Chống nóng cho nhà hướng Tây thế nào?

Tôi chuẩn bị xây nhà, nhưng mặt chính lại hướng Tây nên sợ các phòng om nắng, ngột ngạt. Xin tư vấn của kiến trúc sư?

Độc giả: Thu Hương

Những ngôi nhà xây hướng Tây thường phải chịu cái nóng gay gắt, khắc nghiệt vào mùa hè. Nếu không có biện pháp xử lý tốt thì dù tắt nắng rồi tường nhà vẫn còn tỏa ra nhiệt nóng nực, oi bức.

Theo kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T), để chống nóng cho nhà hướng Tây, việc cần làm đầu tiên là xác định phong cách kiến trúc gia chủ hướng tới.

Với phong cách kiến trúc hiện đại

- Dùng gạch bông gió: Gạch thông gió hay gạch bông gió là những viên gạch hình vuông có hoa văn, họa tiết trang trí dạng rỗng giúp lấy sáng, lấy gió.

Để có thể xử lý được việc ánh nắng chiếu lên tường hoặc cửa kính, bạn có thể sử dụng gạch bông gió để hoàn thiện mặt đứng công trình, sau đó mới đến ban công. Không gian này được gọi là không gian đệm, giúp nắng giảm bức xạ nhiệt trước khi đi vào không gian sinh hoạt chính.

Lúc này, gạch bông gió phía ngoài giống như một hệ thống rèm ngăn cản ánh nắng chiếu trực tiếp vào công trình nhưng vẫn có thể lấy được gió và ánh sáng tự nhiên. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại gạch bông gió mẫu mã đẹp, việc thi công lắp đặt lại khá đơn giản.

Sử dụng gạch bông gió để hoàn thiện mặt đứng công trình, sau đó mới đến ban công. Khoảng đệm ban công sẽ giúp nắng giảm bức xạ nhiệt trước khi đi vào không gian sinh hoạt chính. Ảnh minh họa: divisare.com

Sử dụng gạch bông gió để hoàn thiện mặt đứng công trình, sau đó mới đến ban công. Khoảng đệm ban công sẽ giúp nắng giảm bức xạ nhiệt trước khi đi vào không gian sinh hoạt chính. Ảnh minh họa: divisare.com

- Dùng hệ lam chớp: Lam chắn nắng là hệ sản phẩm ngoại thất có hai bộ phận gồm các thanh lam và khung xương được gắn chắc chắn với nhau. Thanh lam ngoài tác dụng che mưa, che nắng, còn dùng để trang trí và bảo vệ bề mặt công trình.

Bạn có thể lựa chọn lam chớp gỗ, nhôm, lập là sắt, phối kết hợp với tổng thể nhằm tạo ra một mặt đứng kiến trúc vừa chống được nắng mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ. Việc sử dụng hệ thống lam chớp phù hợp cả với những công trình cải tạo cũ.

Lưu ý: Giá thành cao hay thấp tùy thuộc vào vật liệu mà bạn lựa chọn để sự dụng làm hệ thống lam.

Sử dụng hệ lam cho mặt đứng giúp giảm tối đa ánh nắng của buổi chiều nhưng vẫn đảm bảo nhận được luồng gió trong lành cho ngôi nhà. Ảnh minh họa: sbshouse.com

Sử dụng hệ lam cho mặt đứng giúp giảm tối đa ánh nắng của buổi chiều nhưng vẫn đảm bảo nhận được luồng gió trong lành cho ngôi nhà. Ảnh minh họa: sbshouse.com

Với phong cách tân cổ

Với phong cách tân cổ thì việc kết hợp các vật liệu như gạch bông gió hay lam chớp là điều không thể vì hai phong cách thiết kế hoàn toàn khác nhau.

Đối với trường hợp này, bạn có thể dùng các biện pháp thi công sau:

- Thay vì xây tường đặc, nên sử dụng tường xây hai lớp. Cấu tạo của tường hai lớp gồm một lớp trong và một lớp ngoài được ngăn giữa bằng một khoảng trống 100 mm. Khoảng trống này giúp luồng khí được lưu thông và làm chậm quá trình tăng nhiệt độ cho lớp tường trong. Với vách ngăn cách nhiệt này, gia chủ sẽ cảm nhận được không khí mát mẻ khi ở trong nhà.

- Cửa sổ kính dùng hệ cửa kính hộp, được cấu tạo bởi hai lớp kính và rỗng ở giữa. Khoảng rỗng giữa hai lớp kính được bơm 95% – 97% khí Argon (khí trơ) nhằm cách nhiệt, cách âm. Giữa các lớp kính được ngăn cách bởi nan nhôm bên trong có chứa hạt hút ẩm. Tuy nhiên, loại kính này có giá thành khá cao.

Ngoài ra, nhà hướng Tây thường bị nắng chiếu trực tiếp sẽ làm giảm đáng kể tuổi thọ các vật liệu hoàn thiện bên ngoài như keo xi măng, gờ phào. Do đó, khi thi công xây dựng cần tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật. Ví dụ nên đóng đinh bê tông tạo chân trước đắp phào chỉ mặt tiền, không gắn phào trực tiếp lên sàn nhà để đảm bảo độ linh hoạt trong quá trình giãn nở sàn theo thời tiết.

Một giải pháp chống nắng hiệu quả khác là trồng cây che nắng hướng Tây. Nếu quỹ đất hạn chế, có thể trồng các loại cây leo trước nhà như hoa giấy, sử quân tử, cúc tần Ấn Độ... Nếu nhà có diện tích đất rộng, nên thiết kế nhiều cây xanh, đặc biệt là cây tán lá rộng, lớp lá dày.

Trang Vy

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/chong-nong-cho-nha-huong-tay-the-nao-a7013.html