Tại báo cáo của Công ty Chứng khoán Tiền Phong (TPS) cho thấy, lãi suất huy động đã giảm mạnh từ tháng 10/2023 và đạt mức thấp nhất trong vòng ba năm gần nhất. Tính đến cuối tháng 11, lãi suất huy động dao động trong mức 5,2 - 6%. Song, xu hướng lãi suất thấp khó có khả năng tiếp tục diễn ra trong 2025 do Ngân hàng Nhà nước đã phải giữ nền lãi suất thấp một thời gian dài nhằm kích thích nền kinh tế và đang khiến áp lực tỷ giá quay trở lại sau một vài tháng hạ nhiệt.
Theo đó, TPS nhận định lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng đến cuối năm nay, bước sang 2025 lãi suất huy động sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ và có sự phân hoá giữa các ngân hàng. Nhóm ngân hàng quy mô nhỏ dự kiến sẽ áp dụng mức lãi suất cao hơn để thu hút nguồn vốn từ khách hàng.
Lãi suất huy động tăng dẫn đến nhiều khả năng cao là lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng sẽ tăng nhẹ trong năm 2025.
Theo thống kê mới nhất của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, đến đầu tháng 12/2024, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân tại các ngân hàng thương mại đạt 4,84%/năm, tăng nhẹ so với cuối tháng 10 nhưng vẫn thấp hơn 0,09% so với cuối năm 2023.
Trong khi đó, dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 7-12 đạt 12,5%, tăng 0,6% chỉ trong vòng một tuần, cho thấy nhu cầu tín dụng đang tăng tốc mạnh vào cuối năm.
VNDIRECT nhận định, các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất huy động nhằm thu hút thêm nguồn vốn mới. Dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng có thể đạt mức 4,9 - 5% vào cuối năm nay.
Năm 2025, áp lực từ nhu cầu tín dụng tăng cao và biến động tỷ giá dự kiến sẽ khiến lãi suất huy động tiếp tục nhích lên. Dù vậy, VNDIRECT dự đoán lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ chỉ tăng khoảng 0,3%, lên mức 5,2 - 5,3%/năm vào cuối năm 2025 . Mức lãi suất này được kỳ vọng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho việc duy trì lãi suất cho vay thấp, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh và kích thích tiêu dùng.
Ông Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - cho rằng, lãi suất tiết kiệm tăng gây áp lực lên lãi suất đầu ra. Hiện tại, lãi suất tiết kiệm nhích tăng tại một số ngân hàng tư nhân cũng là áp lực với lãi suất cho vay.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động cao hơn khoảng 0,5% so với mức đáy thiết lập trong quý 2/2024 và vẫn thấp hơn những năm COVID-19 bùng phát. Đà tăng của lãi suất tiết kiệm diễn ra trong bối cảnh tốc độ huy động vốn của các ngân hàng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2025 lãi suất cho vay sẽ tiếp tục tăng nhưng ở mức thấp chứ không quá mạnh.