"Thế hệ 'mê vàng' sẽ giảm dần, do đó cầu về vàng dần dần sẽ giảm"

Theo chuyên gia, giới trẻ dưới 30 tuổi có nhu cầu đầu tư nhà đất nổi trội hơn là nhu cầu tích lũy vào vàng. Đây là một trong những lý do cầu về vàng dần dần sẽ giảm.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển
Chuyên gia Đinh Thế Hiển
47 bài viết
Hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với nghịch lý thừa tiền. Trạng thái tín dụng đang khó mà bây giờ bị đột ngột dừng thì ngân hàng cũng khó chuyển tín dụng qua khách hàng mới. Quy định quá chặt sẽ vừa làm khó các ngân hàng vừa làm giảm tính thị trường của ngân hàng thương mại
Tại: Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: Chuyên gia đề xuất gì?
Từ giờ đến cuối năm, mặc dù lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục giảm, nhưng người dân vẫn chọn gửi ngân hàng bởi so sánh đây vẫn là kênh “tạm” có lợi hơn cả
Tại: Ngân hàng kết dư hàng triệu tỷ đồng: 'Thúc' dòng tiền đi vào lưu thông

Giá vàng biến động 

Thời gian vừa qua, giá vàng trong nước liên tục biến động theo chiều hướng tăng mạnh. So thời điểm đầu năm, giá vàng SJC tăng tới 20% trong khi giá vàng nhẫn tròn trơn tăng ước tính khoảng 18%.

Giá vàng tăng mạnh đã kéo dãn khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Có thời điểm, giá vàng SJC trong nước và thế giới chênh lệch lên tới 18-20 triệu đồng mỗi lượng.

Các chuyên gia cho rằng, sự biến động mạnh của giá vàng thường được coi là một tài sản an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế. Khi giá vàng tăng, nó có thể thu hút nhiều nhà đầu tư tìm kiếm sự bảo vệ tài sản trước rủi ro, giúp ổn định tâm lý thị trường.

Tuy nhiên, ở góc độ tiêu cực, giá vàng cao có thể khuyến khích đầu cơ, làm tăng sự biến động của thị trường và tạo ra bong bóng tài sản. Điều này có thể dẫn đến sự bất ổn tài chính khi bong bóng vỡ.

Đặc biệt, khi người dân và nhà đầu tư đổ xô mua vàng, nguồn vốn có thể bị rút khỏi các lĩnh vực khác như sản xuất, công nghệ và dịch vụ, gây thiếu hụt vốn đầu tư cho các lĩnh vực quan trọng khác trong nền kinh tế.

Trước diễn biến giá vàng trong nước tăng mạnh, NHNN đã tổ chức đấu thầu vàng miếng với kỳ vọng thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, sau 9 lần đấu thầu vàng miếng, giá vàng trong nước vẫn tiếp tục leo thang.

Đến ngày 29/5, NHNN cho biết sẽ dừng đấu thầu vàng và tiến hành nhập khẩu vàng. Cụ thể, NHNN giao cho nhóm ngân hàng Big 4 bán cho người dân. Sau thông tin này, giá vàng SJC đột ngột quay đầu giảm. 

Cụ thể, ngay trong mở cửa phiên sáng ngày 30/5, giá vàng SJC lao dốc mạnh với mức giảm lên tới 4 triệu đồng/lượng và là mức biến động rất hiếm thấy trong thời gian gần đây, chỉ còn 84,5-88,0 triệu đồng/lượng.

Đến phiên sáng nay 2/6, giá vàng SJC tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức mức 81-83 triệu đồng/lượng. Một số doanh nghiệp khác niêm yết thấp hơn, như DOJI chỉ còn 80,95-82,75 triệu đồng/lượng.

Tính từ ngày 28/5 đến nay, giá vàng SJC đã giảm khoảng 7,5 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua – bán. Nếu so với mức đỉnh từng lập ở chiều bán ra 92,4 triệu đồng vào hồi đầu tháng 5, giá vàng giảm tới hơn 11 triệu đồng.

"Thế hệ 'mê vàng' sẽ giảm dần, do đó cầu về vàng dần dần sẽ giảm"- Ảnh 1.

Giá vàng SJC trong một tháng qua.

Giá vàng sẽ còn tiếp tục giảm 

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định, giá vàng SJC sẽ còn tiếp tục giảm khi ngân hàng thương mại nhà nước bán vàng trực tiếp cho dân. Ông Hiển cũng đánh giá cao giải pháp NHNN nhập khẩu vàng và bán lại cho ngân hàng thương mại nhà nước.  

Theo ông Hiển, Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng như nông lâm thủy sản để tạo ra giá trị thực dương về ngoại tệ thì lấy một phần giá trị đó chuyển vàng, đáp ứng nhu cầu mua tài sản tích lũy của người dân cũng tốt.

Ông Hiển cũng cho rằng, Việt Nam đã cho phép người dân được nắm giữ vàng, ngoại tệ, đất… Vị chuyên gia phân tích thêm, đất tích lũy thường không tạo giá trị gia tăng cho quốc gia. Giá đất tăng thậm chí còn gây nguy hiểm cho nền kinh tế. Bởi đất tăng giá dẫn tới giá thuê đất tăng, khiến các khu công nghiệp khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài… Trong khi đó, vàng có tính thanh khoản rất cao, có thể chuyển thành ngoại tệ bất kỳ lúc nào.

Cũng theo TS. Đinh Thế Hiển, với thị trường trong nước, Việt Nam là một nền sản xuất nông nghiệp mới chuyển đổi, tâm lý tích trữ vàng vẫn còn khá nặng nề, nhất là với thế hệ 8x trở về trước. Với giới trẻ dưới 30 tuổi (thế hệ 9x) thì nhu cầu đầu tư nhà đất nổi trội hơn là nhu cầu tích lũy vào vàng. Nói cách khác, thế hệ "mê vàng" sẽ giảm dần, do đó cầu về vàng dần dần sẽ giảm.

Ngoài ra, nhìn về dài hạn, cầu vàng không thể mãi tăng vì thị trường bất động sản rồi cũng sẽ phục hồi, người dân cuối cùng vẫn sẽ nhận thấy gửi tiết kiệm ngân hàng là một trong những kênh đầu tư an toàn, hiệu quả.

Về khuyến nghị đầu tư, ông Hiển cho rằng, nếu thời điểm này mua vàng, nhà đầu tư sẽ đối đầu với rủi ro kép. Đầu tiên giá vàng thế giới đã vượt qua 2.000 USD, khả năng lên và xuống như nhau là một rủi ro. Chưa kể, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quá cao, cũng là rủi ro. Thế nên theo ông Hiển, đầu tư an toàn giai đoạn này là không nên chạy theo tài sản có quá nhiều rủi ro.

"Nhìn vào vàng thời điểm này, mỗi nhà đầu tư sẽ có tâm lý khác nhau, trong đó có tâm lý chạy theo số đông. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, chỉ có một số ít nhà đầu tư là có khả năng vào - ra đúng xu thế nên hưởng lợi, còn đa số chạy theo xu thế tăng giá đều thiệt hại, không chỉ trong vàng mà trong nhiều tài sản đầu tư khác cũng vậy", ông Hiển nói.


Link nội dung: https://kinhtedautu.net/the-he-me-vang-se-giam-dan-do-do-cau-ve-vang-dan-dan-se-giam-a52843.html