Theo nhận xét của các chuyên gia Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vô cùng phức tạp và có nhiều tác động khó lường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội, KH&CN và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu là nỗ lực rất lớn.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, năm 2021, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ (xếp thứ 41), Ấn Độ (46) và Philippines (51), Việt Nam là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được WIPO đánh giá là đang bắt kịp đà tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới, với chỉ số đổi mới sáng tạo xếp thứ 44.
Thực tế cũng cho thấy, trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được và phát triển tốt là minh chứng rõ nhất việc đầu tư đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, cần có đầu tư tạo động lực cho doanh nghiệp dám đổi mới công nghệ để phát triển bền vững hơn.
Không có mô hình mẫu về đổi mới sáng tạo cho tất cả doanh nghiệp
Xác định KH&CN và đổi mới sáng tạo là động lực chủ yếu cho tăng trưởng và phát triển bền vững, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông cho hay, ngay từ năm 2009, Rạng Đông đã chú trọng liên kết hợp tác, đầu tư vào KH&CN với các trường đại học lớn và xây dựng 3 trung tâm nghiên cứu (về công nghệ ánh sáng, công nghệ số và phát triển các mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại số).
Mục tiêu mà doanh nghiệp hướng tới là các sản phẩm có thiết kế Việt Nam, sản xuất trên dây chuyền Việt Nam và kinh doanh trên nền tảng của Việt Nam nhưng vẫn mang lại giá trị gia tăng cao, đáp ứng đủ điều kiện chất lượng để xuất khẩu.
Nhờ áp dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo, doanh thu của công ty năm sau luôn cao hơn trước, đặc biệt giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng từ 15%-18%, lợi nhuận tăng khoảng 17 %.
Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn, trước hết là về nhận thức, thói quen. Bởi khi thay đổi chiến lược, mô hình kinh doanh, cơ chế điều hành là phải thay đổi cả cách làm việc, thói quen.
"Thay đổi thói quen của một người đã khó, của cả tập thể còn khó hơn, thậm chí bước đầu công ty tôi phải sử dụng cả biện pháp hành chính", ông Kết cho hay.
Một thách thức nữa là doanh nghiệp thiếu thông tin để xác định bước đi, lộ trình phát triển bằng KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Đoàn Kết, không có mô hình mẫu về KHCN và đổi mới sáng tạo cho tất cả doanh nghiệp vì vậy, mỗi doanh nghiệp quan trọng nhất là phải tìm bước đi phù hợp với năng lực, nguồn lực, trình độ của mình. Điều này quyết định tính chất rủi ro khi lựa chọn đầu tư vào KH&CN và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Thách thức nữa là về máy móc, thiết bị. Đối với doanh nghiệp như Rạng Đông đã hình thành trên 60 năm, máy móc thiết bị có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước, từ nhiều thời điểm khác nhau. Vì vậy, trong quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp công nghệ để tạo nên những kiến trúc hợp nhất các nền tảng công nghệ, máy móc.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không có nhiều sự lựa chọn về tài chính. "Muốn thúc đẩy một nền sản xuất thông minh, nhất định phải có hệ điều hành, nhà máy thông minh để khai thác một cách có hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp nhưng việc đầu tư vào những giải pháp này đòi hỏi chi phí rất lớn, nhiều khi vượt quá năng lực của doanh nghiệp", ông Kết bày tỏ.
Nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay, cuộc CMCN 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ. Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, thu hút các nguồn lực tài trợ của các đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Đồng thời là yếu tố không thể thiếu góp phần tạo thêm việc làm.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng đổi mới sáng tạo vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với doanh nghiệp Việt, khi nền sản xuất công nghiệp dựa vào gia công và thâm dụng lao động đang chiếm phần lớn trong trong các doanh nghiệp sản xuất nước ta.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhận thấy, một thực tế là nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính) và có khoảng cách rất xa ở mức 4.0.
Ý kiến của Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng đồng nhất với nội dung báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về Đổi mới sáng tạo công bố vào cuối năm 2021, trong đó chỉ ra số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam có sử dụng các công nghệ 4.0 như in 3-D, robot còn rất ít. Chỉ có 29% doanh nghiệp sử dụng máy móc được điều khiển bởi máy tính, công nghệ kỹ thuật số của công nghiệp 3.0. Chỉ 8,7% sử dụng công nghệ này một cách tích cực, hiệu quả. Đây là vấn đề đáng quan ngại.
Báo cáo của WB cũng đã phân tích các rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình đổi mới. Trong đó, chỉ ra phần lớn các doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó 20% hoạt động xuất khẩu còn hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ và mức độ "tinh vi" về kinh doanh.
Đánh giá hiệu quả của đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN) cho hay, việc tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp đã trở nên không còn phù hợp. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Trong khuôn khổ hợp tác của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), các nền kinh tế thành viên đã thảo luận và nghiên cứu các giải pháp để tăng năng suất, trong đó có "đi tắt đón đầu" thông minh bằng đổi mới sáng tạo, cải cách mô hình quản lý đồng thời mở rộng năng lực áp dụng các thực hành và công nghệ mới, thế hệ mới.
Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước, những năm qua, hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nói riêng đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN và các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt.
Trong đó, đã triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ doanh nghiệp.
Với mục đích xây dựng môi trường pháp lý giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, được sự hỗ trợ của APO, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021.
Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm cho hay, Kế hoạch góp phần đưa năng suất vào các chương trình phát triển quốc gia, tăng cường vai trò của năng suất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đề xuất các hành động cần phải được thực hiện bởi các bộ, ngành, cơ quan nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước, xây dựng năng lực hấp thụ vốn, con người, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông và hạ tầng logistics, bố trí và phân bổ các nguồn lực.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, đối với lĩnh vực năng suất chất lượng, mục tiêu đặt ra là công tác tiêu chuẩn hóa phải khích lệ được sự đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, trong từng cá nhân và từng nhóm, lĩnh vực sản xuất.
Đặc biệt, tiêu chuẩn hóa trong các lĩnh vực mới như IoT, blockchain, thương mại số, thương mại điện tử, in 3D, sản xuất thông minh sẽ tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động đổi mới sáng tạo.
Trên phạm vi thế giới, từ năm 2019, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) – Ban Kỹ thuật ISO/TC 270 đã xây dựng Bộ Tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý đổi mới sáng tạo. Một số tiêu chuẩn đã ban hành liên quan đến quản lý đổi mới như thuật ngữ, công cụ và phương pháp. Các tiêu chuẩn này nhằm hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy đổi mới một cách có hệ thống. Các tiêu chuẩn này bao gồm: Cung cấp cơ sở từ vựng, các khái niệm cơ bản, các nguyên tắc quản lý đổi mới và cách tiếp cận để thực hiện quản lý đổi mới một cách có hệ thống…
Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 có thể được áp dụng cho tất cả các tổ chức, bất kể loại hình, khu vực, mức độ trưởng thành hoặc quy mô. Bộ tiêu chuẩn đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp này thường thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và nguồn lực để thực hiện các hoạt động đổi mới.
ISO 56000 cung cấp đầy đủ thông tin mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần để tạo ra một hệ thống đổi mới trong các tổ chức của họ với thông qua phân tích những năng lực cốt lõi của doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực gồm: Chiến lược, văn hóa, quá trình, công cụ và kỹ thuật, thước đo.
Hiện nay, tại Việt Nam, Bộ KH&CN đã mời các chuyên gia từ các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành liên quan, hiệp hội, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia tích cực vào xây dựng tiêu chuẩn quốc tế thuộc các Ủy ban kỹ thuật của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế liên quan đến tự động hóa, thương mại số, thương mại điện tử, sản xuất thông minh, đổi mới sáng tạo để nắm bắt những xu thế mới nhất hiện nay và tư vấn cho Chính phủ về đổi mới sáng tạo.
"Chúng tôi đã và đang nỗ lực, hoàn thiện xây dựng các nhóm chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả của hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, bởi không dễ để đo, đếm được hàm lượng đổi mới sáng tạo, cũng như tách bạch các chỉ số", ông Nguyễn Tùng Lâm cho hay.
Hoàng Giang