Thị trường ngày 6/6: Giá dầu, vàng, cao su tăng, cà phê Robusta gần cao kỷ lục, quặng sắt và đồng giảm sâu

Giá hàng hóa thế giới phiên thứ Tư (5/6) biến động mạnh. Trong khi giá dầu và vàng tăng thì kim loại cơ bản lao dốc.

Thị trường ngày 6/6: Giá dầu, vàng, cao su tăng, cà phê Robusta gần cao kỷ lục, quặng sắt và đồng giảm sâu- Ảnh 1.

Dầu tăng 1% do lạc quan về việc Fed cắt giảm lãi suất

Giá dầu tăng 1% vào thứ Tư do hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, át đi nỗi lo về nhu cầu sau khi dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ tăng.

Dầu thô Brent kết thúc phiên tăng 89 cent, tương đương 1,2%, lên 78,41 USD/thùng, trong khi giá dầu thô trung cấp Tây Texas của Mỹ tăng 82 cent, tương đương 1,1%, lên 74,07 USD.

Tồn trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 1,2 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 31 tháng 5, so với ước tính của các nhà phân tích là giảm 2,3 triệu thùng.

Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn mức con số tăng 4 triệu thùng do Viện Dầu mỏ Mỹ đưa ra hôm thứ Ba.

Tồn kho xăng tăng 2,1 triệu thùng, cũng cao hơn so với dự đoán tăng 2 triệu thùng, làm tăng thêm mối lo ngại về nhu cầu.

Vàng tăng sau dữ liệu việc làm yếu ở Mỹ

Giá vàng tăng hơn 1% vào thứ Tư do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sau khi dữ liệu bảng lương tư nhân của Mỹ yếu hơn dự kiến giúp củng cố dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Vàng giao ngay đã tăng 1,2% lên 2.355,49 USD/ounce, sau khi giảm 1% trong phiên trước. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 tại Mỹ tăng 1,2% lên 2.375,50 USD.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ chuẩn đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 5 tháng 4 sau khi dữ liệu cho thấy bảng lương tư nhân của Mỹ tăng ít hơn dự kiến trong tháng 5, khiến Fed có thể phải cắt giảm lãi suất trước cuối năm, làm tăng sức hấp dẫn của vàng. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng không sinh lời.

Trên thị trường vàng vật chất, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết lượng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng lên 33 tấn trong tháng 4 so với mức mua ròng 3 tấn trong tháng 3 (con số đã điều chỉnh), báo hiệu nhu cầu vàng tiếp tục mạnh mẽ của ngành này bất chấp giá cao.

Quặng sắt thấp nhất 7 tuần

Giá quặng sắt giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần do nhu cầu thép chững lại và dự kiến nhập khẩu sẽ tăng trong tháng 6.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2024 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc kết thúc giảm 1,84% xuống 825 nhân dân tệ (113,86 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 16/4. Trên Sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 7/2024 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 1,21% xuống 106,35 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 11/4.

Nguồn cung quặng sắt tại Trung Quốc có thể sẽ duy trì ở mức cao trong tháng 6, trong khi sự lạc quan về nhu cầu tăng nhờ các gói kích thích kinh tế cũng giảm dần. Tiêu thụ nguyên liệu sản xuất thép và sản lượng kim loại nóng cùng giảm, trong khi tồn kho ở cảng tiếp tục tăng, khiến giá quặng chịu áp lực đi xuống.

Dữ liệu từ nhà cung cấp thông tin Zhaogang cho thấy mức tiêu thụ các sản phẩm thép tấm cỡ trung, thép cuộn cán nóng (HRC) và thép xây dựng giảm mạnh trong tuần này giảm mạnh hơn các tuần trước. Đồng thời, việc đình chỉ các hoạt động xây dựng để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia sắp tới ở nhiều thành phố của Trung Quốc cũng hạn chế nhu cầu thép. Nhìn chung, dữ liệu xấu hơn dự kiến khiến nhiều người cho rằng giá sẽ còn giảm hơn nữa.

Thị trường tương lai Trung Quốc sẽ đóng cửa nghỉ lễ vào ngày 10/6.

Đồng gần mức thấp nhất 1 tháng

Giá đồng giảm xuống mức thấp gần một tháng vào thứ Tư, tạm dừng đợt tăng mạnh nhất trong nhiều năm do dự đoán nhu cầu mạnh mẽ đối với kim loại quan trọng cho điện khí hóa vẫn chưa chuyển thành mức tăng tiêu thụ.

Đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn chạm mức thấp nhất kể từ ngày 9 tháng 5, là 9.860 USD/tấn, dưới mức kỹ thuật quan trọng 10.000 USD.

Tồn kho đồng tại Trung Quốc – nước tiêu thụ hàng đầu thế giới, hiện ở mức 321.695 tấn, cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020, trong khi tồn trữ của sàn LME đạt 118.950 tấn, cao nhất kể từ ngày 24 tháng 4.

Cao su phục hồi

Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản tăng vào thứ Tư, phục hồi sau ba phiên giảm trước đó, nhờ sự phục hồi của thị trường cao su Thượng Hải và do giá hàng thực tại các khu vực sản xuất vẫn ở mức cao.

Hợp đồng cao su giao tháng 11 trên sàn Osaka (OSE) chốt phiên tăng 1,3 yên, tương đương 0,4%, lên 332,1 yên (2,13 USD)/kg.

Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng 70 nhân dân tệ, chốt phiên ở mức 15.050 nhân dân tệ (2.077 USD)/tấn, cũng phục hồi sau ba phiên giảm.

Cà phê Robusta gần cao nhất mọi thời đại

Giá cà phê Robusta tiếp tục xu hướng tăng gần đây lên mức cao nhất mọi thời đại.

Cà phê Robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 133 USD, tương đương 3,2%, lên 4.322 USD/tấn, chỉ kém chút ít so với mức cao nhất mọi thời đại trong tháng 4.

Nguồn cung tại Việt Nam vẫn khan hiếm và các thương nhân đang theo dõi chặt chẽ thời tiết để xem liệu vụ mùa tới có cải thiện hay không.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 0,7% xuống 2,31 USD/lb.

Đường cao nhất 3 tuần

Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE tăng lên mức cao nhất 3 tuần trong bối cảnh lo ngại về thời tiết đối với cây trồng ở Brazil và Thái Lan.

Đường thô kỳ hạn tháng 7 tăng 0,27 cent, tương đương 1,4%, lên 19,13 cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 3 tuần là 19,17.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 trên sàn London tăng 0,8% lên 560,30 USD/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 6/6:

Thị trường ngày 6/6: Giá dầu, vàng, cao su tăng, cà phê Robusta gần cao kỷ lục, quặng sắt và đồng giảm sâu- Ảnh 2.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/thi-truong-ngay-66-gia-dau-vang-cao-su-tang-ca-phe-robusta-gan-cao-ky-luc-quang-sat-va-dong-giam-sau-a53529.html