6 năm 'giông bão' tại Việt Nam, Gojek thay đến 4 CEO lý lịch ‘khủng’: Sếp MoMo, Facebook Việt Nam, Cộng cà phê… đều đầu hàng

Người nắm giữ vị trí CEO lâu nhất của Gojek vời thời gian chưa đầy 3 năm.

Trong thông báo phát đi vào tối 4/9, Gojek tuyên bố sẽ dừng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ ngày 16/9/2024. Hãng nhấn mạnh đây là quyết định chiến lược nhằm cho phép công ty tập trung vào các hoạt động có thể mang đến tác động đáng kể lên thị trường một cách bền vững, phù hợp với cam kết của GoTo trong việc đạt được tăng trưởng kinh doanh bền vững trong dài hạn.

Quyết định rút khỏi Việt Nam không chỉ đến từ nhu cầu tập trung nguồn lực mà còn là dấu hiệu của sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường gọi xe tại thị trường này. Ra mắt thị trường Việt Nam hồi tháng 8/2018, Gojek lúc bấy giờ lấy tên gọi GoViet, phục vụ nhu cầu gọi xe và đặt giao hàng, tiếp đó là giao đồ ăn trực tuyến, trở thành đối thủ đáng gờm của "gã khổng lồ" Grab.

Có thể nhiều người đã quên, trong suốt giai đoạn 2019-2023, Gojek đã có 4 lần thay Tổng giám đốc. Một điểm đáng chú ý, cả 4 người ngồi vào ghế CEO của hãng gọi xe này đều có một bản lý lịch 'khủng".

ÔNG NGUYỄN VŨ ĐỨC - PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC MOMO VÀ CHA ĐẺ CỦA REVI COFFEE

Ông Nguyễn Vũ Đức là CEO đầu tiên của Gojek tại Việt Nam . Theo thông tin trên LinkedIn, ông Nguyễn Vũ Đức tốt nghiệp Đại học Kinh tế, Thống kê và Tin học Moscow (MESI) của Nga năm 2003. Từ tháng 10/2003 đến tháng 8/2013, ông làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Trong gần một thập kỷ công tác tại BIDV, ông Đức trải qua nhiều bộ phận khác nhau như định chế tài chính, bán lẻ, điện tử và quản lý vận hành.

6 năm 'giông bão' tại Việt Nam, Gojek thay đến 4 CEO lý lịch ‘khủng’: Sếp MoMo, Facebook Việt Nam, Cộng cà phê… đều đầu hàng- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Vũ Đức.

Sau khi nhận được học bổng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Harvard, ông Đức tiếp sang Mỹ du học từ năm 2013 đến 2015. Từ tháng 4/2015 đến tháng 1/2018, ông Vũ Đức là người đồng sáng lập và CEO TDC - một startup công nghệ tài chính (Fintech), tập trung xây dựng công nghệ chuyển tiền qua điện thoại di động và Facebook.

Vào tháng 2/2018, ông bắt đầu đảm nhiệm vị trí CEO của Gojek Việt Nam (GoViet). Tuy nhiên, vào tháng 3/2019, ông Đức đã rời khỏi vị trí CEO công ty này. Vị doanh nhân này rút lui trong bối cảnh Gojek lúc đó bắt đầu thu chiết khấu 20% từ tài xế cho mỗi cuốc xe. Họ cũng siết các chính sách dựa trên hiệu quả của tài xế và cho điểm các lái xe.

Nhưng chỉ một năm sau đó, vào năm 2020, ông Nguyễn Vũ Đức đã chuyển sang làm việc tại MoMo , hiện tại, ông Đức đã nghỉ tại Momo.

Ông còn là chủ của chuỗi Révi Coffee & Tea. Vào tháng 5/2023, Révi Coffee & Tea khai trương cửa hàng đầu tiên. Đến hiện tại, Révi Coffee & Tea đã có 7 chi nhánh tại Hà Nội và một cửa hàng tại TP.HCM. Đáng chú ý là chuỗi này chơi lớn, chỉ xuất hiện tại chân các tòa nhà lớn như Capital Place (Liễu Giai), Sky City Towers (Láng Hạ), Leadvisors Place (Lý Thái Tổ), The West (Cầu Giấy) hay Keangnam Landmark Tower 72 (Phạm Hùng) theo mô hình quầy bán mang đi.

6 năm 'giông bão' tại Việt Nam, Gojek thay đến 4 CEO lý lịch ‘khủng’: Sếp MoMo, Facebook Việt Nam, Cộng cà phê… đều đầu hàng- Ảnh 2.

LÊ DIỆP KIỀU TRANG - NỮ DOANH NHÂN NỔI TIẾNG TRONG LÀNG KHỞI NGHIỆP

Vị CEO thứ hai của Gojek Việt Nam là bà Lê Diệp Kiều Trang - một người nổi tiếng với các start-up tại Việt Nam. Tuy nhiên, bà chỉ nắm giữ vị trí của mình tại hãng gọi xe đến từ Indonesia này trong 5 tháng.

Bà Lê Diệp Kiều Trang sinh năm 1980 trong một gia đình có truyền thống làm kinh doanh. Bố bà là ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su miền Nam (Casumina). Còn anh trai là ông Lê Trí Thông,  CEO CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Thành tích học tập ấn tượng của bà Trang có thể được tóm gọn bằng cụm từ "thủ khoa". Vị nữa doanh nhân này từng là thủ khoa đầu ra và đầu vào tại trường chuyên Lê Hồng Phong ở TP.HCM cho đến các đại học danh tiếng như Oxford ở Anh và chương trình MBA Sloan của Học viện Công nghệ Massachusettes (MIT) ở Mỹ.

6 năm 'giông bão' tại Việt Nam, Gojek thay đến 4 CEO lý lịch ‘khủng’: Sếp MoMo, Facebook Việt Nam, Cộng cà phê… đều đầu hàng- Ảnh 3.

Bà Lê Diệp Kiều Trang.

Lúc bắt đầu sự nghiệp, bà là chuyên gia tư vấn tại McKinsey và chuyên viên ngân hàng đầu tư tại HSBC. Tên tuổi của bà Lê Diệp Kiều Trang có một thời gian gắn bó với Misfit - Công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon dưới cương vị Giám đốc tài chính và Giám đốc điều hành. Đây là công ty chuyên phát triển các thiết bị theo dõi sức khoẻ và công nghệ thông minh nhà ở.

Năm 2018, bà Lê Diệp Kiều Trang chọn Facebook là nơi làm việc để kết nối cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn. Bà từng đảm nhận vai trò Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam của Facebook trước khi chuyển sang Gojek Việt Nam.

Năm 2020, bà Lê Diệp Kiều Trang và chồng là Sonny Vũ đã thành lập Arevo- công ty được quảng cáo là công ty sản xuất xe đạp bằng công nghệ in 3D đầu tiên trên thế giới. Startup này đã gọi vốn thành công hơn 7 triệu USD từ cộng đồng trên Indiegogo và 25 triệu USD từ các nhà đầu tư.

Cuối tháng 1/2021, Lê Diệp Kiều Trang đại diện Arevo nhận giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy in 3D bằng sợi carbon tại khu công nghệ cao TP. HCM. Dự án có tổng vốn đầu tư 19,5 triệu USD, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 trong quý 4/2022 và đưa giai đoạn 2 vào hoạt động 100% trong năm 2025.

Năm 2023, bà và chồng được nhắc đến ược nhắc đến dày đặc trên mạng xã hội khi dự án sản xuất máy in 3D của vợ chồng cựu CEO Facebook Việt bị chấm dứt hoạt động.

PHÙNG TUẤN ĐỨC - NGƯỜI NĂM GIỮ CHỨC CEO GOJEK VIỆT NAM LÂU NHẤT

Sau khi bà Lê Diệp Kiều Trang rời vị trí CEO Gojek Việt Nam, ông Phùng Tuấn Đức là người được bổ nhiệm tiếp theo vào tháng 8/2020. Ông làm CEO công ty này đến đầu năm 2023 và cũng trở thành người nắm giữ chức vụ này lâu nhất. Ông cũng được biết đến là người có công đưa Gojek về Việt Nam.

6 năm 'giông bão' tại Việt Nam, Gojek thay đến 4 CEO lý lịch ‘khủng’: Sếp MoMo, Facebook Việt Nam, Cộng cà phê… đều đầu hàng- Ảnh 4.

Ông Phùng Tuấn Đức.

Ông Phùng Tuấn Đức sinh năm 1987 là cựu học sinh THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông du học sang Mỹ và trở thành cử nhân của trường đại học Wesleyan. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về đầu quân cho Adayroi, website thương mại điện tử của CTCP Dịch vụ Thương Mại Tổng hợp VinCommerce (WinCommerce ngày này), một thành viên từng thuộc Tập đoàn Vingroup.

Sau hơn một năm làm việc tại sàn thương mại điện tử này, ông đảm nhận vị trí Giám đốc vận hành của Cộng Cà Phê. Ông đã góp phần chuyển chuỗi thương hiệu này từ giai đoạn khởi nghiệp sang giai đoạn phát triển thần tốc với việc tái cấu trúc công ty, tuyển dụng những vị trí quan trọng và xây dựng khung phát triển cho tương lai…

Đến năm 2018, khi Gojek tiến vào Việt Nam, ông Đức được chọn giữ vị trí COO-Giám đốc vận hàng và cũng là 1 trong 4 nhà lãnh đạo cấp cao của nền tảng này . Đến năm 2023, ông Phùng Tuấn Đức chính thức rời Gojek Việt Nam.

SUMMIT RATHOR - CEO CUỐI CÙNG CỦA GOJEK TẠI VIỆT NAM

Tổng giám đốc ngoại đầu tiên và cũng là người cuối cùng nắm giữ chức vụ này của Gojek tại Việt Nam là ông Sumit Rathor. Ông được bổ nhiệm sau khi ông Tuấn Đức xin nghỉ.

6 năm 'giông bão' tại Việt Nam, Gojek thay đến 4 CEO lý lịch ‘khủng’: Sếp MoMo, Facebook Việt Nam, Cộng cà phê… đều đầu hàng- Ảnh 5.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạch định chiến lược, vận hành và tài chính, ông Sumit Rathor gia nhập Gojek năm 2019 với vai trò Giám đốc vùng của Gojek tại Indonesia, phụ trách các vùng lãnh thổ Trung và Đông Java Bali.

Ông Summit Rahor đến Việt Nam vào năm 2022 để điều hành hoạt động của ba bộ phận lớn của Gojek là: Bộ phận Phát triển các Đối tác Nhà hàng, Marketing (Tiếp Thị), và Chiến lược.

Trong thời gian phụ trách các vùng lãnh thổ tại Indonesia, ông Sumit đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố thị phần của Gojek, đồng thời đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục và phục hồi mạnh mẽ xuyên suốt giai đoạn COVID-19. Ông Sumit đã xây dựng một đội ngũ nhân viên tinh nhuệ, chuẩn hóa và tích hợp hoạt động giữa nhiều khu vực lãnh thổ. Trước khi gia nhập Gojek, ông Sumit đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao trong ngành sản xuất toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển vượt bậc tại nhiều thị trường.