Khách hàng, nhân viên, và doanh nghiệp: Đối tượng nào mới là số 1?
Tập 13 của "Cơ hội cho ai - Whose Chance" mùa 5 đã đưa ra một chủ đề tranh biện thú vị: Khách hàng là số một, hay nhân viên mới là số một?
Đỗ Thế Học, 31 tuổi, tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Hà Nội và học cao học Kiến trúc tại ĐH Nam Seoul (Hàn Quốc) khẳng định nhân viên luôn là số 1.
"Trong một công ty, nhân viên là người đồng hành, và cũng là người tìm kiếm khách hàng. Nếu trong một công ty, nhân viên không được coi trọng, khách hàng cũng sẽ không biết đến công ty, nhân viên có thể đến nhưng sẽ không ở lại. Đôi khi, các nhà quản lý cũng quên rằng nhân viên cũng là khách hàng, họ có thể giới thiệu cũng như marketing", chàng trai cũng là đồng sáng lập thương hiệu trang sức FWA bày tỏ.
Bất lợi khi trả lời sau đối thủ với một kiến thức hiển nhiên, Trần Đoàn Hùng (30 tuổi) tốt nghiệp ĐH Ngoại thương (FTU) cũng khẳng định nhân viên là số 1, nhưng anh nhấn mạnh thêm những người được coi là số 1 này phải là "nhân viên phù hợp".
"Bởi vì khách hàng là món quà của Thượng đế, chúng ta trân trọng nhưng không nhất thiết phải nhận", Hùng nói.
"Khi nhân viên không hài lòng, khó có thể chốt được deal. Còn nếu khách hàng không hài lòng thì bạn chỉ mất một khách đó. Còn nhân viên không hài lòng, bạn mất tất cả khách mà nhân viên đó phục vụ. Tôi đọc nhiều sách nước ngoài thì họ cũng chỉ ra như vậy, điều này không phải bàn cãi", sếp Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch DHFoods – chia sẻ.
Nếu nhân viên là số 1, vì sao khi suy thoái, nhân sự lại là đối tượng đầu tiên bị đẩy ra đường?
"Với quan điểm 'Nhân viên là số 1', thế vì sao vào thời kỳ suy thoái, nhân sự lại bị cắt giảm đầu tiên?", Rich kid nhà Ivy Moda ngồi ghế Sếp "Cơ hội cho ai" đặt câu hỏi.
Mặc dù là câu hỏi cho ứng viên, nhưng các sếp lại tranh nhau bày tỏ quan điểm.
Sếp Bảo Ngọc cho rằng nên đối chiếu theo 3 giai đoạn để biết đối tượng nào là số 1. Giai đoạn đầu tiên thì sản phẩm là số 1, vì cần có sản phẩm để bán. Giai đoạn startup thì khách hàng là số 1, vì cần dòng tiền. Khi trưởng thành hơn thì mới có nguồn lực tập trung vào nhân viên.
"Trong giai đoạn Startup thì Founder là ông chủ, vận hành theo kiểu công ty một thành viên. Khi có doanh số, có điều kiện mở rộng quy mô, sẽ kết nạp thêm thành viên khác cùng với mình phát triển và bán hàng", sếp Trung Hiếu của Bảo Ngọc nói.
Sếp Ngọc Lan - Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Atlantic - đồng tình với ý kiến này. Bà cho rằng khi kếu hợp cả 3 thứ trên, chắc chắn doanh nghiệp phải là số 1.
"Có doanh nghiệp mới có nhân viên, có doanh nghiệp mới có sản phẩm, mới có khách hàng. Đó là lý do nếu gặp khó khăn, tại sao nhân viên phải ném ra khỏi thuyền", bà Lan nói.
Tham gia cuộc tranh luận, sếp Dũng cho rằng khi doanh nghiệp lớn hơn bắt đầu xuất hiện các cổ đông, mà cổ đông vốn chỉ quan tâm tới lợi nhuận và đặt quyền lợi của mình lên trên.
"Khi cổ đông đưa quyền lợi của họ lên trên cùng, sẽ ép phải cắt giảm nhân sự, rất nhiều công ty lớn có thể giảm lương. Ấy là chính sách do ảnh hưởng từ cổ đông. Nếu cổ đông đặt mình xuống dưới sẽ không có tình trạng như vậy".
"Sa thải nhân viên là ông sếp tự chặt cái cành mình đang ngồi. Ông sa thải nhân viên hôm nay thì ngày mai, ông là người mất việc đầu tiên", Chủ tịch DHFoods nhận định.