Biến tướng của tài chính đa cấp thời 4.0: "Nhà đầu tư" nhận lãi lên đến 150%/năm

Hoạt động lừa đảo dưới hình thức kinh doanh đa cấp đã xuất hiện và được cảnh báo từ lâu. Tuy vậy, với những chiêu trò biến tướng vô cùng ảo diệu gần đây, nhiều công ty đa cấp vẫn thành công khiến các nhà đầu tư móc hầu bao, thậm chí với số tiền rất lớn.

Bằng những trải nghiệm thực tế của bản thân trong một số hội thảo "gọi vốn" vô cùng hấp dẫn, qua bài viết này, TS. Nguyễn Hoàng Nam (Trưởng khoa TCNH - trường Đại học Đại Nam) đã chia sẻ một số dấu hiệu rõ rệt của hoạt động lừa đảo dưới hình thức đa cấp bất động sản (BĐS) kiểu mới này.

Cam kết trả lãi ở mức phi thực tế, bánh vẽ một khoản lợi nhuận siêu khổng lồ

Cách đây chưa lâu, tôi nhận được lời mời đi tham gia một hội thảo đầu tư BĐS vô cùng hấp dẫn với lời nhắn: "Đây là một cơ hội đầu tư rất lớn. Nếu anh không đi chắc chắn sẽ hối tiếc". Nể lời anh bạn, tôi cũng dành một buổi chiều để tham gia xem liệu cơ hội mà anh bạn của tôi đem đến "vuông tròn, to bé" thế nào.

Bước vào sảnh, tôi nhận thấy có ba kiểu người chính trong buổi hội thảo. Một là ban tổ chức với những nhân vật trẻ mặc com lê bóng lộn, đồ hiệu lấp lánh.

Nhóm hai là những anh chị trung niên đã vào độ tuổi nghỉ hưu – thoạt nhìn đã biết đây là những người có mức thu nhập ổn định hàng tháng và có khả năng chi. Và nhóm cuối cùng là những bạn trẻ sẵn sàng chịu rủi ro, đầu tư kiếm lời và những anh chị cán bộ công chức như tôi muốn tìm kiếm cơ hội nhận thu nhập thụ động…

Sắp xếp xong chỗ ngồi cho chúng tôi, vị giám đốc trẻ ăn mặc bảnh bao của công ty X bắt đầu đọc khai mạc hội thảo với màn giới thiệu nghe vô cùng hoành tráng: "Công ty đã được thành lập hai năm, số vốn điều lệ đến 200 tỷ.

Với các sản phẩm đa dạng như: bất động sản, sản phẩm công nghệ cao, công nghệ nano, năng lượng cho đến kinh doanh tiền số ở thị trường quốc tế,…hoạt động kinh doanh đang trên đà phát triển…"

Nghe đến đây, rất nhiều người đã bắt đầu xuýt xoa nể phục vì anh giám đốc tuổi trẻ tài cao. Còn trong lòng tôi chỉ thầm cười vì với chỉ vài ba năm hoạt động, làm sao một công ty có thể kinh doanh nhiều ngành nghề như thế, từ những ngành truyền thống đến những ngành nghề đón đầu xu hướng (từ phát triển công nghệ nano cho đến kinh doanh tiền số ở tầm quốc tế) thế kia?

Vẫn im lặng nghe diễn thuyết, vị "giám đốc" kia còn làm tôi đi từ hết ngạc nhiên này ngạc nhiên khác khi tự giới thiệu là "thiên tài kinh doanh" với tấm bằng Thạc sĩ kinh doanh quốc tế, đặc biệt đưa ra những khoản lợi nhuận hết sức khổng lồ từ những hoạt động kinh doanh nói trên – tất cả đều là những khoản lợi nhuận của thì tương lai!

Và đúng như kịch bản tôi đã tưởng tượng, anh "giám đốc" trẻ bắt đầu mời một số nhà đầu tư lên chia sẻ thành công trong một năm vừa qua. Mỗi người một vẻ nhưng tựu trung lại là nhờ có công ty này mà hiện tại đã đổi đời do biết chớp cơ hội và đặt lòng tin đúng chỗ.

Sau đó, "giám đốc" trẻ hô hào kêu gọi: "Các cô bác, anh chị, các bạn có muốn đồng hành cùng chúng tôi để nhận được khoản lợi nhuận khổng lồ này? Vậy thì hãy cùng góp vốn với chúng tôi. Chỉ với một khoản đầu tư, anh chị có thể thu về khoản lợi nhuận trị giá 130 – 150%/ năm – cao gấp 20 lần so với gửi tiết kiệm ngân hàng và nhiều hình thức đầu tư khác."

Đến mức này thì tôi không còn biết nói gì hơn. Với nhiều trải nghiệm trên thị trường tài chính, kể cả những trải nghiệm với các lớp tài sản có rủi ro cao nhất, tôi bắt đầu lo lắng cho nhà đầu tư hiện hữu và tiềm năng có mặt trong hội thảo.

Nguyên tắc cơ bản của đầu tư là lợi tức và rủi ro có mối quan hệ tỷ lệ thuận. Không thể có lợi nhuận siêu cao trong khi công ty kinh doanh vào những ngành nghề có rủi ro trung bình được.

Lượng hóa đơn giản cho dễ hiểu thì doanh nghiệp mới vào thị trường mà dám huy động vốn với lãi suất từ 130- 150%/năm thì có thể gọi là không tưởng. Có thể nói với giá vốn như này thì kể cả tổ chức in tiền cũng lỗ chứ nói gì đến kinh doanh thông thường. Quá nhiều rủi ro tiềm ẩn từ hoạt động "đầu tư" như vậy.

Cam kết trả lãi hàng ngày khi nhà đầu tư móc hầu bao!

Một vài người tham gia hội thảo cũng bắt đầu hoài nghi và băn khoăn, làm sao có thể hưởng mức lãi cao thế.

Để trấn an các nhà đầu tư, vị "giám đốc" bắt đầu câu lòng tin của họ bằng một cam kết vô cùng ấn tượng: Trả lãi ngày cho nhà đầu tư! Chỉ ngay sau khi xuống tiền là nhà đầu tư có thể nhận được tiễn lãi và gốc hàng ngày. Chỉ với khoản đầu tư vào công ty trị giá hơn 20 triệu đồng, nhà đầu tư sẽ nhận đều 150.000 VNĐ/ ngày.

Tôi cho rằng đây là một chiêu bài hết sức cao tay: vừa có thể giúp nhà đầu tư ổn định tâm lý ở thời điểm vừa xuống tiền vừa có thể tạo ra minh chứng xác thực để thuyết phục những nhà đầu tư tiềm năng xuống tay.

Chiêu trò này đã đánh đúng và trúng vào tâm lý của nhiều nhà đầu tư. Cái cảm giác ting ting báo số dư tài khoản tăng hàng ngày khiến cho nhiều người mê mẩn thực chất chỉ là hình thức lấy của người sau trả cho người trước mà thôi.

Ngay từ lúc này, nhiều nhà đầu tư ngồi cạnh tôi đã bắt đầu rục rịch. Khoản lãi lớn được trả ngay khi nhà đầu tư đặt bút ký đã khiến cho nhiều người có máu liều và ít hiểu biết về tài chính, kinh doanh sẵn sàng nhắm mắt đưa chân. Tuy vậy, tất nhiên không phải ai cũng có nhiều tiền để đầu tư luôn một cục.

Công ty nọ cũng thừa hiểu điều này, họ chia những gói đầu tư với quy mô khác nhau, người có nhiều vốn thì đầu tư gói lớn, người có ít tiền hơn thì đầu tư gói nhỏ. Và dĩ nhiên, gói nào thì mức lãi suất nhà đầu tư nhận được cũng sẽ ở mức trên trời, khiến nhiều nhà đầu tư khó lòng không móc hầu bao.

Ngoài ra, với những khoản đầu tư nọ, công ty X cũng vẽ ra cho các nhà đầu tư nhiều loại hoa hồng và tiện ích khi sử dụng các dịch vụ cùng hệ sinh thái trong tương lai.

Ví dụ: Nhà đầu tư sẽ nhận được khuyến mãi sử dụng dịch vụ ngay khi ký hợp đồng, họ có thể kiếm được tiền từ việc mua bán cổ phiếu nội bộ, (một thuật ngữ mà ngay kể cả dân có nghề cũng cảm thấy mông lung), bản chất chỉ là giấy nợ mà thôi.

Thêm vào đó, họ còn được giảm giá khi sử dụng những resorts cao cấp (trong tương lai) và được ưu tiên khi công ty phát hành thẻ thanh toán nội bộ, v.v…(trong tương lai).

Chưa hết, dĩ nhiên, giống như tất cả những hoạt động đa cấp khác, công ty X cũng sẽ trả tiền hoa hồng với mức cao ngất ngưởng (khoảng 10%) cho nhà đầu tư nếu họ giới thiệu được người mới tham gia vào hoạt động kinh doanh của công ty.

Ghim lòng tin bằng bất động sản đối ứng

Không chỉ dừng lại ở đó, công ty nọ còn sử dụng một chiêu trò khác cũng rất cao tay nhắm vào những nhà đầu tư có mức vốn lớn bằng tuyên bố: Một khi nhà đầu tư đóng góp vào công ty với mức vốn đủ lớn (ví dụ như 5 tỷ đồng), nhà đầu tư sẽ được nhận một bất động sản đảm bảo với hồ sơ pháp lý đầy đủ với giá trị khoảng 1,75 tỷ đồng.

Nghe có vẻ với tài sản đối ứng này, nhà đầu tư có thể tin tưởng được 100% vào công ty, nhưng như vậy thì số vốn còn lại 3,25 tỷ đồng sẽ rơi vào đâu?

Đến đây, số người xung quanh tôi giữ vững được lập trường không xuống tay đầu tư đã chẳng còn nhiều. Khung cảnh ký hợp đồng ngay tại sảnh diễn ra sôi động, tôi tin trong số đó sẽ có không ít nhà đầu tư đóng vai "cò mồi" với các hợp đồng dấu đỏ ký tươi.

Quả thật đây là một trải nghiệm đáng giá, tôi đã biết thêm được một số chiêu trò lừa đảo mới, đồng thời hiểu thêm về cách thức mà những tổ chức lừa đảo đánh vào tâm lý tài chính hành vi của con người.

Kết

Qua bài viết này, tôi muốn cảnh báo cho những nhà đầu tư đã, đang và sẽ gặp phải những hình thức lừa đảo như trên.

Các nhà đầu tư nên tránh xa những công ty có những dấu hiệu về hình thức giới thiệu công ty, hình thức trả lãi, mức lãi được hứa hẹn, những tiện ích được sử dụng trong tương lai….như vậy, để tránh gây tiền mất tật mang cho chính mình và người thân của mình.

https://cafef.vn/bien-tuong-cua-tai-chinh-da-cap-thoi-40-nha-dau-tu-nhan-lai-len-den-150-nam-20220326163417757.chn

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/bien-tuong-cua-tai-chinh-da-cap-thoi-40-nha-dau-tu-nhan-lai-len-den-150nam-a495.html