Nghiên cứu chế tạo lò đốt rác thải tạo khí sạch

Việc xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay chủ yếu vẫn sử dụng công nghệ chôn lấp với tỷ lệ 71%, 13% sử dụng công nghệ đốt, còn lại là các giải pháp khác.

Ngoài ra, khó khăn lớn nhất trong việc xử lý rác thải tại Việt Nam là rác thải chưa được phân loại từ đầu nguồn và chi phí đốt rác quá lớn đối với các khu vực nông thôn của Việt Nam. Trong khi đó, việc chôn lấp rác thải tạo nước rỉ rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm cũng như môi trường sống của người dân. 

Từ nhiều năm trước, TS Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam, đã bắt tay nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ đốt rác, hạn chế nhất của phương pháp này là khí thải. Tìm cách giảm thiểu lượng khí thải độc hại này, công nghệ đốt rác sẽ là ưu việt để khắc phục tình trạng nêu trên. Từ đây, ông và các cộng sự đã tự nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều loại lò đốt rác với công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sản phẩm “Lò đốt rác tạo khí sạch” của TS Nguyễn Đình Trọng về bản chất là sử dụng khí tự nhiên CNC để đốt. Lò đốt được thiết kế với 2 buồng đốt sơ cấp và 2 buồng đốt thứ cấp. Khi áp dụng không cần diện tích lớn, không phát sinh ô nhiễm thứ cấp; giá trị đầu tư chỉ bằng 1/4 - 1/2 so với công nghệ nhập khẩu; được nghiên cứu, sản xuất trong nước nên được đóng gói đồng bộ, hoàn chỉnh; dễ dàng vận hành, bảo dưỡng và nâng cấp. Lò được thiết kế gồm buồng sấy rác; buồng đốt rác; 2 buồng đốt khí và bụi; buồng lưu khí và tản nhiệt; buồng bẫy bụi; hệ thống ống khói bằng inox chịu được axit và môi trường độc hại, có chiều cao trên 20m, tạo nên một dây chuyền khép kín từ khâu sấy rác, đốt rác, đến lọc bụi, hấp thụ khí độc… Khí thải ra từ lò đốt là khí sạch, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 61-MT:2016/BTNMT.

Trước khi đưa vào đốt, rác thải được lọc với tỷ lệ chôn lấp dưới 10%. Các chất thải vô cơ như gạch, ngói, vật liệu xây dựng cùng tro xỉ sau khi đốt được phối trộn với xi măng, đá mạt để sản xuất gạch không nung. Rau củ quả và các loại rác hữu cơ sạch được phân loại để ủ làm phân hữu cơ cao cấp. Nilon, nhựa được tái chế để tăng thêm thu nhập cho nhà máy và giảm thiểu dioxin/furan trong quá trình đốt rác. 5% rác hữu cơ sạch được ủ để lấy khí gas, tăng nhiệt trị cho lò đốt, đảm bảo chất lượng khí thải đầu ra khi đốt ở nhiệt độ cao. Giấy vụn, bao bì các tông, củi, gỗ được lọc làm nguyên liệu đốt, hoặc nguyên liệu tái chế.

Mô hình dây chuyền và giải pháp xử lý rác sinh hoạt công suất lớn của Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam

Điểm mạnh công nghệ ở đây là lò đốt rác áp dụng hệ thống bức xạ nhiệt tối ưu để tăng nhiệt độ của lò; hệ thống lưu chuyển dòng khí nóng đối lưu thông minh, giúp tận dụng được nhiệt lượng thừa, bổ sung cho khả năng đốt rác. Lò được xây bằng vật liệu chịu lửa đặc biệt nên chịu được nhiệt độ tới 1.750 độ C, giúp cho lò có độ bền cao và ổn định lâu dài.

TS Nguyễn Đình Trọng cho biết, lò đốt rác model CNC do TS Nguyễn Đình Trọng nghiên cứu và chế tạo có nhiều công suất khác nhau: Từ 7,2 tấn/ngày đêm đến 500 tấn/ngày đêm, thậm chí có thể lắp đặt nhiều dây chuyền cùng lúc để có thể xây dựng một nhà máy xử lý rác có công suất lên đến 2.000 tấn/ngày đêm.

Do được thiết kế thông minh, liên hoàn và tối ưu trong quá trình khai thác, sử dụng, do đó chi phí vận hành rất thấp. Chi phí thường xuyên khoảng từ 50.000 -150.000 đồng/tấn rác, trong khi nhiều phương pháp xử lý khác có chi phí lên tới 400.000 đồng/tấn.

Sản phẩm lò đốt rác tạo khí sạch của TS Nguyễn Đình Trọng đã được giới thiệu tại Sàn giao dịch công nghệ TPHCM. Sản phẩm cũng đã được triển khai trên 20 tỉnh, thành của cả nước như: Bắc Giang, Hà Giang, Long An, Trà Vinh, Nam Định, Nghệ An, Phú Yên, Ninh Bình, Hà Nội…

Nguồn: vista.gov.vn

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/nghien-cuu-che-tao-lo-dot-rac-thai-tao-khi-sach-a5473.html