Fed hạ lãi suất, chứng khoán trong nước vẫn thận trọng

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất lần đầu tiên sau hơn 4 năm, quyết định cắt giảm 0,5%. Chứng khoán trong nước khá thận trọng trong giờ mở cửa, trong bối cảnh thị trường vừa qua đã tăng liên tiếp 3 phiên. Cả bên mua, bán đều giữ trạng thái thăm dò, bảo vệ thành quả.

Ngày 18/9 (giờ địa phương, tức rạng sáng 19/9 giờ Việt Nam), Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5%. Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2020.

Việc Fed hạ lãi suất được kỳ vọng hỗ trợ cho chu kỳ tăng của thị trường chứng khoán thế giới trong dài hạn; đồng thời tác động tích cực tới chứng khoán trong nước. Sau động thái của Fed, chứng khoán Mỹ đêm qua nhận được phản ứng tích cực ban đầu từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, chốt phiên 18/9, thị trường giảm điểm. Dow Jones giảm 103,08 điểm, tương đương giảm 0,25%, còn 41.503,1 điểm. S&P 500 giảm 0,29%, còn 5.618,26 điểm. Nasdaq giảm 0,31%, còn 17.573,3 điểm.

Chứng khoán trong nước mở cửa áp sát mốc 1.270 điểm, sau đó VN-Index thu hẹp đà tăng. Phản ứng thị trường khá thận trọng, thanh khoản không đột biến. Tới 10h30, mới có hơn 3.800 tỷ khớp lệnh trên HoSE, thấp hơn phiên trước. Nhà đầu tư có phần thận trọng, dù thị trường ghi nhận nhiều tin tức hỗ trợ trong nước, quốc tế.

Hôm qua, Thông tư 68 mới ban hành của Bộ Tài chính đã gỡ nút thắt cho chứng khoán Việt Nam trong tiến trình nâng hạng. Theo đó, từ ngày 2/11 tới, nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức được đặt lệnh mà không cần đủ 100% tiền. Nhóm chứng khoán tiếp tục có diễn biến tích cực hơn thị trường chung.

Ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) - cho biết, 24 năm qua, Fed đã 28 lần hạ lãi suất , trong các giai đoạn 2001-2002, 2007-2008 và 2019-2020, với mục tiêu khác nhau. Hai giai đoạn trước gắn với khủng hoảng (bong bóng dot-com và bất động sản nợ dưới chuẩn). Giai đoạn sau gắn với suy thoái kinh tế và COVID-19.

Fed hạ lãi suất, chứng khoán trong nước vẫn thận trọng- Ảnh 1.

Phản ứng của chứng khoán Mỹ, và Việt Nam khi Fed hạ lãi suất.

Chứng khoán Mỹ phản ứng khác nhau với các lần hạ lãi suất, trong điều kiện có và không có suy thoái kinh tế. Chỉ số S&P 500 giảm trung bình 10% trong 12 tháng khi kinh tế xảy ra suy thoái, và ngược lại tăng trung bình 15% nếu điều kiện này không xảy ra.

Với thị trường Việt Nam, ông Long thống kê, năm 2019, VN-Index tăng tốt trong giai đoạn từ 6-12 tháng sau khi Fed hạ lãi suất. Tuy nhiên, trong bối cảnh đi kèm khủng hoảng như năm 2001, 2007, dù Fed hạ lãi suất, thị trường vẫn điều chỉnh.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán cần tiếp tục theo dõi. Về mặt vĩ mô, theo ông Long, hạ lãi suất sẽ giúp giảm chi phí chung cho Chính phủ các nước, doanh nghiệp và nền kinh tế, từ đó kích thích đầu tư, chi tiêu, thương mại. Ngân hàng trung ương lớn như Fed hạ lãi suất cũng khiến ngân hàng trung ương các quốc gia khác có thêm không gian chính sách để kích thích kinh tế.

Nhóm phân tích của Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS Research) cũng cho rằng, việc Fed hạ lãi suất sẽ tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Vừa qua, NHNN định hướng điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, bao gồm giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp ổn định và tăng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngày 16/9, NHNN đã thực hiện giảm lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) lần thứ 2 về 4%. Việc giảm lãi suất OMO cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng của NHNN, qua đó thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới.

Về tăng trưởng tín dụng, NHNN đang thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy. Tính đến ngày 7/9, dư nợ tín dụng đã tăng 7,15% so với đầu năm.

Fed hạ lãi suất, chứng khoán trong nước vẫn thận trọng- Ảnh 2.

Năm 2020, khi Fed giảm mạnh lãi suất do đại dịch COVID-19, VN-Index sau 1 năm mới lấy lại được đà tăng.

Với thị trường chứng khoán, lãi suất USD hạ giúp thu hút vốn đầu tư quốc tế vào các thị trường các nước đang phát triển, vốn có mức chênh lệch đáng kể của lãi suất đồng nội tệ đối với lãi suất USD. Điều này trái ngược với thực tế thời gian qua, khi lãi suất USD neo cao, dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển từ các thị trường mới nổi/cận biên trở về Mỹ.

Hai tuần vừa qua, khối ngoại đã mua ròng tại một số thị trường trong ASEAN như Indonesia, Malaysia… Tại Việt Nam, đà bán ròng của khối ngoại đã giảm mạnh trong 2,5 tháng vừa qua, xuất hiện trở lại các phiên mua ròng. Ba phiên đầu tuần (16-18/9), khối ngoại đã mua ròng gần 1.000 tỷ đồng.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/fed-ha-lai-suat-chung-khoan-trong-nuoc-van-than-trong-a72073.html