Kỳ vọng thu 300 triệu USD nhờ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh

Việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho sầu riêng Việt Nam sẽ là cơ hội để ngành hàng nâng cao giá trị, tránh được nhiều rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi.

Sáng 19/9, Hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc đã được tổ chức nhằm nỗ lực thực hiện cam kết thiết lập các cơ chế thông tin nhanh chóng, giúp truyền tải các quy định và yêu cầu từ thị trường quốc tế đến địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và bà con nông dân.

Sự kiện diễn ra sau một tháng kể từ khi Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc.

Việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho sầu riêng Việt Nam, thông qua việc ký nghị định thư cho phân khúc sầu riêng đông lạnh được nhập khẩu vào quốc gia này. Đây là cơ hội để ngành hàng nâng cao giá trị, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi.

Kỳ vọng thu 300 triệu USD nhờ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh- Ảnh 1.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT).

Phát biểu tại sự kiện, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Hiện nay, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh là hướng đi của nông sản tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp, người dân và các địa phương trong việc triển khai tổ chức sản xuất cũng như xuất khẩu".

Năm 2023, Trung Quốc đã chi khoảng 6,7 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng tươi từ các nước và 1 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Thái Lan và Malaysia. Với Nghị định thư vừa ký kết, năng lực hiện tại và nhu cầu của thị trường Trung Quốc, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành được đăng ký doanh nghiệp có thể sớm xuất khẩu.

"Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn trên thế giới. Việc mở cửa thị trường này nhằm tận dụng được lợi thế của thị trường Việt Nam tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ngành sầu riêng cấp đông Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, cần nhận diện đầy đủ để đối phó, đặc biệt là vấn đề về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…", ông Đạt nhấn mạnh.

Kỳ vọng thu 300 triệu USD nhờ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh- Ảnh 2.

Việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho sầu riêng Việt Nam sẽ là cơ hội để ngành hàng nâng cao giá trị, tránh được nhiều rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi.

Thông tin thêm về nhiệt độ và thời gian bảo quản thích hợp sầu riêng đông lạnh, ông Nguyễn Quang Hiếu - Cục phó Cục Bảo vệ Thực vật chia sẻ: Trong bản dự thảo đầu tiên, Trung Quốc yêu cầu bảo quản lạnh trong 8 giờ đồng hồ. Tham khảo quy định của Thái Lan, Malaysia, Việt Nam đưa ra phương án bảo quản lạnh -18 độ trong 1 giờ.

Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ lạnh sâu, nhanh. Công nghệ này hiện đại, giữ được sầu riêng tươi ngon lâu.

Sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác.

Đề ra giải pháp giúp ngành sầu riêng phát triển bền vững

Ngành hàng sầu riêng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Một trong các thách thức mà nông dân, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt là Trung Quốc đang thử nghiệm 2.700ha sầu riêng tại phía nam đảo Hải Nam. Tiếp đến, việc một số doanh nghiệp Việt Nam chưa có ý thức tuân thủ Nghị định thư đã ký giữa hai nước, khiến nhiều vi phạm kỹ thuật xảy ra.

"Nếu không chấn chỉnh, không nâng cao nhận thức về tuân thủ quy định, thì Trung Quốc sẽ có biện pháp xử lý. Đây là điều rất không đáng có, chỉ vì vài doanh nghiệp vi phạm mà cả ngành hàng bị ảnh hưởng", ông Hiếu nói.

Một trong những điều khác biệt của sầu riêng đông lạnh, đó là việc mặt hàng này được coi như thực phẩm. Do đó, nó sẽ phải tuân thủ Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc. Các đơn vị muốn xuất khẩu phải đăng ký và được phía Trung Quốc chấp thuận. 

Nhãn mác phải ghi bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung, bắt buộc phải có dòng chữ "This product is being exported to the People's Republic of China". Cục Bảo vệ Thực vật lưu ý các đơn vị ghi nguyên văn dòng này, không dịch sang tiếng Việt hoặc tiếng Trung.

Kỳ vọng thu 300 triệu USD nhờ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh- Ảnh 3.

Toàn cảnh sự kiện.

Trước bối cảnh trên, ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, đề nghị Cục Bảo vệ Thực vật sẽ có buổi tập huấn cho địa phương trong thời gian sớm nhất để địa phương có thể phổ biến các quy định cho các đơn vị có nhu cầu xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc trên địa bàn tỉnh.

Theo chia sẻ của Sở NN&PTNT Gia Lai, tỉnh có diện tích sầu riêng khoảng 5.800ha, diện tích tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 2.500ha. Tỉnh hiện có 54 mã số vùng trồng, 6 cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu.

Ngành nông nghiệp Gia Lai định hướng tiếp tục phát triển ổn định cây sầu riêng, tối đa khoảng 6.000ha, không ham phát triển nóng. Thay vào đó, Gia Lai tập trung vào việc huấn luyện, đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/ky-vong-thu-300-trieu-usd-nho-xuat-khau-sau-rieng-dong-lanh-a76671.html