Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có những lưu ý để Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức.

 Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng; UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các Thành uỷ, Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh trong vùng. 

Sự kiện - Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 3 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Trung Trung Bộ (Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh); Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận); cùng 2 hành lang kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây.

Quan điểm phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ tập trung vào các ngành kinh tế biển để vùng trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm gắn với phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị,  về cơ bản, kinh tế - xã hội từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn; chất lượng cơ sở hạ tầng trong vùng từng bước được cải thiện; thể chế và bộ máy điều phối vùng đã được hoàn thiện. Việc hoàn thiện Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh làm nền tảng, định hướng cho thu hút đầu tư trong thời gian tới…

Sự kiện - Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (Hình 2).

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng chỉ rõ một số khó khăn hiện nay trong việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp quy mô lớn, phát triển các ngành kinh tế biển, xử lý các vấn đề có tính liên vùng như: giao thông kết nối, xử lý môi trường, cứu hộ, cứu nạn; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực cho phát triển, các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa.

Tại hội nghị, nhiều lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cũng đã có những ý kiến phát biểu liên quan đến việc hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn quy hoạch, phương án phát triển kinh tế biển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Sự kiện - Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (Hình 3).

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng cần có thêm nguồn lực, thành lập quỹ phát triển vùng để tạo mối liên kết.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá hoạt động phối hợp giữa Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành, địa phương trong vùng ngày càng nhuần nhuyễn, hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, nhằm hoàn thiện báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng; đề xuất với cấp thẩm quyền những giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện hiệu quả chủ trương về liên kết, kết nối, phát triển vùng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đã có những lưu ý về hoạt động của Hội đồng điều phối  vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ  như:  Bám sát, nghiêm túc, quyết liệt trong triển khai Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị; các chỉ tiêu, nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ (Nghị quyết số 168), các Kết luận của Hội đồng;  Tổ chức thực hiện, hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, không hành chính; “nói thật, làm thật, hiệu quả thật”; Đổi mới tư duy điều phối, chú trọng hơn nữa tới vai trò liên kết, kết nối của Vùng đối với các vùng lân cận. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, các đồng chí thành viên Hội đồng vùng phát huy vai trò người đứng đầu, tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh; Chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết, phát triển vùng, phát huy các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Vùng. 

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc đẩy mạnh liên kết vùng trên cơ sở: (i) xây dựng thể chế liên kết và phát triển vùng; lấy quy hoạch vùng làm cơ sở để điều phối các hoạt động; (ii) Xây dựng bộ máy điều phối vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối trong việc giải quyết các vấn đề liên vùng cũng như giữa các địa phương trong vùng; (iii) Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng, phân công giữa các địa phương; tăng cường năng lực quản trị, tổ chức thực hiện của địa phương, tạo mối quan hệ hài hoà lợi ích của từng địa phương và của vùng…

Lê Kông

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/phat-huy-tiem-nang-loi-the-cua-vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-trung-bo-a50859.html