"Ai cũng có thể làm môi giới bất động sản"
Tại tọa đàm "Vai trò môi giới bất động sản trong xu thế mới" do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức, các chuyên gia tham dự đều nhận định vai trò không thể thiếu của lực lượng môi giới bất động sản. Tuy nhiên, lực lượng này tăng nhanh. chất lượng chưa đảm bảo, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chưa am hiểu về pháp luật dẫn đến những hệ lụy không tốt cho thị trường bất động sản.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA cho biết, hiện có khoảng 300.000 người tham gia vào môi giới bất động sản Việt Nam. Thế nhưng, con số lượng thực tế có thể nhiều hơn vì “ai cũng có thể làm môi giới bất động sản”.
Thống kê cho thấy, hàng năm trung bình cả thị trường sơ cấp và thứ cấp có trên 100.000 giao dịch. Một số địa phương, một tháng có tới vài ngàn giao dịch và lực lượng môi giới đóng vai trò quan trọng giúp các giao dịch bất động sản diễn ra.
"Trong nhiều năm qua, bước tiến lực lượng môi giới là rất lớn, xây dựng chuyên môn, năng lực tốt, kỹ năng tốt, đạo đức hành nghề tốt, có thể thấy các dự án sơ cấp, cao cấp, ở các TP lớn được đưa ra giới thiệu bởi các công ty môi giới chuyên nghiệp", ông Lâm đánh giá.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có nhiều tổ chức quy mô nhỏ, trung bình, vài trăm người cũng có chưa đảm bảo chuyên môn, năng lực môi giới. Đáng tiếc các công ty này chỉ có chiến lược ngắn hạn, nhìn cái lợi trước mặt.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, thời gian vừa qua, thị trường bất động sản nóng, đặc biệt là giá cả liên tục thay đổi, đảo chiều, tạo ra áp lực rất lớn cho thị trường, giá đất đai một số nơi nhảy múa, tăng vọt.
Chủ tịch Hội cho hay, xảy ra thực trạng như vậy có sự góp sức của giới đầu cơ, môi giới không chuyên nghiệp. Thậm chí, ngay cả nhà môi giới tại các công ty chuyên nghiệp vẫn cố tình "tiếp tay" đẩy giá thổi giá, tạo ra lợi ích không phục vụ cho phát triển kinh tế của các địa phương. Có thể nói, thị trường bất động giai đoạn vừa qua bị nhiều nhà đầu cơ, môi giới thao túng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam phát biểu tại buổi toạ đàm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc khối Kinh doanh - Tiếp thị của Công ty CP đầu tư Nam Long cho hay: “Những đơn vị, tổ chức môi giới bất động sản quy mô nhỏ không quan tâm bảo vệ thương hiệu chủ đầu tư, cũng không quan tâm trong tương lai phải chăm sóc khách hàng thế nào, chỉ chăm chăm làm xong giao dịch, thu tiền, bỏ qua trách nhiệm với chủ đầu tư và khách hàng".
Ông Quang cho rằng, cần thiết mau chóng xây dựng hành lang pháp lý, giám sát và quyết liệt trong chế tài, hướng đến thị trường minh bạch và sự chuyên nghiệp của các nhà môi giới, dù là cá nhân hay tổ chức.
Cần có chế tài cho môi giới bất động sản
Bà Nguyễn Hương, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, để xảy ra những câu chuyện "cò" đất bất lương, nhiễu loạn thị trường, một phần nguyên nhân do chưa có sự đánh giá, xây dựng tiêu chí để xác định điều kiện hành nghề môi giới. Khung pháp lý đã có nhưng luật pháp thả nổi trong thời gian khá dài, trong khi số lượng môi giới ngày càng tăng nhanh dẫn đến nhiều hệ lụy
"Đã đến lúc cần quy chuẩn cho nghề môi giới. Cần quy định rõ điều kiện cần và đủ cho cá nhân và tổ chức tham gia hành nghề. Qua đó có giám sát, chế tài mạnh tay với những hành vi làm trái quy định, trái quy chuẩn nghề nghiệp", vị này đề xuất.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, cần một cuộc tổng rà soát để tìm ra nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực trong thời gian qua, nhận diện vấn đề mới có thể tìm ra giải pháp.
"Hiện có phải nhà môi giới nào cũng hiểu kiến thức pháp luật không? Trong 300.000 nhà môi giới hiện nay, có bao nhiêu người đã học và được cấp chứng chỉ môi giới? Bao nhiêu người biết kỹ năng hành nghề là gì? Trách nhiệm của nhà môi giới đối với xã hội ra sao? Ông Khởi cho hay, thế hệ trước, nhà môi giới rất chăm chỉ học, Nhà nước rất quan tâm, có đào tạo, thi cử, rất sôi động. Còn thực tế hiện nay, trong 300.000 nhà môi giới bất động sản, có bao nhiêu người đã học và được cấp chứng chỉ môi giới?
Ngoài ra, theo ông Khởi cần xác định nhà môi giới hiện nay vì sao không cần đi học, hay không sợ pháp luật, không sợ bị lên án, đạo đức hành nghề có cần không và sẽ do ai đưa ra, có đề xuất pháp luật hóa đạo đức hành nghề môi giới chưa.
“Vấn đề phải chăng do quy định pháp luật chưa đủ, chưa đi vào thực tế hay đến từ trách nhiệm, định hướng của những nhà lãnh đạo tổ chức môi giới, cá nhân môi giới?", ông Khởi đặt ra vấn đề.
Ông Khởi cho rằng thời gian tới chúng ta cần bàn các vấn đề liên quan như bán bất động sản qua sàn có nên bắt buộc không hay việc không cho phép nhà môi giới hoạt động độc lập, mà phải vào doanh nghiệp, có nên không? Việc học, cấp chứng chỉ hành nghề, số hóa nghề môi giới, định danh như thế nào?
https://cafef.vn/moi-gioi-tiep-tay-day-gia-dat-thao-tung-thi-truong-bat-dong-san-20220330155929398.chn