Tờ Daily Mail (Anh) ngày 23/3 đưa tin các nhà nghiên cứu tại Đại học Boras (Thụy Điển) đã tìm ra phương pháp sản xuất da nhân tạo từ nấm nuôi bằng bánh mì siêu thị đã hết hạn.
Các nhà nghiên cứu khẳng định da nhân tạo có nguồn gốc từ nấm được sản xuất nhanh hơn những loại khác đang có trên thị trường và đặc biệt là mang đặc điểm 100% nguồn gốc thực vật. Nấm cũng có thể được sử dụng để tạo ra các sản phẩm thay thế giấy và cotton.
Họ sử dụng bào tử nấm có tên Rhizopus delemar vốn thường hiện diện trên thức ăn đang phân hủy. Họ nuôi Rhizopus delemar bằng bánh mì hết hạn tại siêu thị, được phơi phô và nghiền nhỏ rồi trộn với nước trong lò phản ứng quy mô nhỏ. Hai ngày sau khi nấm được “ăn” bánh mì, các nhà khoa học loại bỏ protein, lipid và các sản phẩm phụ trong tế bào nấm.
Nấm Rhizopus delemar tạo ra các sợi tự nhiên có thành phần chitin và chitosan trên thành tế bào. Các tế bào nấm sau đó được cán phẳng và phơi khô để hình thành vật liệu giống với da.
Trước đó, các nhà khoa học Mỹ phát triển một sản phẩm thay thế da thật từ sợi nấm có hình dáng và cho cảm giác không khác gì da thật.
Được tạo bởi công ty vật liệu sinh học MycoWorks ở San Francisco, loại da giả mới được làm từ mycelium, sợi hình ống có trong nấm. Vật liệu mới thân thiện với môi trường hơn và ít gây hại cho động vật hơn da thật.
MycoWorks hợp tác với nhiều thợ thủ công để tạo ra loại da giả giống hệt da thật. Vật liệu sử dụng mycelium cũng có khả năng phân hủy sinh học, góp phần hạn chế những tác động xấu tới môi trường của thời trang giá rẻ, theo tiến sĩ Matt Scullin, giám đốc điều hành MycoWorks.
Mycelium là cấu trúc rễ có thể tái tạo của nấm. Vật liệu thay thế da thật có thể sản xuất từ nấm bằng cách tận dụng phụ phẩm giá rẻ từ nông nghiệp và lâm nghiệp như mùn cưa. Đây là nguồn thức ăn tốt để mycelium phát triển. Những sợi nấm dài này có thể mọc thành lớp và thu hoạch được chỉ trong vòng hai tuần.
Đào Vũ (Tổng hợp từ Môi trường, Báo Tin Tức)
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/da-gia-lam-tu-nam-than-thien-voi-moi-truong-a678.html