Chật vật đối đầu với Grab, GoJek, Be, Xanh SM, một hãng taxi Việt vẫn “dốc hầu bao” chi hơn trăm tỷ chia cổ tức tiền mặt, cổ phiếu lập tức "bốc đầu"

Hãng taxi này từng thống lĩnh thị trường phía Nam với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng lại đánh rơi thị phần sau sự xuất hiện của các hàng xe công nghệ như Grab, GoJek, Be, Xanh SM.

CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - mã VNS) vừa thông báo về ngày đăng ký cuối cùng nhận tạm ứng cổ tức 2024 bằng tiền với tỷ lệ 15% (01 cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Theo đó, ngày chốt danh sách cổ đông là 16/5, thời gian thanh toán dự kiến vào 28/5/2024. Với hơn 67,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Vinasun dự kiến sẽ chi hơn trăm tỷ cho đợt cổ tức lần này.

Ngay sau thông tin chốt quyền cổ tức, cổ phiếu VNS đã bất ngờ tăng kịch trần phiên 9/5 lên mức 13.850 đồng/cp, cao nhất trong vòng 4 tháng. Đây là lần đầu tiên cổ phiếu này tăng kịch trần trong gần 10 tháng qua, kể từ phiên 17/7/2023. Giá trị vốn hóa thị trường tương ứng vào khoảng 940 tỷ đồng.

photo-1715244312379

Cổ phiếu VNS bất ngờ tăng dựng đứng trong bối cảnh tình hình kinh doanh của Vinasun không mấy khả quan. Quý 1/2024, Vinasun ghi nhận doanh thu 278 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi - mảng được xem là "gà đẻ trứng vàng" mang lại nguồn thu lớn nhất cho Vinasun cũng giảm hơn 14% xuống còn 230 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vinasun đạt hơn 22 tỷ đồng, giảm 58% so với mức thực hiện trong cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lãi thấp nhất của doanh nghiệp trong 8 quý, kể từ quý 1/2022.

Năm 2024, Vinasun đặt mục tiêu tổng doanh thu kinh doanh đạt 1.106 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Đặc biệt, lợi nhuận dự kiến giảm sâu 47% xuống còn 81 tỷ đồng do lĩnh vực kinh doanh taxi năm nay chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt, cộng thêm công ty điều chỉnh chính sách hỗ trợ lái xe và tỷ lệ chia doanh thu.

photo-1715244329685

Ra mắt từ năm 2003, Vinasun từng là hãng taxi thống lĩnh thị trường phía Nam với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, sự xuất hiện và phát triển thần tốc của các hàng xe công nghệ như Grab, GoJek, Be đã khiến miếng bánh thị phần của "ông lớn" Vinasun ngày càng thu hẹp, kéo theo kết quả kinh doanh cũng "đi lùi" kể từ năm 2016.

Sau đại dịch Covid, Vinasun tiếp tục phải đối mặt với thêm những áp lực cạnh tranh từ hãng taxi thuần điện đầu tiên có thương hiệu Xanh SM. Lợi nhuận của Vinasun bắt đầu đi xuống rõ hơn từ quý 2/2023 - trùng với thời điểm hãng taxi Xanh SM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ra mắt tại TP.HCM.

Theo Mordor Intelligence, sự xuất hiện của Xanh SM trong năm 2023 đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành gọi xe công nghệ Việt Nam, làm xáo trộn thứ hạng, thị phần của các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành. Trả lời về vấn đề này, ông Trần Anh Minh – Phó Tổng Giám đốc Vinasun thừa nhận thị phần của Vinasun bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của Xanh SM.

Để vượt qua khó khăn và gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường, Vinasun dự kiến năm 2024 sẽ đầu tư 700 chiếc taxi hybrid (với tổng mức đầu tư khoảng 630-650 tỷ đồng), nếu thuận lợi có thể tăng lên 1.000 xe. Đây là một phần trong chiến lược phát triển dài hạn của Vinasun, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.