3 định hướng đổi mới sáng tạo quyết định thành - bại của doanh nghiệp

Cuộc CMCN 4.0 bùng nổ, xu hướng ĐMST mở là tất yếu. Bởi nếu không, DN sẽ tự đánh mất khả năng cạnh tranh và ưu thế trên thị trường.

ĐMST đem lại “luồng gió mới" cho kinh tế

Theo TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN, Bộ KH&CN (Natech), năm 2021 dù ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, song đây cũng là cơ hội để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, đặc biệt phải kể tới sự bùng nổ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở Việt Nam, đã đem lại luồng gió mới đầy sinh lực cho KT-XH.

Xu hướng thị trường - 3 định hướng đổi mới sáng tạo quyết định thành - bại của doanh nghiệp

TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN

Đại diện Bộ KH&CN cho biết thêm, năm 2021, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã cán mốc hơn 3000 doanh nghiệp, trong đó có ba “kỳ lân" công nghệ là VNG, VNPay, Momo. Không chỉ vậy 1,3 tỉ USD cũng đã được đầu tư cho những công ty khởi nghiệp, bởi trong bối cảnh Covid tác động tiêu cực tới nền kinh tế, vai trò của công nghệ và ĐMST mở ngày càng trở nên quan trọng, giúp nâng cao năng lực thích ứng của các tổ chức, doanh nghiệp (DN) và tăng năng suất.

Theo đó, ĐMST mở là mô hình kinh tế chia sẻ của nền kinh tế tri thức, mà đối tượng chia sẻ ở đây chính là tri thức, công nghệ, con người, chuyên gia. Nội hàm của ĐMST mở bao gồm cả chia sẻ vấn đề của DN đang mắc phải, chia sẻ giải pháp để giải quyết vấn đề đó và chia sẻ nguồn lực của những người tham gia giải quyết vấn đề.

Nhằm thúc đẩy và hỗ trợ ĐMST mở, Đề án 844 được Chính phủ xác định đến năm 2025 đã và đang thực hiện tốt, đem đến những chuyển biến tích cực, đơn cử như Techfest - sự kiện lớn nhất hằng năm được Bộ KH&CN tổ chức dành riêng cho cộng đồng khởi nghiệp ĐMST.

Xu hướng thị trường - 3 định hướng đổi mới sáng tạo quyết định thành - bại của doanh nghiệp (Hình 2).

Năm 2021, dù ảnh hưởng không nhỏ bởi Covid-19, song đây lại là cơ hội để các startup công nghệ tại Việt Nam trở thành những "chú kỳ lân" nhờ tinh thần ĐMST

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ có ban hành quyết định mới, mở thêm tầm nhìn đến năm 2030 và đưa thêm khái niệm về thiết lập mạng lưới ĐMST. Như vậy nhằm kéo thêm DN vào hệ sinh thái ĐMST, không chỉ startup mà còn DN vừa và nhỏ, DN lớn. Qua đó, những giải pháp ĐMST của viện, trường trong nước, các nhà khoa học, tri thức trong và ngoài nước đều có thể tham gia phục vụ DN tốt hơn, đồng thời kết hợp với các startup mà không chỉ dừng lại ở startup đi phục vụ DN lớn.

3 định hướng quyết định thành - bại của DN

Ông Quất nhận định: “Với cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ 4, đây mới là thời điểm để hiện thực hoá nền kinh tế chia sẻ tri thức và xu hướng ĐMST mở là tất yếu vì nếu không sẽ tự đánh mất khả năng cạnh tranh”.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO BambuUp - nền tảng kết nối ĐMST đầu tiên ở Việt Nam cho rằng, hiện tại có 3 định hướng ĐMST đang vẽ nên tương lai thành - bại của doanh nghiệp. Để đạt được độ mở của ĐMST hướng tới tính cạnh trăng và tạo ưu thế trên thị trường, trước tiên doanh nghiệp cần xác định rõ vấn đề này.

Xu hướng thị trường - 3 định hướng đổi mới sáng tạo quyết định thành - bại của doanh nghiệp (Hình 3).

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO BambuUp - nền tảng kết nối ĐMST đầu tiên ở Việt Nam (Ảnh: Harper's Bazaar Vietnam)

Thứ nhất, ĐMST dựa trên lý tưởng tồn tại. Theo đó, ​​Lý tưởng tồn tại chính là câu hỏi “Tại sao chúng tôi có mặt trên thế giới này?” của tổ chức, doanh nghiệp, thương hiệu. Nó xuất phát từ cái xã hội cần, cái doanh nghiệp muốn làm từ đam mê và năng lực, và nó giúp doanh nghiệp phát triển bền vững tồn tại và phát triển để tạo giá trị (bao gồm giá trị lợi nhuận cho tổ chức, lẫn giá trị sâu sắc ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội).

Sở dĩ cần điều này bởi, các doanh nghiệp hiện tại, ai cũng có thể làm được sản phẩm tốt, làm thương hiệu tốt...Người mua choáng ngợp trước vô số các giải pháp tốt và chọn lựa. Lúc này, điều khác biệt mà Doanh nghiệp có thể tạo ra chính là triết lý tồn tại của họ, sự đồng cảm và kết nối sâu sắc của thương hiệu, công ty với xã hội qua cái cốt lõi nhất: lý tưởng tồn tại của tổ chức.

Thứ hai, ĐMST lấy trải nghiệm khách hàng làm trung tâm. Đặc biệt, sau khi đi qua đại dịch Covid 19, hành vi tiêu dùng của khách hàng đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Bên cạnh việc trở nên cẩn trọng hơn trong việc mua sắm và lựa chọn thương hiệu, người tiêu dùng ngày càng yêu bản thân hơn, sống lành mạnh và mong muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Khách hàng ngày nay đang thích nghi với kênh Online nhiều hơn, hiện nay dù bất kể độ tuổi nào cũng có thể mua sắm Online và trở thành khách hàng mục tiêu của Doanh nghiệp trên kênh này. 

Do đó, những thay đổi này đòi hỏi doanh nghiệp cần phải bám sát vào sự thay đổi của người tiêu dùng để có cách thức thích nghi, đáp ứng được nhu cầu mới của thị trường. Ở góc độ doanh nghiệp, khách hàng chính là người quyết định doanh nghiệp, thương hiệu có thành công hay không.

Thứ ba, ĐMST dựa trên nền tảng công nghệ cốt lõi. Hầu hết sự ĐMST được thúc đẩy trực tiếp hoặc gián tiếp bởi những công nghệ mới, ngay cả trong đổi mới mô hình kinh doanh, sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng , hay là cách công nghệ thay đổi thế giới và tạo bước đột phá trong các lĩnh vực khác nhau. Vì thế, sự hiểu biết về những công nghệ mới và tác động của nó là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể thúc đẩy ĐMST một cách liên tục.

Hội thảo “Đổi mới sáng tạo mở: Doanh nghiệp, tập đoàn và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia” được Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

Qua đó, nhằm thu hút sự tham gia của các khu vực tư nhân trong việc hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và tạo tiền đề cho sự đột phá của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam trong thời kỳ “bình thường mới”.