Ngày 13-6, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết từ ngày 2-7, sản phẩm mì ăn liền (có chứa gói gia vị hoặc nước sốt) của Việt Nam sẽ được đưa ra khỏi danh sách tại Phụ lục I, tức không còn chịu tần suất kiểm tra tại cửa khẩu khi nhập khẩu EU.
"Việc được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm là một bước tiến quan trọng, giúp mì ăn liền Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường EU và các thị trường trên thế giới. Đây là sự nỗ lực của Văn phòng SPS Việt Nam, các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương, thương vụ Việt Nam và tham tán thương mại Việt Nam tại EU, đặc biệt là sự tuân thủ các quy định của EU của các doanh nghiệp trong ngành hàng mì ăn liền" - đại diện Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh.
Trước đó, vào tháng 1-2022, EU đặt các sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam vào tầm ngắm theo Quy định 2019/1793 nhằm kiểm soát dư lượng ethylene oxit (EO). Điều này có nghĩa bất kỳ sản phẩm mì ăn liền nào của Việt Nam nhập khẩu EU đều phải có Giấy chứng nhận y tế (HC) do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Nguyên nhân xuất phát từ việc một số nước EU liên tục phát hiện các lô mì tôm ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam có chứa EO vượt ngưỡng.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, các sản phẩm có nguồn gốc thực vật cần tăng cường hơn nữa việc tuân thủ quy định của EU, đặc biệt là việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, khi mà nhiều mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) của EU ở mức rất thấp.
Cụ thể, đậu bắp và ớt bị áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới là 50% và kèm giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu đối với lô hàng; quả thanh long áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới là 30% và kèm giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu đối với lô hàng.
Đối với sầu riêng của Việt Nam, EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới là 10%.
Từ đầu tháng 2-2024, sầu riêng Việt Nam bị EU đưa vào danh sách phải kiểm tra tại biên giới do có nước thành viên EU phát hiện sầu riêng từ Việt Nam nhiễm thuốc trừ sâu.
4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 470 triệu USD, tăng 145,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tốp 10 thị trường nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, có 2 nước thuộc EU là Hà Lan và Pháp (xếp vị trí thứ 8 và 10) với giá trị 292.000 USD và 113.000 USD. So với cùng kỳ năm 2023 thì thị trường Hà Lan tăng 359% nhưng thị trường Pháp giảm 74%.