Phát triển đô thị thông minh: Cần lượng hóa được các tiêu chí để thông minh hóa đô thị

Tác động của dịch Covid-19 đã cho thấy sự cần thiết của việc phải xây dựng đô thị thông minh. Đó là một đô thị bền vững, linh hoạt, thích ứng với mọi biến động từ môi trường, xã hội.

Đòi hỏi cấp thiết

Nhiều năm trở lại đây, cụm từ “đô thị thông minh”, “thành phố thông minh” đã trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam. Đặc biệt là khi việc phát triển đô thị theo hướng thông minh hơn nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ thông qua việc ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg (năm 2018), phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, trong đó có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh và đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh...

Phát triển đô thị thông minh đang trở thành đòi hỏi cấp thiết (Ảnh minh hoạ)

Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển đô thị thông minh hiện nay không còn là sự lựa chọn mà là nhu cầu tất yếu. Dịch Covid-19 bùng phát trong hai năm nay đã tạo sức ép cho các đô thị, đăc biệt là các thành phố lớn trong việc phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ và các giải pháp thông minh để tăng cường khả năng chống dịch, bảo vệ sức khoẻ người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong điều kiện đặc hữu của dịch bệnh.

“Chính đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng các thành phố thông minh ở Việt Nam. Đây không chỉ dừng lại ở xu thế mà còn là nhu cầu cấp thiết của các khu đô thị. Đáng chú ý, với giai đoạn phục hồi sau đại dịch, việc vận hành một thành phố theo mô hình thông minh sẽ mang lại các giải pháp kịp thời cho kinh tế cũng như phòng chống dịch bệnh”, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Nguyễn Văn Khoa khẳng định.

Cần vượt qua nhiều rào cản

Chia sẻ với Reatimes, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay, đô thị thông minh có thể được hiểu là một đô thị được ứng dụng công nghệ số và truyền thông nhằm số hóa các vấn đề trong quản trị đô thị.

Tại các thành phố lớn của Việt Nam, sự quá tải hạ tầng đang là rào cản lớn để hướng tới đô thị thông minh, bền vững nhưng đồng thời cũng cho thấy cần phải thông minh hoá đô thị để giải quyết các vấn đề từ việc quá tải này 

Ở các nước phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ họ không sử dụng công nghệ nhiều cho việc quản lý hạ tầng (bởi cơ sở hạ tầng của họ đã rất đầy đủ) mà chủ yếu tập trung vào công nghệ mềm tức là quản trị thông minh, quản trị con người. Tất cả là để đạt được mục tiêu con người được sống tốt hơn.

Còn ở Việt Nam, theo KTS Phạm Thanh Tùng, hiện đang có nhiều rào cản để có thể hướng tới đô thị thông minh, bền vững theo đúng nghĩa như các quốc gia trên thế giới.  

“Tốc độ đô thị hóa ở nước ta đang diễn ra quá nhanh nhưng mạnh mún và thậm chí là bất hợp lý. Thực tế, đang có sự phân chia khoảng cách giữa đô thị lớn và đô thị nhỏ, những đô thị ở đồng bằng và đô thị ở miền núi. Từ đó, tốc độ phát triển kinh tế cũng như kỹ thuật của từng đô thị đang có sự chênh lệch lớn, chất lượng cuộc sống của người dân cũng khác nhau. Đô thị hóa của chúng ta đã lên đến hơn 40% nhưng dân số lại tập trung vào các thành phố lớn cụ thể như Hà Nội và TP.HCM chứ không phải những thành phố như TP. Lai Châu, TP. Sơn La, TP. Điện Biên… Bởi vì những thành phố này hầu hết cơ sở hạ tầng đều lạc hậu”, KTS. Phạm Thanh Tùng phân tích.

Vị chuyên gia cho biết thêm, việc đầu tư phát triển hạ tầng ở các thành phố lớn đã tạo đòn bẩy phát triển kinh tế, bất động sản và thu hút người nhập cư tập trung đông đúc ở vùng lõi của đô thị.  Điều này đã dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực trong sự phát triển của đô thị như: Phát triển hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sử dụng của người dân. Tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến...

Trước bối cảnh đó, theo KTS Phạm Thanh Tùng, việc xây dựng đô thị thông minh là đúng, là xu thế tất yếu nhưng phải hiểu cặn kẽ vấn đề để tìm ra hướng đi phù hợp, còn hiện tại chúng ta đang thiếu quy chuẩn chung, mỗi nơi thực hiện theo một hình thức khác nhau dẫn đến việc xây dựng đô thị thông minh vẫn là một bài toán khó.

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hoá gắn với công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, TS. Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, trong xu thế đô thị hóa ngày càng gia tăng, việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam được xác định là một hướng đi đúng đắn cho các đô thị. Tuy nhiên, theo ông Phong, việc phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn do nhận thức về đô thị thông minh từ góc độ nhà quản lý ở cấp độ địa phương, nhu cầu cung cấp sản phẩm của doanh nghiệp và cả nhu cầu thụ hưởng của người dân. 

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề của Việt Nam là tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Việc tham gia của các thành phần kinh tế trong quá trình này cũng còn hạn chế. 

“Việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam còn riêng lẻ, manh mún, thiếu tính đặc thù cho mỗi đô thị. Nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh, bao gồm cả nguồn vốn và nguồn lực con người cũng có hạn”, ông Phong khẳng định.

Để thành phố “thông minh”, bền vững hơn...

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, ở Việt Nam trước đây không có khái niệm đô thị thông minh nhưng có những quy chuẩn, tiêu chí cho đô thị. Các đô thị trước hết phải đạt được các chuẩn, còn thông minh là việc áp dụng công nghệ số để làm tốt hơn, tối ưu, chuẩn hóa hơn và làm nhanh hơn quá trình phát triển đô thị….

Do đó, ông Hùng cho rằng, đô thị thông minh ở Việt Nam phải làm rõ và lượng hóa được tiêu chí, mức chuẩn phải đạt, mức độ áp dụng công nghệ số, dữ liệu lớn và việc liên kết thông tin… Việt Nam cũng không thể kỳ vọng đồng loạt áp dụng thông minh cho tất cả các đô thị mà có chiến lược áp dụng cho khu vực đô thị trước, sau đó cho một số đô thị và tiếp tục mở rộng.

Để triển khai Quyết định 950 của Chính phủ, theo Bộ Xây dựng, nhiệm vụ trong thời gian tới phải xây dựng các tiêu chí cho đô thị thông minh phù hợp với điều kiện Việt Nam; xây dựng nền tảng pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn cho đô thị thông minh. Đồng thời phải xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông (số hóa) về đất đai, quy hoạch, giao thông, dân cư và các dữ liệu không gian đô thị khác...

Về lộ trình thực hiện, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, dự kiến đến năm 2025 Việt Nam sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý, có các tiêu chuẩn, quy chuẩn để triển khai phát triển đô thị thông minh; thí điểm xây dựng các khu vực đô thị thông minh. Dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 30% sẽ áp dụng các tiêu chí cơ bản về đô thị thông minh và tầm nhìn kỳ vọng đến năm 2045, đa số đô thị loại 2 trở lên đạt được tiêu chí cơ bản đô thị thông minh.

Chia sẻ về xu hướng phát triển của các khu đô thị thông minh tại Việt Nam và đề xuất nguồn lực thực hiệnThS.KTS Hồ Phú Khánh, Viện Đô thị thông minh, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận, kiến tạo và phát triển thành phố xanh hơn, bền vững hơn và đáng sống hơn, có bản sắc là mục tiêu của đô thị thông minh chứ không chỉ lấy công nghệ làm trọng tâm. Một đô thị thông minh cần phải được huy động nguồn lực từ chính quyền, từ dân cư và đặc biệt là doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia vào quá trình này sẽ tạo ra được tính toàn diện, tính tổng hợp và tính công bằng và thúc đẩy quá trình đô thị hóa và quyết định sự thành công của mô hình đô thị thông minh.

Tại một hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quang Trung - phụ trách Trung tâm nghiên cứu về Thành phố thông minh và bền vững tại Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT cũng đồng tình, rằng thành phố thông minh không chỉ áp dụng công nghệ để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, mà còn phải thân thiện với môi trường và bền vững cho thế hệ sau này, dựa trên các tiêu chuẩn và thực tiễn tốt nhất trên toàn cầu để đưa ra các quyết định cho tương lai bền vững.

Hơn thế nữa, theo ông Trung, bản thân công nghệ sẽ không thể khiến các thành phố trở nên “thông minh”, đáng sống và bền vững; mà đòi hỏi phải có chiến lược đúng đắn và sự lãnh đạo quyết đoán, dựa trên kiến thức và thực tiễn tốt nhất hiện có.

Theo đánh giá của KTS Phạm Thanh Tùng, công tác quản lý về giao thông, quy hoạch đô thị của chúng ta còn rất kém, do đó, cần phải chú trọng vào việc đưa các công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và sự kết nối dữ liệu chính xác vào công tác quản lý giao thông, làm quy hoạch và quản lý quy hoạch.

“Phải có quy hoạch thông minh mới có thể tiến tới quản trị thông minh. Còn chúng ta đòi hỏi những người quản trị đô thị phải nắm được kỹ thuật số từ công nghệ đám mây, công nghệ 4.0 để áp dụng vào trong quản lý đô thị trong khi chưa có quy hoạch thông minh thì đây là bài toán không tưởng, dù tốn kém thế nào cũng là không tưởng”, KTS Phạm Thanh Tùng khẳng định.

Theo các chuyên gia, thành phố thông minh đang là tiêu chuẩn nhằm đánh giá quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Đây là phương thức hiện đại giúp các đô thị tối ưu nguồn lực, phát triển bền vững cũng như tăng cao sự an toàn, tiện lợi cho người dân cũng như phát triển kinh tế. Trong bối cảnh các thành phố đông dân đang đối mặt với hàng loạt vấn đề đô thị như ô nhiễm không khí, ngập úng, tắc đường, dịch bệnh dễ lây lan…, càng cho thấy không thể chậm trễ hơn trong việc thông minh hoá đô thị, hướng tới sự phát triển bền vững. Đó là những đô thị có chính quyền thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, con người thông minh…Và không thể khác hơn, đó chính là "chìa khoá" của tương lai, là hướng đi tất yếu của các thành phố muốn phát triển bền vững.

Nguồn: reatimes.vn

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/phat-trien-do-thi-thong-minh-can-luong-hoa-duoc-cac-tieu-chi-de-thong-minh-hoa-do-thi-a515.html