Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch làm việc với 4 địa phương vùng ĐBSCL

Sáng 21/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc với TP Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, Long An và Sóc Trăng theo hình thức trực tuyến.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc có: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng Đoàn giám sát cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Về phía chuyên gia mời tham gia Đoàn giám sát có: Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu; Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng.

Về phía cơ quan báo cáo tham dự từ phía các điểm cầu có: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, Long An và Sóc Trăng; đại diện Hội đồng nhân dân, Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, Long An và Sóc Trăng;…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Đoàn giám sát đánh giá cao UBND, HĐND, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố đã gửi báo cáo đầy đủ, đúng hạn. Theo báo cáo, Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo sâu sát công tác quy hoạch nhờ đó đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Các Sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm để lập các quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đến nay cơ bản đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, lập dự toán và phân bổ kinh phí lập quy hoạch; thực hiện các trình tự, thủ tục trong hoạt động quy hoạch; đã lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, trong đó có tư vấn nước ngoài… Các địa phương cũng đang thực hiện rà soát, tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch đô thị, phân khu đô thị, lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng xã và Quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã trên địa bàn quận, huyện. Tích cực triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất 2021 – 2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025; rà soát bãi bỏ quy hoạch theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải 

Gợi ý một số nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các địa phương, các đại biểu nêu rõ quan điểm liên quan đến việc lập quy hoạch, chất lượng quy hoạch và làm thế nào để thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia; việc tích hợp để lập quy hoạch Thành phố (tỉnh) được thực hiện như thế nào, căn cứ để tích hợp, các hướng dẫn, các quy định để tích hợp đã đầy đủ chưa, nêu khó khăn, vướng mắc;...

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các địa phương báo cáo Quy hoạch Thành phố (tỉnh) đang lập có thống nhất, phù hợp với Quy hoạch vùng không; có điểm nào Quy hoạch vùng bất cập cần phải điều chỉnh không hay là đã bảo đảm chất lượng và Quy hoạch Thành phố (tỉnh) sẽ tuân thủ Quy hoạch vùng để bảo đảm thống nhất; Nêu cụ thể hơn và kiến nghị về những bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây; Cho ý kiến về việc lựa chọn tư vấn, việc sử dụng vốn đầu tư công để lập qui hoạch, tỷ lệ bản đồ;…

Thành phố Cần Thơ tham dự cuộc làm việc theo hình thức trực tuyến

Báo cáo với Đoàn Giám sát, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, trong quá trình tổ chức và triển khai thực hiện Luật Quy hoạch tại thành phố Cần Thơ có một số tồn tại, hạn chế như: Quá trình triển khai còn nhiều lúng túng; Quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định đối với hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi mất nhiều thời gian; Năng lực của đơn vị tư vấn đấu thầu trong xử lý tình huống còn hạn chế, cần phải điều chỉnh hồ sơ; Kinh nghiệm của cán bộ tham mưu quy hoạch hạn chế, nhiều lúc chưa đáp ứng yêu cầu công việc;…

“Vì đây là nội dung mới và kinh nghiệm của cán bộ tham mưu trong công tác lập quy hoạch còn hạn chế nên cần thời gian trao đổi giữa các ngành, địa phương trong công tác phối hợp cũng như đề xuất định hướng trong phần nội dung tích hợp quy hoạch. Bên cạnh đó, Tổ giúp việc phục vụ Hội đồng Quy hoạch thành phố chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc tham mưu về nội dung quy hoạch cho lãnh đạo quản lý đôi lúc chưa đảm bảo chất lượng và kịp thời….”, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nêu nguyên nhân, trách nhiệm của việc chậm tiến độ lập quy hoạch.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cũng cho biết những giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thành phố Cần Thơ theo quy định của Luật Quy hoạch như: Chủ động ban hành các quyết định Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện quy hoạch thành phố; thành lập Hội đồng quy hoạch thành phố,… Bên cạnh đó, đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc tăng cường công tác lập, điều chỉnh các quy hoạch thành phố.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng nêu rõ định hướng của Thành phố để cụ thể hóa quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong quá trình phối hợp lập quy hoạch; về quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng; việc rà soát các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch của thành phố; rà soát các quy hoạch đã hết hiệu lực; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại cuộc làm việc

Cho ý kiến tại cuộc làm việc, thành viên Đoàn Giám sát cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành của thành phố Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, Long An và Sóc Trăng đồng thời đánh giá cao khối lượng công việc thực tế các địa  phương đã thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo của các địa phương đã bám sát đề cương yêu cầu, đi sâu vào nhiều nội dung trọng tâm Đoàn giám sát nêu, đưa ra được những tồn tại/hạn chế và bước đầu đề xuất được giải pháp/kiến nghị tương đối sát thực.

Chia sẻ với những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch tại các địa phương, một số thành viên Đoàn giám sát đồng tình với nhận định, việc chậm tiến độ lập quy hoạch là do phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp là nội dung mới, chưa từng thực hiện, dẫn đến lúng túng trong triển khai. Đồng thời, một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật có liên quan đến quy hoạch còn chậm; một số văn bản còn có nội dung chưa thống nhất cũng gây khó khăn cho địa phương khi áp dụng trong quá trình lập quy hoạch.  

Tuy nhiên, để làm rõ nội dung giám sát, các đại biểu đề nghị các địa phương nêu rõ những bất cập, vướng mắc cụ thể của văn bản hướng dẫn trong quá trình triển khai quy hoạch; việc hướng dẫn thực hiện phương pháp tích hợp đã đầy đủ chưa, tính khả thi của phương pháp này; vấn đề quy hoạch thời kỳ trước được kế thừa như thế nào trong quá trình lập quy hoạch; đánh giá chính xác/đầy đủ nguyên nhân khách quan dẫn đến chậm tiến độ quy hoạch;…

Bên cạnh đó, một số ý kiến thành viên Đoàn giám sát cũng yêu cầu các địa phương báo cáo về vấn đề bất cập trong sử dụng nguồn kinh phí; chất lượng/trách nhiệm của tư vấn lập quy hoạch, kinh nghiệm lựa chọn tư vấn; khó khăn trong công tác thông tin, cơ sở dữ liệu; chồng chéo giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch chuyên ngành;…

Đặc biệt quan tâm đến chất lượng quy hoạch, các đại biểu cũng đề nghị, các địa phương bổ sung những tồn tại, hạn chế và các kiến nghị liên quan tới phối hợp lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; báo cáo cụ thể tác động của việc bãi bỏ các quy hoạch hết hiệu lực đối với công tác quản lý nhà nước của các tỉnh/thành phố. Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị các địa phương báo cáo rõ căn cứ để lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; tính khả thi, hiệu quả của các quy hoạch sử dụng đất cấp huyện khi được phê duyệt; việc quản lý đất cấp huyện hiện nay được thực hiện như thế nào, căn cứ pháp lý để thực hiện đồng thời nêu đề xuất cụ thể để giải quyết vấn đề này.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các địa phương trong việc tổ chức thực hiện lập quy hoạch; đánh giá cao khối lượng công việc các địa phương đã thực hiện. Đoàn giám sát cũng ghi nhận và sẽ nghiên cứu đầy đủ kiến nghị của các địa phương.

“Qua làm việc với các địa phương là nơi trực tiếp tổ chức thực thi chính sách đã cho thấy thêm những bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật quy hoạch như một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất; các văn bản hướng dẫn luật còn ban hành chậm hoặc thiếu; nhiều nội dung cần hướng dẫn cụ thể hơn,..” Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các địa phương khẩn trương bổ sung đầy đủ các nội dung còn thiếu trong báo cáo theo ý kiến các thành viên Đoàn giám sát đã nêu, đặc biệt cần khẳng định rõ tiến độ hoàn thành các quy hoạch, làm rõ trách nhiệm dẫn đến các bất cập, hạn chế và việc chậm tiến độ các quy hoạch.

Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương tập trung thời gian, nhân lực, trí tuệ để hoàn thành quy hoạch Thành phố (tỉnh) thời kỳ 2021-2030, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác theo quy định; khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng; rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn để đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước nhưng cũng tạo thuận lợi cho sự phát triển.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc lập các quy hoạch cần bảo đảm tính kế thừa, tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực khu vực phía Nam như Sân bay Long Thành, sân bay Cần Thơ, các tuyến cao tốc kết nối, các tuyến quốc lộ; thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch đặc thù như quy hoạch cấp nước, thoát nước để phòng chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông. Quy hoạch cần phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp, tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây gắn với phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm về thủy sản, trái cây, lúa gạo, hỗ trợ việc thu gom, trung chuyển, vận tải hàng hóa nông sản tại các trung tâm đầu mối. Chú ý bảo đảm ổn định hệ thống điện có tỷ trọng cao từ nguồn năng lượng tái tạo; phát triển các dự án điện khí…

Quá trình lập quy hoạch cần ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời, phối hợp tốt với các Bộ, các cơ quan hữu quan để tham gia ý kiến cho các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các quy hoạch quốc gia và quy hoạch của chính Thành phố, tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các địa phương tập hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cụ thể giải pháp để tháo gỡ; Lưu ý các kiến nghị để hoàn thiện các Luật, các văn bản hướng dẫn; các kiến nghị để thực hiện được việc tích hợp quy hoạch; các quy định liên quan đến lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; các quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch cho phù hợp thực tiễn; ban hành chính sách thay thế quy hoạch hết hiệu lực theo quy định Luật Quy hoạch, bảo đảm vai trò quản lý của nhà nước khi bỏ các quy hoạch sản phẩm,…

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các báo cáo của địa phương, các ý kiến phát biểu để trao đổi làm việc cụ thể với các địa phương và các bộ, ngành liên quan nhằm xem xét các vướng mắc của địa phương; giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết nếu vượt thẩm quyền.

Nguồn: Quochoi.vn

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/doan-giam-sat-cua-quoc-hoi-ve-cong-tac-quy-hoach-lam-viec-voi-4-dia-phuong-vung-dbscl-a549.html