, bổ sung phương pháp thử  SiO2  theo TCCS 772 vào quy chuẩn quốc gia về phân bón, tạo điều kiện cho công ty bổ sung thành phần SiO2 trên bao bì sản phẩm phân lân nung chảy như trước đây.

Cùng kiến nghị quy chuẩn phân tích, ông Nguyễn Ngọc Huấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ, Công ty Cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông cũng cho rằng, cần sớm có quy chuẩn phương pháp phân tích xác định hàm lượng silic trong đất, phân bón và cây trồng để đồng bộ với các tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế về nghiên cứu và thương mại phân bón silic.

Tiêu dùng & Dư luận - Tháo gỡ vướng mắc cho phân bón silic (Hình 3).

Cần sớm có quy chuẩn phương pháp phân tích xác định hàm lượng silic trong đất, phân bón và cây trồng nhằm tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế về nghiên cứu và thương mại phân bón silic.

Đồng thời, ông Huấn cũng kiến nghị thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng silic dạng nano (SiNPs) trong phân bón nhằm khai thác tác dụng của silic đối với cây và đất đồng thời hạn chế tồn tại của các nguồn cung nguyên liệu silic trong sản xuất phân bón quy mô công nghiệp.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/thao-go-vuong-mac-cho-phan-bon-silic-a48625.html