Bitcoin - đừng mơ là "nơi trú ẩn an toàn"

Bitcoin vốn được tin sẽ trở thành loại tài sản kháng cự được xu hướng kinh tế chung, “tài sản phòng ngừa lạm phát” nhưng thực tế lại không hẳn như vậy.

Kể từ đầu năm 2022, dao động giá của Bitcoin rất tương đồng với chỉ số Nasdaq - một thước đo chịu ảnh hưởng nặng từ giá cổ phiếu công nghệ - theo phân tích của công ty Arcane Research. Cú rơi gần 25% của Bitcoin xuống dưới mức 30.000 USD trong vòng một tháng qua cũng đi cùng với cơn trượt giá của hàng loạt cổ phiếu công nghệ tại Mỹ. 

Sự tương đồng ngày càng tăng giữa giá trị Bitcoin và cổ phiếu công nghệ đang cho thấy dù Bitcoin vẫn là loại tài sản dễ biến động, nó vẫn chưa thể đạt được kỳ vọng trở thành một loại tài sản mới khác với các loại tài sản khác như cổ phiếu và trái phiếu. Nhà phân tích Vetle Lunde từ Arcane Research cho rằng: “[Thực tế] đang cho thấy Bitcoin không giống như vàng, mà vẫn còn giống tài sản rủi ro hơn.” 

Arcane đo tương quan giữa giá trị Bitcoin và Nasdaq bằng số điểm dao động từ -1 đến 1. Điểm -1 tương ứng với mức độ không tương quan tuyệt đối, trong khi điểm 1 có nghĩa là Bitcoin và Nasdaq tương quan tuyệt đối với nhau. 

Từ ngày 1/1/2022, điểm tương quan Bitcoin-Nasdaq trung bình 30 ngày đã dần tiệm cận mức 1, đạt mức kỷ lục 0.82 trong tuần này. Đồng thời, dao động giá của Bitcoin đã dần tách rời khỏi dao động giá vàng - một loại tài sản từng thường xuyên được so sánh với loại tiền mã hóa này. 

Công nghệ - Bitcoin - đừng mơ là 'nơi trú ẩn an toàn'

Biến động giá trị Bitcoin, chỉ số Nasdaq và giá vàng từ tháng 1/2022. Nguồn: CoinMarketCap/FactSet/The New York Times.

Mức độ tương quan Bitcoin-Nasdaq tăng dần trong suốt đại dịch Covid-19, một phần do các nhà đầu tư tổ chức tăng bơm tiền vào thị trường tiền mã hóa. Không như những người tiên phong sử dụng và quảng bá Bitcoin đầu những năm 2010, giới đầu tư chuyên nghiệp xem Bitcoin là một phần trong danh mục đầu tư rủi ro cao - lợi nhuận tiềm năng cao cùng với các khoản đầu tư công nghệ khác. 

Những nhà đầu tư này lại phải chịu áp lực đảm bảo lợi nhuận ngắn hạn cho khách hàng và do đó không có ý định đầu tư lâu dài vào Bitcoin. Việc họ mất niềm tin vào cổ phiếu công nghệ cũng ảnh hưởng nặng đến thị trường Bitcoin. Khi cổ phiếu của Meta giảm 40% và Netflix giảm đến 70% từ đầu năm, cổ phiếu của sàn giao dịch tiền mã hóa Coinbase cũng đã giảm hơn 75% trong năm 2022. Nasdaq, giống như Bitcoin, do đó cũng đã tụt tới 29% kể từ đỉnh tháng 11/2021. 

Nhà phân tích Ed Moya từ công ty Forex OANDA cho biết: “Không thể chối bỏ việc giới đầu tư cá nhân vẫn tin rằng Bitcoin là “tài sản phòng ngừa lạm phát” và là “nơi trú ẩn an toàn” vào cuối năm 2021. Nhưng cuối cùng, lạm phát dâng cao trong khi Bitcoin lại tụt mất phân nửa giá trị [kể từ đỉnh tháng 11].” 

Giá trị của nhiều loại tiền mã hóa khác cũng đã rớt thê thảm. Giá Ether - tiền mã hóa với vốn hóa thị trường cao thứ 2 sau Bitcoin - đã giảm khoảng 25% từ đầu tháng 4/2022 xuống dưới 2300 USD. Một số loại tiền mã hóa vốn hóa cao khác như Solana và Cardano cũng đã chứng kiến đà giảm mạnh.

Nhiều người tin tưởng vẫn cho rằng Bitcoin vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng dài hạn và dẫn chứng nhiều lần loại tiền mã hóa này phục hồi trong quá khứ. Sau khi tiêu hàng tỷ USD mua hơn 125.000 Bitcoin và phải chứng kiến cổ phiếu công ty giảm 75% từ tháng 11/2022, CEO của công ty nghiên cứu thị trường MicroStrategy Michael Saylor đã đổ lỗi cho giới đầu tư không tin vào tiềm năng thay đổi hệ thống tài chính toàn cầu của Bitcoin. Ông Saylor cũng cho rằng tương lai sẽ chứng minh rằng những người tin vào Bitcoin đã đúng trong quyết định đầu tư của mình.

Tùng Phong (Theo The New York Times)