Bình Dương: Khắc phục các điểm ngập, bảo đảm tiêu thoát nước đô thị

Trên địa bàn tỉnh hiện một số địa phương có tình trạng phát sinh thêm điểm ngập và địa phương chậm triển khai giải pháp để giải quyết. Hiện nay sắp vào mùa mưa, để kịp thời xử lý các điểm ngập nước đô thị, bảo đảm tiêu thoát nước trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND tỉnh nhiều giải pháp.

Phát sinh thêm điểm ngập

Trong năm 2021, các điểm ngập trên địa bàn tỉnh đã được lên kế hoạch đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi trong việc ưu tiên, phân bổ nguồn vốn để giải quyết tình trạng ngập nước. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số điểm ngập nước do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn trong nguồn vốn, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm, phục vụ tiêu thoát nước cho cả khu vực. Tính đến tháng 12-2021 so sánh với thời điểm tháng 12-2020, trên địa bàn tỉnh có 58 điểm ngập cần xử lý. Cụ thể, TP Thủ Dầu Một (6), TP.Dĩ An (12), TP Thuận An (14), TX Bến Cát (13), các huyện Phú Giáo (7), Bàu Bàng (1), Bắc Tân Uyên (2), Dầu Tiếng (3).

Một tuyến đường tại phường An Phú, TPThuận An bị ngập nặng sau một cơn mưa lớn

Bà Phan Thị Ngọc, người dân khu phố 3, phường An Phú, TP Thuận An, cho biết: “Mấy năm nay, khu vực này hễ mưa là đường lại ngập nặng. Có khi nước ngập dâng cao cả 50cm. Nhiều ô tô, xe máy đi qua bị chết máy. Ngập nước không chỉ khiến người dân đi lại khó khăn, ô nhiễm môi trường mà còn khiến buôn bán ế ẩm. Nhiều lần nước ngập vào tới nhà gây hư hại tài sản”. Theo ghi nhận, đây là khu vực gần khu công nghiệp, có cả chục ngàn công nhân lao động sinh sống. Khu vực này đường cống thoát nước không đấu nối được với khu vực xung quanh, dẫn đến mưa lớn là ngập. Theo tìm hiểu, được biết đây là điểm ngập phát sinh thêm của TP Thuận An. Hiện nay, trên địa bàn TP Thuận An còn tồn tại 14 điểm ngập cần được giải quyết, như điểm ngập nặng trên đường Lê Thị Trung, đường ĐT747b, đường Nguyễn Văn Tiết, đường Cách Mạng Tháng 8, đường Bùi Thị Xuân, đường Bùi Hữu Nghĩa…

Tại TP.Thủ Dầu Một hiện còn tồn tại 6 điểm ngập cần giải quyết gồm đường Thích Quảng Đức (giao lộ đường Phan Đình Giót), đường ven rạch Bưng Cải, đại lộ Bình Dương (đoạn trường Đại học Bình Dương), đường Nguyễn Văn Thành (ĐT741), đường Nguyễn Văn Trỗi, ngã ba Đoàn Trần Nghiệp - Hai Bà Trưng. Tại TP Dĩ An đã xử lý 9 điểm ngập, hiện còn tồn tại 12 điểm ngập cần được giải quyết. TX.Tân Uyên hiện nay không còn điểm ngập. TX Bến Cát xử lý 10 điểm ngập gồm quốc lộ 13 (khu vực trường Mầm non Thới Hòa, cổng Cụm công nghiệp Hoàng Gia Tân Định, UBND phường Tân Định), ĐT741. Phát sinh 9 điểm ngập gồm đường Hùng Vương, quốc lộ 13 khu vực cống Hồ Cá, trước UBND phường Mỹ Phước, trước chợ Mỹ Hạnh, trước khu dân cư Mỹ Phước 4, khu vực giao lộ với đường Bến Trà Vy). Hiện TX.Bến Cát còn tồn tại 13 điểm ngập cần được giải quyết.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Qua tổng hợp kết quả cho thấy khu vực TP Thuận An, TP Dĩ An, TX Bến Cát vẫn còn nhiều điểm ngập. Một số địa phương đã có tình trạng phát sinh thêm điểm ngập và chậm triển khai giải pháp để giải quyết như TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng”.

Chủ động thực hiện

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Các điểm ngập hiện nay còn tồn tại liên quan nhiều đến dự án nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Hiện đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư hoặc thi công nhưng chậm tiến độ, vướng mắc giải phóng mặt bằng, hạn chế về nguồn vốn ngân sách”.

Hiện nay, các dự án do Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư gồm dự án cải tạo hệ thống thoát nước rạch Thầy Năng; dự án đầu tư giải quyết điểm ngập đoạn ngã ba Cống đường Thích Quảng Đức (từ ngã ba Cống đến cầu Bà Hên); dự án cải tạo hệ thống thoát nước rạch Ông Đành (từ đại lộ Bình Dương đến sông Sài Gòn); dự án trục thoát nước Suối Giữa (đoạn từ sau trạm thu phí đến cầu Bà Cô gồm cả rạch Bưng Cầu... Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư tuyến suối Bưng Biệp - Suối Cát (dự án trục thoát nước Bưng Biệp - Suối Cát”. Đối với điểm ngập liên quan các tuyến đường, qua thực tế cho thấy hệ thống thoát nước đầu tư trước đây hầu hết chỉ phục vụ cho thu nước mặt của tuyến đường, không phù hợp tiêu thoát nước lưu vực, hiện đang bị quá tải, xuống cấp và không bảo đảm khả năng thoát nước. Gồm các tuyến đường BOT như quốc lộ 13, ĐT741, quốc lộ 1K. Các tuyến ĐT741, ĐT744, ĐT748, ĐT749a, ĐT750 do Sở Giao thông - Vận tải là đơn vị quản lý.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh cho biết nhằm khắc phục triệt để các điểm ngập trên địa bàn tỉnh, sở đã đề xuất và kiến nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo Sở Xây dựng tiếp tục theo dõi, tổng hợp, đôn đốc xử lý các điểm ngập nước trên địa bàn. UBND cấp huyện, thị, thành phố cần có giải pháp giải quyết dứt điểm các điểm nằm trên địa bàn. UBND các huyện, thị, thành phố cần quan tâm, thực hiện các giải pháp như tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng; các dự án giao thông hạ tầng kỹ thuật đô thị; dự án thoát nước. Tăng cường công tác phối hợp thực hiện thanh kiểm tra để kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm kênh mương, rạch, suối. Thường xuyên khai thông nạo vét dòng chảy, công trình thoát nước. Chấp hành nghiêm chỉnh hành lang bảo vệ các nguồn nước đã được UBND tỉnh ban hành.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Các địa phương cần chủ động thực hiện các giải pháp giải quyết điểm ngập trên địa bàn quản lý, phối hợp các chủ đầu tư các dự án thoát nước, giao thông, hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, đề xuất các giải pháp khắc phục các điểm ngập trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động nghiên cứu các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước được giao để bảo đảm được tiêu thoát nước, giải quyết các điểm ngập có liên quan. Các nhà đầu tư BOT, chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị, khu nhà ở chủ động nghiên cứu và đề xuất giải pháp cải tạo, giải quyết triệt để các điểm ngập trong danh mục dự án được giao đầu tư. Quan tâm hơn nữa công tác duy tu, bảo dưỡng và bố trí nguồn kinh phí để bảo đảm công tác tiêu thoát nước của dự án và khu vực đô thị có liên quan .

 

Nguồn: Báo Bình Dương