Cách mạng hóa tương lai của chẩn đoán và điều trị ung thư

(Chinhphu.vn) - Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ tầm soát, phát hiện, chẩn đoán ung thư, cải thiện quá trình ra quyết định lâm sàng và dẫn đến cách mạng hóa tương lai của chẩn đoán và điều trị ung thư.

Cách mạng hóa tương lai của chẩn đoán và điều trị ung thư- Ảnh 1.

Workshop "Ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế" trong khuôn khổ AI4VN 2024 - Ảnh: VGP/HG

Đây là ý kiến mà các chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra tại workshop "Ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế" diễn ra vào ngày 23/8 trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam (AI4VN).

Theo báo cáo của GLOBOCAN 2022, Việt Nam có 180.480 ca mắc mới và 120.184 ca tử vong do ung thư trong năm 2022. Ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, với các loại phổ biến nhất là ung thư vú, phổi, gan, dạ dày. 

 Phần lớn bệnh nhân ung thư Việt Nam được chẩn đoán ở giai đoạn muộn (III-IV), với tỉ lệ lên đến 70-80%. Điều này dẫn đến việc điều trị thường khó khăn và kém hiệu quả hơn.

PGS.TS Nguyễn Thị Trang, Đại học Y Hà Nội cho rằng, hiện AI ngày càng thu hút sự quan tâm và đầu tư nghiên cứu, đạt được nhiều thành công trong các lĩnh vực khác nhau. Trong ngành y tế, AI hỗ trợ trong việc phân tích hình ảnh CT và X-quang, hỗ trợ quy trình chẩn đoán phức tạp, giúp phát hiện sớm và chính xác, tránh bỏ sót tổn thương và giải quyết tình trạng thiếu hụt chuyên gia chẩn đoán.

Nhờ vậy, AI có thể khắc phục những hạn chế của quy trình chẩn đoán truyền thống và nâng cao hiệu quả chẩn đoán cho đội ngũ y tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Trang, AI nên được áp dụng trong liệu pháp tân bổ trợ, hóa trị, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm mục tiêu, chẩn đoán hình ảnh và phẫu thuật.

Đơn cử trong điều trị ung thư phổi, AI có khả năng phân tích và dự đoán tiên lượng điều trị cũng như nguy cơ kháng điều trị; kết hợp kiến thức từ nhiều chuyên ngành, giúp rút ngắn thời gian lập kế hoạch điều trị và tối ưu hóa các phương pháp điều trị hiện có.

PGS.TS Nguyễn Thị Trang cũng cho rằng AI sẽ tác động lớn đến đạo đức y học vì vậy cần có các phương pháp và công cụ để đánh giá hiệu quả của các ứng dụng AI trong y học.

Chia sẻ về ứng dụng AI trong phác đồ điều trị ung thư, TS.BS Nguyễn Hải Tuấn, Cố vấn Tin Sinh học Digosys cho rằng việc chẩn đoán bệnh muộn và thiếu thiết bị hiện đại là những yếu tố làm giảm hiệu quả điều trị ung thư. Xu hướng trên thế giới hiện nay đang chuyển dịch sang các phương pháp điều trị chính xác, xét nghiệm hồ sơ phân tử và giảm tác dụng phụ cho bệnh nhân.

Đề cập đến giải pháp Genomate của Digosys được phát triển dựa trên AI, TS.BS Nguyễn Hải Tuấn cho biết, đây là một hệ thống hỗ trợ ra quyết định lâm sàng. Nó được phát triển để tối ưu hóa điều trị ung thư, thông qua sử dụng AI nhằm chỉ định đúng thuốc đích và miễn dịch mà từng bệnh nhân cần. Qua đó, nâng cao hiệu quả điều trị và cá nhân hóa liệu pháp điều trị ung thư cho từng bệnh nhân, giúp tăng tỉ lệ sống sót, kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh. Hiện nay, Genomate đang được áp dụng cho khoảng 10.000 bệnh nhân trên thế giới.

Chia sẻ về công tác đào tạo nguồn nhân lực, PGS.TS Huỳnh Thị Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trường đang triển khai một số chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực y tế dành cho sinh viên.

TIN LIÊN QUANRa mắt Trung tâm tầm soát ung thư bằng công nghệ AI đầu tiên tại Việt NamRa mắt Trung tâm tầm soát ung thư bằng công nghệ AI đầu tiên tại Việt Nam

"Đến năm thứ ba, các sinh viên sẽ có cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp hoặc bệnh viện, giúp họ tích lũy những trải nghiệm thực tế trong ngành mà họ đang theo học và nghiên cứu. Những chương trình đào tạo này nhằm mục đích gắn kết lý thuyết với thực hành, đồng thời bổ sung thêm nguồn nhân lực và hợp tác với các chuyên gia trong ngành y, qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh", PGS.TS Huỳnh Thị Thanh Bình cho hay.

Ngày hội AI4VN do Bộ KH&CN chỉ đạo, Báo VnExpress, Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) tổ chức với sự phối hợp của Câu lạc bộ Các khoa - viện - Trường Công nghệ Thông tin -Truyền thông (FISU), bắt đầu từ năm 2018.

Sau 6 năm tổ chức, AI4VN trở thành diễn đàn quốc gia quan trọng, tập hợp nguồn lực thực hiện thành công chiến lược quốc gia về nghiên cứu, triển khai và ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Việt Nam giai đoạn 2020-2030.

AI4VN 2024 có chủ đề "Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh" (Unlock the power of Generative AI", gồm các hoạt động: AI Summit, AI Workshop, AI Expo, AI Awards; hướng mục tiêu cung cấp bức tranh toàn cảnh từ góc nhìn ứng dụng, sự hưởng ứng của doanh nghiệp trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Lê Ngọc - Hoàng Giang