1. Chọn màu chủ đạo
Mỗi không gian kiến trúc nên có màu chủ đạo, lựa chọn dựa vào phong cách kiến trúc, nội thất; tính chất và chức năng của không gian, cũng có thể là màu liên quan đến phong thủy mà gia chủ quan tâm. Màu chủ đạo sẽ là cơ sở để lựa chọn các màu khác, sử dụng trong các phòng.
Tùy vào mục tiêu sử dụng của từng căn phòng mà lựa chọn màu sắc phù hợp. Mỗi màu sắc đều có một tác dụng tâm lý riêng.
Thư giãn: hãy chọn màu xanh lá, xanh dương. Những màu này phù hợp với các không gian phòng ngủ và phòng tắm.
Yên bình: Màu be, màu trắng ngà, màu kem, những màu trung tính này đem lại cảm giác yên tĩnh và thanh bình, phù hợp với nơi tiếp khách, nơi ngủ.
Năng lượng: Màu nóng như cam, vàng, đỏ sẽ giúp bạn phấn chấn tinh thần. Bạn có thể dùng những màu này ở phòng sinh hoạt chung, hay phòng ăn, phòng giải trí.
Sáng tạo: Những màu gần với thiên nhiên, như màu xanh lá tươi, màu cam, xanh dương đậm sẽ tạo ra những thay đổi tích cực cho tâm trạng của bạn, thích hợp với phòng sinh hoạt chung, hay phòng học, phòng làm việc.
2. Nguyên tắc phối màu
Quy tắc đơn sắc Monochrome
Monochrome là cách phối màu đơn giản nhất nhưng lại tạo ra được hiệu ứng cao. Quy tắc của nó là lựa chọn một màu sắc duy nhất và sử dụng nó với nhiều sắc độ khác nhau: Màu chủ đạo kết hợp với màu đen để đậm hơn, kết hợp với màu trắng để sáng hơn.
Cụ thể, đó là việc bạn chọn ra màu sơn ưa thích để làm màu chủ đạo, sau đó dùng các cấp độ đậm nhạt của gam màu đó cho phần không gian còn lại.
Quy tắc liền kề
Tất cả các màu sắc (trừ màu đen và trắng) được kết hợp trong một bảng màu hình tròn, gọi là bánh xe màu sắc, với 3 màu gốc là đỏ, xanh lam, vàng. Các màu cứ kết hợp đôi một thành màu trung gian ở giữa.
Ví dụ đỏ kết hợp với vàng thành cam, vàng kết hợp với xanh lam thành xanh lục... Cứ như thế các màu kết hợp với nhau không giới hạn thành một dải chuyển màu.
Ở mỗi màu lại có sự chuyển đổi từ đậm sang nhạt theo nguyên tắc monochrome (từ ngoài vào trong tâm hình tròn, hay từ trong ra ngoài). Quy tắc liền kề được hiểu là những màu sắc đứng cạnh nhau trên vòng tròn bánh xe thì được gọi là liền kề.
Sau khi kết hợp màu sơn theo cách này sẽ tạo ra một hiệu ứng chuyển màu, tạo nên tông màu. Ví dụ tông màu sử dụng màu xanh lục, vàng và màu trung gian giữa xanh lục và vàng là màu xanh nõn chuối. Dải màu phía đỏ là màu nóng, dải màu phía xanh là màu lạnh. Các màu liền kề kết hợp tạo nên sự hài hòa về mặt thị giác.
Quy tắc đối cực (tương phản)
Trong quy tắc phối màu sơn, quy tắc màu đối cực (tương phản) được xác định bằng cách lấy vị trí của những màu đối diện nhau trong vòng tròn màu sắc. Ví dụ màu đỏ và xanh lục, xanh lam và da cam... Chúng đối chọi nhưng lại bổ trợ cho nhau tạo cảm giác nổi bật, ấn tượng.
Đây là cách phối màu khó nhất trong hai cách trên. Tuy nhiên, nếu nắm bắt và kết hợp được thì đây lại là cách phối màu độc đáo, thu hút thị giác nhất. Cách phối màu này còn có thể sử dụng với các màu đối cực nhưng không phải màu gốc (tức là có độ đậm nhạt trong sắc độ); ví dụ như màu vàng nhạt đi cùng màu tím nhạt. Về lý thuyết, sự kết hợp các màu từ 3 màu gốc và các sắc độ của từng màu là vô hạn nên cách phối màu này vô cùng phong phú.
3. Tỷ lệ phối màu
Khi sơn nhà, bạn cần thiết phải biết cách phối màu cơ bản với tỉ lệ chung được định ra tuân theo nguyên tắc 60-30-10 trong đó:
Màu chủ đạo chiếm 60%: Màu chủ đạo là màu chính bạn muốn sơn cho ngôi nhà của mình, hay trong từng không gian. Khi thi công trong một bố cục không gian nội thất phải có khoảng 60% là màu sắc chủ đạo. Thực tế cho thấy ở những thiết kế thường thấy như phòng khách, phòng ngủ thì màu chủ đạo thường chếm các mảng lớn ở vách tường, trần nhà, vách...
30% là màu phụ họa: Tính cả nội thất thì trong không gian nên có khoảng 30% màu sắc phụ họa, đây là những màu có thể phối hợp dễ dàng với màu chủ đạo, thường có tông giống với màu chủ đạo.
Điểm xuyết thêm 10% màu sắc khác: Để không gian thêm sống động, có thể tạo điểm nhấn bằng những màu sắc đối lập, tương phản so với màu chủ đạo, hoặc làm nổi bật bằng những gam màu nóng mạnh.
Quy luật phối màu 60-30-10 là một quy luật phù hợp với mọi công trình, trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, thực tế, cũng cần có sự linh hoạt khi sử dụng. Nên đảm bảo không có quá 3 màu trong cùng một không gian, nhất là những không gian hẹp. Nếu muốn thêm màu sắc khác thì vẫn phải đảm bảo màu chủ đạo chiếm hơn 60% không gian.
4. Một số lưu ý khác
Với những không gian nhỏ, không nên chọn màu chủ đạo tối. Nên sử dụng màu sáng như màu trắng, vàng kem để khuyếch tán ánh sáng.
Cần lưu ý vấn đề chiếu sáng (cả chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo) để chọn màu cho phù hợp.
Màu sắc của sơn (tường, trần nội thất) cần kết hợp với các yếu tố khác như sàn, rèm, đồ đạc...
Màu sắc nhìn trên bảng màu luôn đậm hơn màu thực tế khi thi công. Vì vậy nếu chọn được màu trên bảng sơn thì hãy sử dụng màu liền kề về phía tối cho thực tế.
Có một số màu đặc biệt phải sử dụng sơn lót chuyên biệt của hãng mới lên được màu đúng như bảng màu của nhà sản xuất.
5. Những nguyên tắc kỹ thuật
Khi thi công phần sơn, cũng có những nguyên tắc kỹ thuật; mà nếu thực hiện đúng sẽ làm cho chất lượng tốt hơn và mang lại hiệu quả thẩm mỹ như mong muốn, cũng như chất lượng sơn được bền lâu.
1. Tuân thủ đúng quy cách, trình tự của nhà sản xuất
Cần thực hiện đúng quy cách, trình tự của nhà sản xuất khi thi công. Ví dụ như sơn lót trước khi sơn lớp màu. Lớp lót có tác dụng lên chuẩn màu và còn giữ cho mảng sơn được bền lâu. Bên cạnh đó còn có tỷ lệ pha nước, khoảng cách thời gian giữa các lần sơn...
2. Sơn từ ngoài vào trong
Sơn ngoại thất trước, sơn nội thất sau. Điều này sẽ giúp nhà bạn hạn chế sự xâm thực của nước mưa trong quá trình thi công; bởi thi công sơn diễn ra trong một thời gian dài.
3. Sơn từ trên xuống dưới
Sơn trần trước, sơn tường sau. Sơn từ đỉnh tường xuống chân tường. Điều này giúp tránh vấn đề các màu sơn ở các khu vực trên cao văng vào các bức tường bên dưới làm bạn phải tốn thêm sơn và nhân công để xử lý.
4. Quét cọ trước, lăn rulo sau
Ưu điểm của cọ là giúp bạn xử lý các ngóc ngách, góc tường (điều mà rulo không làm được). Tuy nhiên, cọ lại có nhược điểm là để lại vết xước trên tường làm mất thẩm mỹ công trình. Việc quét cọ trước ở các góc tường rồi mới thi công bằng rulo sẽ giúp thu hẹp vết xước cọ đến mức thấp nhất
5. Thi công liên tục trên cùng một mảng tường
Việc thi công gián đoạn trên cùng một mảng tường sẽ dẫn đến tình trạng màu sơn trên tường không đồng nhất. Vì vậy, với một mảng tường cần thi công liên tục và không thay đổi (pha thêm, đổ thêm) thùng vật liệu.
6. Hạn chế dặm vá
Trong quá trình thi công, các hạng mục khác trong công trình như điện, gỗ, sàn... thường sẽ va chạm làm tường nhà bạn bị trầy xước. Các vết dặm vá những vị trí này thường không đồng nhất với mảng tường đã thi công trước đó. Chính vì vậy, sau khi sơn lớp sơn phủ thứ nhất nên đợi các hạng mục khác hoàn thiện xong rồi mới dặm vá, thi công công trình bằng lớp sơn phủ thứ hai để đảm bảo độ đồng nhất màu sơn trên tường.
Kiến trúc sư Nguyễn Trần Đức Anh
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/bi-quyet-son-tuong-dep-va-ben-a5745.html