Dự án Kuiper - chương trình internet vệ tinh của tập đoàn Amazon - dự kiến sẽ đăng ký phóng 83 tên lửa lên quỹ đạo để triển khai mạng vệ tinh trong vòng 5 năm tới. Để thực hiện dự án này, Amazon đã hợp tác với Arianespace, Blue Origin - công ty do cựu CEO Amazon Jeff Bezos sáng lập - và United Launch Alliance (ULA), một liên doanh giữa Lockheed Martin và Boeing.
Thỏa thuận của Amazon bao gồm 18 lần phóng bằng tên lửa Ariane 6 của Arianespace, 12 lần phóng bằng tên lửa New Glenn của Blue Origin và 38 lần phóng bằng tên lửa Vulcan Centaur của ULA.
Mục tiêu của Dự án Kuiper là triển khai hơn 3000 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp nhằm truyền dẫn Internet tốc độ cao với độ trễ thấp đến khách hàng hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ. Amazon hiện cũng đang trong quá trình thiết kế và phát triển vệ tinh cùng thiết bị thu sóng cho khách hàng.
Ông Rajeev Badyal, Phó Chủ tịch phụ trách công nghệ của Dự án Kuiper, cho biết việc ký kết thỏa thuận với nhiều công ty cung ứng hàng không vũ trụ sẽ giảm rủi ro về trì hoãn lịch phóng tên lửa và tiết kiệm chi phí.
Năm 2020, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã cho phép Dự án Kuiper triển khai 3236 vệ tinh Internet băng thông rộng, nhưng với điều kiện phải đưa vào vận hành ít nhất một nửa số vệ tinh này trước tháng 7/2026. Nếu không đạt được điều kiện này, Dự án Kuiper có thể mất quyền phóng một số vệ tinh.
Trong khi đó, giới phân tích nhận định rằng SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã đi trước trong cuộc đua vệ tinh Internet. Theo số liệu được đưa ra trong sự kiện Satellite 2022, dịch vụ Starlink của SpaceX đã có khoảng 250.000 khách hàng trên toàn cầu và đã phóng hơn 1900 vệ tinh thế hệ đầu. Tuy nhiên, nhà phân tích Chris Quilty từ Quilty Analytics cho rằng Amazon có thể có lợi từ việc đi sau nhờ xem xét những thách thức mà SpaceX gặp phải.
Tùng Phong (Theo Reuters/The Wall Street Journal)
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/amazon-len-ke-hoach-canh-tranh-voi-spacex-a992.html