Sẵn sàng huy động máy bay trực thăng ứng phó với bão số 7

Nhằm ứng phó với bão số 7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tập trung cho an toàn trên biển, đảm bảo an toàn cho các hồ chứa và cẩn trọng nguy cơ sạt trượt ở miền núi.

Chiều 8/11, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp chỉ đạo phòng chống bão số 7 (bão Yinxing) với sự tham gia của các bộ, ban, ngành và lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố ven biển từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận.

Bão số 7 có xu hướng mạnh thêm

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, sáng nay bão số 7 ( bão Yinxing ) đã vào Biển Đông. Vào lúc 14h, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km.

Theo ông Khiêm, sau khi bão số 7 vào Biển Đông đang có xu hướng mạnh thêm so với thời điểm đi qua đảo Lu Dông (Philippines). Trong chiều và đêm nay, bão tiếp tục có khả năng mạnh lên.

Sẵn sàng huy động máy bay trực thăng ứng phó với bão số 7- Ảnh 1.

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, thông tin về cơn bão số 7

Vào lúc 16h ngày 8/11, vị trí tâm bão vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 117,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17. Bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h.

Dự báo, khoảng 13h ngày 9/11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 17 và hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 420km về phía Đông Bắc.

Đến 13h ngày 10/11, bão mạnh cấp 13, giật cấp 16, di chuyển theo Tây Tây Bắc; sau có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Nam khoảng 10km/h, suy yếu dần.

Ông Khiêm nhận định, với tác động của môi trường hiện tại, trong 48 giờ tới bão sẽ mạnh nhất và sau đó giảm dần do gặp những yếu tố không thuận lợi về không khí lạnh, bề mặt, độ ẩm. Bão số 7 sẽ suy yếu khi vào đến vùng biển miền Trung.

Tuyệt đối không chủ quan

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá đây là cơn bão mạnh với dự báo mạnh cấp 15 và giật trên cấp 15. May mắn thời điểm mạnh nhất là khi bão ngoài Biển Đông và sau đó có khả năng suy yếu, khi vào đến gần bờ có thể giảm nhiều cấp. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan.

Sẵn sàng huy động máy bay trực thăng ứng phó với bão số 7- Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Hiện, còn nhiều dự báo khác nhau về đường đi, cường độ của bão số 7, nhưng các dự báo đều nhận định bão sẽ đổ bộ vào miền Trung. Trong khi khu vực này vừa chịu ảnh hưởng của 3 đợt thiên tai, người dân hiện có tâm lý mệt mỏi, sẽ gây khó khăn trong công tác chỉ đạo.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, hiện, các hồ chứa ở miền Trung đã đầy nước, rất nhiều hồ đang xả tràn, nên có nguy cơ cao mất an toàn. Bên cạnh đó, trong 10 ngày vừa qua, khu vực miền núi các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã "ngậm" đủ nước, chỉ cần một tác động nhỏ nữa là dẫn tới nguy cơ sạt trượt ở miền núi.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung đảm bảo an toàn trên biển, thực hiện kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho khu vực nuôi trồng thủy sản.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương thực hiện tốt công điện chỉ đạo ứng phó với bão số 7 của Chính phủ. Trong đó, tập trung chỉ đạo người dân khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 6, không chủ quan trong ứng phó với bão số 7.

“Khoảng ngày 10-11/11, bão số 7 sẽ tác động trực tiếp vào vùng biển của nước ta. Hy vọng đến ngày 13/11, gặp không khí lạnh bão sẽ giảm cấp”, ông Hiệp nói.

Khẩn trương ứng phó với bão

Cập nhật công tác ứng phó với bão lũ hiện tại, Cục Quản Lý Đê Điều và Phòng, Chống thiên tai cho biết, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 11h ngày 8/11, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.704 phương tiện/312.506 người biết diễn biến, hướng đi của bão, trong đó có 87 tàu/582 người hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.

Đại tá Phạm Hải Châu - Phó Cục trưởng Cục cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, Bộ Quốc phòng đã huy động 270.000 cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ,... và cả máy bay trực thăng để ứng phó với cơn bão số 7.

"Dự báo, bão số 7 sẽ suy yếu khi vào gần bờ nhưng chúng ta cần đề phòng khi thời tiết xấu gây mất an toàn trên biển, cùng với đó là đề phòng mưa lớn”, Đại tá Châu nói và đề nghị các địa phương sẵn sàng di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm do mưa bão đến nơi an toàn.

Sẵn sàng huy động máy bay trực thăng ứng phó với bão số 7- Ảnh 3.

Đại tá Phạm Hải Châu lưu ý trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2024, đối với những cơn bão lớn, chúng ta đã làm rất tốt việc kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền trên biển, hầu như là không tai nạn, tàu thuyền trên biển. Hai là do đặc điểm bão số 7 này khi vào gần bờ có thể suy yếu nên người dân có thể có tư tưởng chủ quan. Do đó, Đại tá Phạm Hải Châu đề nghị các địa phương, bộ ngành hết sức lưu ý thường xuyên cập nhật thông tin, tuyệt đối không để người dân chủ quan trong ứng phó với bão số 7.

Bên cạnh đó, cần đề phòng mưa lớn trên đất liền. “Từ đầu tháng 11 đến giờ có 2 đợt mưa lớn ở miền Trung, nếu bão số 7 gây mưa lớn nữa thì hết sức nguy hiểm, do đó, các địa phương cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện di dời người dân tới nơi an toàn", Đại tá Phạm Hải Châu nhấn mạnh.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/san-sang-huy-dong-may-bay-truc-thang-ung-pho-voi-bao-so-7-a81105.html