Đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác hại ô nhiễm nguồn nước

Các điểm nóng về môi trường nước trên lưu vực sông vẫn chưa được cải thiện rõ rệt, điển hình như ô nhiễm trên các sông nội thành Hà Nội lưu vực sông Nhuệ; các sông lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam hiện tác động nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người, đây là một trong những vấn đề được các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm khoa học “Tác động của ô nhiễm đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người” mới diễn ra, đồng thời, đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác hại ô nhiễm nguồn nước giai đoạn 2022-2025.

Môi trường nước lưu vực sông chưa được cải thiện rõ rệt

Đánh giá tác hại của ô nhiễm nguồn nước đối với đa dạng sinh học, sức khỏe con người, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hiếu Nhuệ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, hầu hết các khu vực thượng nguồn lưu vực sông đều có chất lượng nước tương đối tốt.

Một số khu vực thượng nguồn có hiện tượng ô nhiễm do tác động của hoạt động khai thác khoáng sản.

Khu vực trung lưu và hạ lưu (đặc biệt là các đoạn chảy qua khu vực đô thị, khu vực công nghiệp, làng nghề), môi trường nước tiếp tục bị ô nhiễm do tác động của chất thải, mức độ ô nhiễm phụ thuộc vào yếu tố thủy văn theo mùa và việc kiểm soát các nguồn thải.

Tại các khu vực bị ô nhiễm, hầu hết là ô nhiễm hữu cơ, các thông số đặc trưng cho chất hữu cơ và vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép.

Vấn đề ô nhiễm dầu mỡ, kim loại nặng chỉ xảy ra cục bộ tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thông đường thủy hoặc sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản.

Nước sông ô nhiễm nghiêm trọng tại Xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định không những ảnh hưởng đến việc tưới tiêu cho cây trồng mà còn gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Tại các khu vực cửa sông, đặc biệt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng xâm nhập mặn có xu hướng ngày càng tăng, mức độ càng nghiêm trọng.

Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hiếu Nhuệ phân tích khi ô nhiễm nguồn nước xảy ra, sự gia tăng của các chất dinh dưỡng mới trong nguồn nước sẽ kích thích sự phát triển của cây và tảo, làm giảm đáng kể oxy trong nguồn nước.

Việc thiếu oxy sẽ làm chết các loài thực vật và động vật có trong nguồn nước và tạo ra vùng chết. Ngoài ra, hóa chất và kim loại nặng từ nước thải công nghiệp, đô thị cũng làm ô nhiễm nguồn nước, gây độc hại đối với sinh vật có trong nguồn nước, làm giảm khả năng sinh sản cũng như tuổi thọ của sinh vật.

Đồng quan điểm trên, Tiến sỹ Dương Thanh An, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường cho rằng, các điểm nóng về môi trường nước trên lưu vực sông vẫn chưa được cải thiện rõ rệt, điển hình như ô nhiễm trên các sông nội thành Hà Nội (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét...) thuộc lưu vực sông Nhuệ; sông Ngũ Huyện Khuê, cầu Bóng Tối thuộc lưu vực sông Cầu và kênh Tân Hóa-Lò Gốm, kênh Tàu Hũ-Bến Nghé, kênh Tham Lương-Bến Cát-Vàm Thuật...) thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng, phần lớn các điểm quan trắc chưa ghi nhận dấu hiệu ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật.

Vấn đề ô nhiễm dầu mỡ, kim loại nặng chỉ xảy ra cục bộ tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi hoạt động giao thông thủy hoặc sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản.

Đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác hại

Để giảm thiểu tác hại ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hiếu Nhuệ cho rằng, Nhà nước, chính quyền các cấp cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng, tiếp tục ban hành các chính sách, quy định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt tập trung.

Tiến sỹ Dương Thanh An nhấn mạnh, trước mắt cần hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại khu dân cư và các khu công nghiệp, nông nghiệp. Để làm được điều này cần có sự kết hợp của 3 bên: Nhà nước-người đầu tư, doanh nghiệp-thi công và người dân-trực tiếp sử dụng.

Sông Tô Lịch được thử nghiệm hệ thống xử lý ô nhiễm. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải tại các khu công nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm. Các nhà máy, xí nghiệp cần xây bể xử lý nguồn nước thải thay vì xả trực tiếp ra môi trường bên ngoài cũng là biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước hiệu quả.

Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng thêm những hệ thống xử lý nước thải, rác thải đạt chuẩn. Tích cực đầu tư nghiên cứu để tìm ra các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước hiệu quả hơn.

Khuyến khích người dân vùng nông thôn áp dụng giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước bằng cách xây dựng hầm cầu tự hoại, hầm biogas cải tiến để xử lý nước thải, tránh xả trực tiếp phân và nước tiểu trong chăn nuôi ra môi trường.

Cải tiến công tác sản xuất nông nghiệp bằng cách dùng phương pháp tự nhiên để tạo dinh dưỡng cho đất, kết hợp sử dụng cây trồng kháng sâu bệnh tốt để hạn chế sử dụng các hóa chất độc hại.

Ngoài ra, sử dụng các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng sạch để thay thế và áp dụng trong sản xuất công nghiệp như năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió… đây là một giải pháp an toàn có thể hạn chế được nguồn rác thải và nước thải độc hại.

 

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/de-xuat-cac-giai-phap-giam-thieu-tac-hai-o-nhiem-nguon-nuoc-a504.html