Tình trạng này khiến giá cước vận tải biển tăng dựng đứng, thời gian giao hàng bị chậm khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam lo lắng. Để đảm bảo hợp đồng và đáp ứng yêu cầu của khách, nhiều đơn hàng phải chuyển từ đường biển sang đường hàng không, ảnh hưởng trực tiếp đến "túi tiền" của doanh nghiệp.
Trả lời VTC News , ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T (một doanh nghiệp xuất khẩu rau quả lớn) cho biết, Biển Đỏ căng thẳng, chịu ảnh hưởng lớn nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu đi châu Âu do giá cước vận tải tăng mạnh, thời gian vận chuyển kéo dài. Không ít container chở trái cây của Vina T&T sang thị trường EU đã phải mất thêm 2 tuần để đi đường vòng.
" Điều này đồng nghĩa với gia tăng chi phí từ bảo quản đông lạnh, giảm chất lượng sản phẩm ”, ông Tùng nói.
Ông Tùng ước tính, hiện mỗi container tăng thêm 1.000 USD, tương đương tăng khoảng 30% so với trước. Việc tăng giá cước, kéo dài thời gian vận chuyển khiến giá sản phẩm bị đội lên sẽ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam với các nước khác.
Tuy nhiên, điều ông Tùng lo lắng hơn cả là việc vận chuyển lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trái cây. Với mặt hàng rau quả, thời gian vận chuyển quyết định độ tươi ngon.
Do đó, với mỗi thị trường, doanh nghiệp phải tính toán khoảng thời gian vận chuyển để lựa hàng phù hợp.
“Doanh nghiệp đang phải đàm phán với phía đối tác để lùi thời gian giao hàng. Trường hợp đối tác cần hàng quá thì doanh nghiệp phải chấp nhận thay đổi phương thức vận chuyển từ đường biển sang đường hàng không”, ông Tùng chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Cafatex chuyên xuất khẩu thuỷ sản cho biết, do tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ, lịch trình các tàu phải thay đổi - không đi qua kênh đào Suez mà đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi.
Điều này làm phát sinh thời gian cũng như cước phí vận chuyển. Thông thường, thời gian vận chuyển sang châu Âu là 28-30 ngày, nay các hãng tàu thông báo kéo dài lên 47-55 ngày, cước phí vận chuyển cũng tăng cao theo.
Theo ông Kịch, hiện doanh nghiệp có khoảng 80% lượng hàng đi Bờ Đông nước Mỹ/Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Do những bất ổn từ Biển Đỏ, các tàu buộc phải vòng qua Mũi Hảo Vọng, hành trình kéo thêm 7-10 ngày. Điều này dẫn đến vòng quay của con tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn.
“Một số tàu chở hàng qua kênh đào Suez bị dừng lại dẫn đến chậm thời gian, đẩy chi phí tăng lên. Bên cạnh đó, trên thế giới thời điểm này lượng hàng trao đổi giữa các nước với nhau giảm xuống. Cùng với đó, do số lượng tàu nhiều, nhưng số tàu tham gia vận chuyển ít nên doanh nghiệp vận tải đã đẩy giá cước tăng lên để bù vào lượng tàu không hoạt động, vì thế giá cước vận tải tăng cao”, ông Kịch nói.
Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát đi khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, các hiệp hội trong lĩnh vực logistics về việc hạn chế tác động của tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ.
Các hiệp hội, doanh nghiệp cần tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác.
Cục Xuất nhập khẩu cũng khuyến cáo các doanh nghiệp khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Cần mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này.
Những ngành hàng của chúng ta chịu ảnh hưởng nặng nhất sẽ là dệt may, da giày, đồ gỗ và các sản phẩm điện tử. Nhiều tàu chở hàng đã phải đi tránh sang tuyến đường dài hơn, làm kéo dài thời gian di chuyển thêm từ 7 - 14 ngày, khiến chi phí vận chuyển hàng hóa sẽ tăng lên.
Theo dự kiến, với mỗi một container đi qua khu vực châu Âu, chi phí có thể tăng thêm từ 1.000 - 2.000 USD, tương tự thời điểm đứt gãy từ đại dịch COVID-19.
Trong khó khăn có cơ hội
Trước tình hình đó, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, việc các doanh nghiệp phản ánh là có thật. Hiện giá cước vận tải tăng gấp đôi so với thời gian trước đây, thời gian vận chuyển cũng kéo dài từ 15- 20 ngày đã ảnh hưởng đến những mặt hàng xuất khẩu tươi. Còn những mặt hàng chế biến hoặc để lâu thì giá thành cũng đội lên, khó cạnh tranh với các nước không bị ảnh hưởng.
“ Mình muốn xuất khẩu hàng sang châu Âu, con đường ngắn nhất là phải đi qua Biển Đỏ. Nếu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng thì kéo dài thêm 15 ngày nữa sẽ đẩy giá cước tăng, từ đó hàng của Việt Nam khó cạnh tranh về giá với các nước từ Nam Mỹ, khi các nước khu vực này chỉ băng qua Đại Tây Dương là đến châu Âu ”, ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, để tháo gỡ, các doanh nghiệp nên chủ động liên hệ, làm việc với các nước đối tác để thương lượng lại giá cả, thời gian vận chuyển để tránh bị lỗ.
Đặc biệt, ông Nguyên cho rằng vẫn có cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường ra các nước khác trong khu vực, trong đó đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, một thị trường gần rất tiềm năng của Việt Nam, khi thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần.
"Trung Quốc cũng là một thị trường lớn của Ai Cập và nhiều nước châu Âu khác nhưng việc vận chuyển hàng hoá về Trung Quốc cũng đang bị kẹt ở Biển Đỏ nên hàng hóa rất khan hiếm. Do vậy, đây là cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu hàng hoá nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc khi mà nhu cầu sử dụng hàng hóa, thực phẩm của Trung Quốc đang tăng cao những ngày gần Tết. Vận chuyển hàng sang Trung Quốc rõ ràng đơn giản hơn rất nhiều”, ông Nguyên phân tích.
Các hãng vận tải biển lớn nhất thế giới cho biết họ sẽ tránh Biển Đỏ và do đó tránh cả Kênh đào Suez sau khi phiến quân Houthi có trụ sở tại Yemen bắn tên lửa vào các tàu chở hàng trong cuộc chiến Israel-Hamas.
Thay vào đó, các tàu đi từ Viễn Đông đến châu Âu sẽ phải đi đường vòng quanh toàn bộ lục địa châu Phi qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi. Cuộc hành trình sẽ kéo dài hơn một tuần và sẽ dài thêm khoảng 3.500 hải lý (6.482 km).
Kênh đào Suez nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải là tuyến đường ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á. Khoảng 12% lưu lượng vận chuyển toàn cầu thường đi qua tuyến đường biển này.
Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ làm nhiều người nhớ đến thời gian kênh đào Suez bị phong tỏa sau khi tàu container Ever Given mắc cạn (tháng 3/2021). Vào thời điểm đó, thế giới đang thoát khỏi tình trạng phong tỏa do đại dịch COVID-19 và những nút thắt lớn đã xuất hiện trong chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu.