Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN, ngày 16/5, Báo VnExpress tổ chức Hội nghị các nhà khoa học trẻ và Lễ trao giải Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024.
Đây là năm thứ ba VnExpress tổ chức cuộc thi nhằm tạo sân chơi dành cho các nhà khoa học chuyên và không chuyên với kỳ vọng truyền cảm hứng sáng tạo và thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng vào thực tế.
Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024 chính thức khởi động từ ngày 2/12/2023, gồm những lĩnh vực có tính ứng dụng rộng như: Y sinh - hóa sinh, công nghệ, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới. Đặc biệt, Cuộc thi năm nay có thêm một hạng mục mới là vật liệu vi mạch bán dẫn.
Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, học sinh, sinh viên từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm nay số lượng hồ sơ gửi về nhiều hơn so với hai năm trước, với hơn 135 hồ sơ tham gia.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao ý nghĩa, công tác tổ chức Cuộc thi. Tham gia giải có cả những nhà khoa học trong các viện nghiên cứu, trường đại học và cả người dân, những em học sinh đưa ra các sáng kiến giải bài toán từ chính cuộc sống họ đang gặp phải.
Bà Bùi Thanh Vân, Thư ký tòa soạn Báo VnExpress, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Sáng kiến Khoa học năm 2024 cho biết, qua các mùa giải, Ban Tổ chức đã nhận thấy sự đam mê nghiên cứu KHCN ứng dụng không giới hạn của các nhà khoa học không chuyên. Những thành tựu nghiên cứu và ứng dụng khoa học của các bạn học sinh, sinh viên và các nhà khoa học không chuyên là minh chứng cho khả năng và tiềm năng của các nhà khoa học trẻ Việt Nam.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024 đã trao 7 giải thưởng bao gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 3 giải Khuyến khích và 1 giải Sáng kiến.
Trong đó, công trình "Công nghệ chuyển hóa bùn giấy thành cellulose vi khuẩn" của PGS.TS Nguyễn Đình Quân cùng cộng sự (nhóm Biomass Lab) tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM được vinh danh giải Nhất, trị giá 70 triệu đồng.
Nhóm nghiên cứu Biomass Lab đã chuyển hóa bùn giấy thành cellulose vi khuẩn (một dạng cellulose có hình thái nano cấu trúc 3D) bằng phương pháp hóa sinh kết hợp. Sản phẩm cellulose vi khuẩn là một nguyên liệu sinh học giá trị, tiềm năng có thể được tạo ra với số lượng lớn từ nguồn phế thải khổng lồ của ngành công nghiệp giấy, được ứng dụng đa dạng trong lĩnh vực nhựa sinh học, dệt may, màng lọc nano, da/gỗ nhân tạo, áo giáp chống đạn và sản xuất giấy.
Giải pháp này hữu ích với doanh nghiệp sản xuất giấy, giúp nhà máy giải quyết một phần gánh nặng xử lý chất thải, góp phần vào nền kinh tế tuần hoàn. Hiện công nghệ được ứng dụng quy mô thử nghiệm pilot tại nhà máy giấy Thuận An (Bình Dương) và nhà máy giấy Khôi Nguyên (Bình Phước). Dự án được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký độc quyền sáng chế tháng 10/2023.
Ngoài ra, năm nay có thêm giải Sáng kiến, trị giá 30 triệu đồng. Đây là hạng mục giải thưởng mới dành cho các công trình nghiên cứu đặc biệt phục vụ đời sống vùng sâu, vùng xa.
Giải Sáng kiến được trao cho nhóm tác giả Thủy Sơn Năng (Quảng Nam), với giải pháp "Bếp nước ấm vùng cao". Bếp nước nóng đã tận dụng triệt để lượng nhiệt thừa của bếp củi để tạo nước nóng lưu trữ và sử dụng. Hệ thống dựa trên cơ chế đối lưu nhiệt, kết hợp nhiều chức năng để tạo thành một hệ thống nước nóng hoàn chỉnh, không phát sinh chi phí lắp đặt và bảo trì...
Theo Ban Tổ chức, toàn bộ tiền thưởng do Quỹ Hy vọng (Hope Foundation) tài trợ. Đây là quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không lợi nhuận, được vận hành bởi Báo VnExpress và Công ty cổ phần FPT.
Hoàng Giang
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/cuoc-thi-sang-kien-khoa-hoc-2024-vinh-danh-7-giai-phap-xuat-sac-a55285.html