100% đô thị loại III lồng ghép thích ứng với BĐKH
Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26).
Kế hoạch nhắm đến 3 đối tượng ưu tiên: Quy hoạch, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị; khai thác và sản xuất VLXD; xây dựng và quản lý công trình, nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BĐKH và khả năng ứng phó của ngành Xây dựng với tác động của BĐKH, sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả, phát triển ngành Xây dựng bền vững góp phần đạt được cam kết của Việt Nam tại COP 26 về phát thái ròng bằng “0” vào năm 2050.

Kế hoạch chia làm 2 giai đoạn chính, trong đó giai đoạn thứ nhất (2022-2030) thực hiện rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, văn bản hướng dẫn của ngành Xây dựng. Xây dựng và thực hiện lộ trình của ngành Xây dựng trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK ngành Xây dựng nhằm đạt mức giảm phát thải tối thiểu 74,3 triệu tấn CO2 tương đương (CO2td) so với kịch bản phát thải thông thường (BAU). Hoàn thiện các công cụ quản lý nhà nước của ngành Xây dựng về kiểm kê KNK.
Lồng ghép nội dung thích ứng với BĐKH và giảm phát thải KNK vào đồ án quy hoạch chung đô thị, 100% các đô thị từ loại III trở lên khi lập quy hoạch đô thị mới hoặc điều chỉnh quy hoạch đô thị phải lồng ghép nội dung thích ứng với BĐKH và giảm phát thải KNK.
Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK. Đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận công trình xanh, công trình phát thải các-bon thấp, khu đô thị xanh, khu đô thị phát thải các-bon thấp. Đến năm 2030, ít nhất 25% khu đô thị mới áp dụng tiêu chí khu đô thị xanh, phát thải các-bon thấp. Ban hành cơ chế khuyến khích phát triển khu đô thị xanh, phát thải các-bon thấp.
Phát triển các công trình xây dựng (nhà ở, trụ sở văn phòng, tòa nhà thương mại dịch vụ...) thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK. Đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá công nhận công trình xây dựng phát thải các-bon thấp. Đến năm 2030, lĩnh vực ĐTXD, vận hành nhà ở chung cư giảm ít nhất 25% lượng phát thải KNK so với năm 2020, 100% công trình đầu tư mới và các công trình sửa chữa cải tạo phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.
Thúc đẩy sản xuất các sản phẩm VLXD xanh, phát thải các-bon thấp. Hoàn thiện xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm xanh, phát thải các-bon thấp cho các sản phẩm VLXD (xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng) và vật liệu tái chế từ phế thải xây dựng và công nghiệp. Đến năm 2030, 25% các VLXD chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh.
Nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực của cộng đồng, cán bộ ngành Xây dựng trong các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK, thích ứng với BĐKH; Tăng cường hợp tác của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp ứng phó với BĐKH.
Thực hiện áp dụng thí điểm cơ chế chính sách, giải pháp kỹ thuật về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK. Chuẩn bị sẵn sàng cho các doanh nghiệp của ngành Xây dựng tham gia thị trường các-bon trong nước và quốc tế.
100% chung cư được chứng nhận phát thải các-bon thấp
Sau khi đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các sản phẩm VLXD xanh, phát thải các-bon thấp, hoàn thành các bộ tiêu chí và quy trình đánh giá công trình xây dựng xanh, đô thị xanh, thí điểm các giải pháp thích ứng BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK… Kế hoạch hành động sẽ bước vào giai đoạn thứ 2 (sau năm 2030) thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK của ngành Xây dựng nhằm đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng quốc gia bằng “0” theo cam kết Việt Nam tại COP 26, với những kết quả cụ thể, rõ nét hơn: 100% các công trình xây dựng mới thực hiện kiểm kê khí nhà kính và áp dụng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; 100% đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị lồng ghép thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính.

Phát triển rộng rãi VLXD, công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, đô thị theo hướng xanh, phát thải các-bon thấp, thích ứng với BĐKH. Mục tiêu đến năm 2050, ít nhất 50% khu đô thị mới, 10% đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải các-bon thấp. Trên 50% công trình có vốn đầu tư công đạt tiêu chí công trình xanh, 100% các tòa nhà thương mại, chung cư có mức tiêu thụ năng lượng trên 1.000TOE tương đương được chứng nhận tòa nhà phát thải các-bon thấp.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, ngành Xây dựng vẫn tiếp tục tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến ứng phó với BĐKH.
Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch huy động từ ngân sách trung ương, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và huy động sự tham gia của cộng đồng. Đặc biệt, là việc thúc đẩy và ưu tiên tăng cường vốn cho đầu tư vào công trình nhà ở và trụ sở văn phòng hiệu quả năng lượng và phát thải các-bon thấp.