Những tâm huyết để thực hiện mục tiêu lớn đầy nhân văn

Người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định tâm huyết thực hiện mục tiêu đầy nhân văn và trách nhiệm là, từ nay đến năm 2030, trên cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân KCN.

Thông báo của Văn phòng Chính phủ số 242/TB-VPCP ngày 10/8/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp chỉ rõ: Phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân, nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển nhà ở, trong đó có NƠXH cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, là nghĩa vụ, là đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân. Người đứng đầu các Bộ, ngành và địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, ý kiến của các nhà quản lý, doanh nghiệp, cũng cho thấy, để thực hiện được mục tiêu lớn trong vấn đề phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp, còn cần nhiều chính sách ưu đãi, dần hoàn thiện văn bản pháp lý hướng dẫn, để kích thích, động viên các đối tượng tham gia phát triển lĩnh vực này. 

Chia sẻ của các Bộ, ngành

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển NƠXH, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp theo cơ chế thị trường; đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân KCN về nhà ở, nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và xác định việc phát triển NƠXH, nhất là nhà ở cho công nhân, là một nhiệm vụ chính trị, trong đó cấp ủy, chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển NƠXH, nhất là nhà ở cho công nhân.

Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định tâm huyết thực hiện mục tiêu đầy nhân văn là, từ nay đến năm 2030, trên cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho người thu nhập thấp, công nhân KCN. 

Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, các nhà đầu tư cũng cần phải có trách nhiệm về nhà ở cho người lao động. Bởi lẽ, khi vào đầu tư, họ đưa một lúc mấy chục nghìn công nhân vào địa phương, tạo áp lực về chỗ ở trên địa bản thì các nhà đầu tư cần phải có trách nhiệm về nhà ở và điều kiện thiết yếu cho người lao động. Ví dụ, Đồng Nai, Bình Dương đang phải gánh trách nhiệm rất lớn về NƠXH. Đâu đó ở các đô thị bộc lộ vấn đề chính quyền địa phương không nắm rõ được bao nhiêu và cũng không đánh giá được nhu cầu thực tế về nhà ở của công nhân. Trên thực tế, hạ tầng và sự gia tăng lực lượng tự do đang vượt rất nhiều lần, từ đó, không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về môi trường và chất lượng cuộc sống.

Chính sách phát triển NƠXH theo quy định phải hướng đến tạo lập nhà ở cho các đối tượng có khả năng tài chính phù hợp. Tuy nhiên, việc dành quỹ đất phát triển nhà ở trong các dự án đô thị, thương mại còn gặp nhiều khó khăn. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, khi xây dựng các danh mục KCN, các địa phương buộc phải bố trí ngay quỹ đất cho NƠXH và các công trình tiện ích cho người lao động. Các dự án hạ tầng KCN phải có quy hoạch xây dựng nhà ở cho người lao động thì mới có cơ sở để giải quyết thủ tục đầu tư, bổ sung một số cơ chế, chính sách để khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thêm, NƠXH chúng ta bố trí theo quy hoạch được duyệt và nên ưu tiên những quỹ đất sạch để làm. Chúng ta phải dành những chỗ tốt nhất, những chỗ nào có đất sạch thì giao cho doanh nghiệp làm. Hiện nay, lĩnh vực này, về ưu đãi, các loại thuế đã được giảm mức tối đa, thuế VAT giảm 5% trong khi hiện hành là 10%; thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong khi hiện hành là 20%, rồi các ngành nghề được xác định là đặc biệt thì đều được hưởng những chính sách ưu đãi.

Nhìn nhận vấn đề nhà ở xã hội ở một giác độ cụ thể, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi đề nghị nên bổ sung giải pháp phát triển NƠXH trước mắt cho công nhân lao động ở hơn 300 KCN, KCX, để bảo đảm nhà ở cho 3 triệu lao động khu vực này theo cơ chế cho thuê, cho mua.

Địa phương bố trí đất đai; các nhà máy, KCN, KCX có trách nhiệm đầu tư để giải quyết vấn đề và cần thiết Nhà nước hỗ trợ vốn, tăng cường cho vay vốn xây dựng, phát triển NƠXH thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Kiến nghị với Chính phủ, trên bình diện rộng tiếp tục có các chính sách phù hợp về thuế, đất đai, tín dụng nhằm tăng đầu tư phát triển NƠXH; tăng thu nhập; tiếp tục cải cách hành chính; giảm chi phí sản xuất nhà ở, làm "mềm" giá NƠXH trong các thành phố, đô thị và giá nhà nói chung cho người lao động dễ tiếp cận NƠXH hơn. 
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi để mua nhà.  

Thực tế địa phương và kiến nghị của doanh nghiệp

Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao so với cả nước, quy hoạch được Thủ tướng chấp thuận tổng cộng 34 KCN. Đến nay, đã thành lập 29 KCN, trong đó đã có 27 KCN đi vào hoạt động. Tổng số lao động tại các KCN này là 480 nghìn người trên tổng số lao động toàn tỉnh là 1,7 triệu người.

Sự phát triển của các KCN, cụm công nghiệp kéo theo sự tập trung cư dân từ khắp mọi miền đất nước chuyển về sinh sống và làm việc tại Bình Dương ngày càng tăng (tính đến thời điểm này khoảng 53%). Chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở tại Bình Dương rất lớn. Tuy nhiên, thực tế khả năng mua được căn nhà đối với nhiều người lao động còn khó khăn do nguồn thu nhập còn hạn chế.

Cuộc sống ổn định của NLĐ tại Khu NƠXH Định Hòa, Thủ Dầu Một.

Dân số toàn tỉnh Bình Dương tính đến năm 2021 ước tính khoảng 2,7 triệu người, trong đó tổng số người đang trong độ tuổi lao động khoảng 1,7 triệu với khoảng 1,5 triệu người đang ở thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng.

Qua thời gian sinh sống, lao động tại Bình Dương, một bộ phận người lao động có nhu cầu về NƠXH để mua, thuê, thuê mua nhằm an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Ước tính khoảng 490 nghìn người, quỹ đất cần đáp ứng khoảng 1.700 ha, trong đó, quỹ đất để phát triển nhà ở do hộ gia đình, cá nhân dự kiến chiếm khoảng 70% (1.200 ha), quỹ đất ở tại các dự án nhà ở thương mại theo định hướng giá thấp khoảng 5% (75 ha) và quỹ đất NƠXH (nhà công nhân, nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị…) khoảng 25% (425 ha).

Việc bố trí được quỹ đất NƠXH là một trong chiến lược phát triển NƠXH, nhằm đáp ứng mục tiêu theo hướng công nghiệp - dịch vụ đô thị từ khi tái lập tỉnh đến nay. Đây là một trong những nội dung mà tỉnh quan tâm. Điển hình như Becamex, đã xây dựng 64 nghìn căn NƠXH hoàn thiện với mỗi căn hộ tối thiểu khoảng 30 m2; tiến tới Becamex có thể xây dựng 120 nghìn căn hộ. Theo đề án NƠXH, nhà ở công nhân đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, Becamex sẽ dành 105 ha để tiếp tục xây dựng NƠXH, nhà ở công nhân.

Tuy nhiên, việc xây dựng NƠXH cho người thu nhập thấp, cho công nhân chưa đáp ứng được. Đây là áp lực rất lớn trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Ngay với Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố đã hoàn thành 25 dự án với khoảng 1,25 triệu m2 sàn; và 52 dự án đang triển khai với khoảng 4,14 triệu m2 sàn. Ngoài ra, Hà Nội đang triển khai 5 khu NƠXH độc lập (tập trung) hiện đại với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ. Giai đoạn 2021 - 2030, theo quy định của Luật Nhà ở, TP Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm 2021 - 2025 đã được được HĐND Thành phố thông qua.

Trên cơ sở đó xác định nhu cầu và tổng nhu cầu sàn NƠXH đến 2030 trên địa bàn toàn thành phố khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 113 nghìn căn hộ và vốn xây dựng nhà ở xã hội khoảng 12.500 tỷ đồng.

Để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, UBND TP Hà Nội tập trung chỉ đạo hoàn thành 19 dự án với khoảng 1,2 triệu m2 sàn giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục triển khai 38 dự án còn lại dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025. Tổng thể, thành phố đã triển khai 57 dự án trên toàn địa bàn, trong đó 52 dự án và 5 khu NƠXH tập trung.

Khu nhà ở an sinh Becamex Hòa Lợi.

Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) khẳng định: “Doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng đăng ký tham gia 75 nghìn căn hộ từ nay đến 2030. Đây là quỹ đất mà doanh nghiệp của chúng tôi đã có, nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục”. 

Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội lại đề xuất cần mở rộng đối tượng thu hưởng. Theo ông Hội, suốt 25 năm phát triển đất nước, ở thời điểm này là nền kinh tế tri thức gắn với các khu công nghệ cao rất nhiều. Chính vì vậy đối tượng cần mở ra là trí thức, kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia cao cấp… Chúng ta mở rộng đối tượng để xây các khu nhà cao cấp hơn, để các chuyên gia có thể thuê dài hạn hoặc thuê - mua. Có thể chính sách này sẽ thu hút các doanh nghiệp lớn vào cuộc và cùng với chính quyền để thực hiện. Nhưng quan trọng nhất là giờ Chính phủ phải có một nhóm xuống làm việc cùng với các doanh nghiệp để nghiên cứu những gì còn đang vướng, đang khó để tháo gỡ. Chúng ta khuyến khích nhưng cũng phải để doanh nghiệp thực thi một cách dễ dàng, không để doanh nghiệp phải có quá nhiều đầu mối, đi gặp quá nhiều các cơ quan… “Chính phủ nên nghiên cứu để đưa vào một đầu mối, chỉ một cơ quan đưa ra quyết định. Đã nằm ở trong khuôn đó rồi thì bất kỳ ai tham gia thực hiện cũng đều được hưởng chính sách đó”, ông Hội kiến nghị.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cũng kiến nghị mở rộng đối tượng được mua NƠXH. Thực tiễn, trong thời gian qua, Tập đoàn Sun Group đã triển khai xây dựng các khu NƠXH Sunhome cho cán bộ, nhân viên tập đoàn thuê hoặc thuê dài hạn, nhằm ổn định đời sống và yên tâm làm việc của người lao động. Ông Trường kiến nghị thêm, trường hợp địa phương đã bố trí quỹ đất dành cho NƠXH đảm bảo nhu cầu của địa phương, thì cũng mong các Bộ, ngành xem xét không cần bố trí thêm quỹ đất NƠXH đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Đối với trường hợp này, doanh nghiệp được phép đóng tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% NƠXH, đồng thời, phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

“Phấn đấu 5 năm tới, chúng tôi sẽ đầu tư 500 nghìn căn NƠXH” - đây là chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa. Tuy nhiên, theo ông Hoa, để đầu tư xây dựng dự án NƠXH, nhà cho người thu nhập thấp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vấn đề về quy hoạch, thủ tục phê duyệt dự án NƠXH; với tinh thần rút ngắn thủ tục hành chính, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư làm NƠXH bình đẳng, trung thực với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/nhung-tam-huyet-de-thuc-hien-muc-tieu-lon-day-nhan-van-a5674.html