Đầu tháng 11, mạng xã hội xôn xao khi phát hiện 4 cá thể chuột túi được xác định là chủng Wallaby cổ đỏ ở tỉnh Cao Bằng. Cả 4 con chuột túi này đều do nhóm buôn lậu vứt lại trên đường vận chuyển trái phép qua biên giới.
Ngày 12/11, sau khi phát hiện 4 con chuột túi, Tập đoàn Kangaroo đã đồng ý tài trợ kinh phí để chăm sóc cho 4 con vật này.
Ngày 16/11, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 4 cá thể chuột túi này.
Đến chiều ngày 21/11/2023, tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên, Tập đoàn Kangaroo Việt Nam đã cử đại diện đến trao số tiền hỗ trợ chăm sóc cá thể Chuột túi.
Bà Vũ Hồng Giang - đại diện Tập đoàn Kangaroo cho biết, Tập đoàn Kangaroo Việt Nam đã đề nghị xin được hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện chăm sóc cho các cá thể Chuột túi và đặt tên cho 1 cá thể cái số 3 là “Kangaroo way”.
Mức hỗ trợ theo biên bản hợp tác là 60 triệu đồng trong thời gian 1 năm.
Hoạt động tài trợ chăm sóc cho chuột túi này của Tập đoàn Kangaroo có thể coi như một hoạt động marketing của Tập đoàn. Ngay khi thông tin về chuột túi xuất hiện tại Việt Nam, fanpage của Tập đoàn Kangaroo đã có màn "bắt trend" Kangaroo kiểu Úc - Kangaroo kiểu Việt bùng nổ tương tác với 24.000 lượt like với hàng trăm comment.
12 năm trước, Tập đoàn Kangaroo trở nên nổi tiếng với người tiêu dùng Việt Nam với màn quảng cáo 'gây ám ảnh' trong trận chung kết cúp C1 năm 2011.
Theo đó, chỉ với câu quảng cáo "Cạch. Kangaroo, máy lọc nước hàng đầu Việt Nam", đoạn quảng cáo này đã lặp lại 54 lần trong giờ nghỉ giải lao trận chung kết cúp C1 năm 2011 giữa Manchester United và Barcelona. Tuy có nhiều ý kiến cho rằng đoạn quảng cáo trên gây khó chịu nhưng không thể phủ nhận hiệu quả truyền thông nó mang lại khiến nhiều người biết đến sản phẩm máy lọc nước Kangaroo.
Tập đoàn Kangaroo (Công ty CP Tập đoàn Điện lạnh Điện máy Việt Úc) được thành lập vào tháng 6/2003 có 3 cổ đông sáng lập gồm ông Nguyễn Thành Phương - Chủ tịch HĐQT, ông Lê Xuân Hoàn - Tổng giám đốc và bà Mai Thị Sen với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Thiết bị điện lạnh Việt Úc.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thành Phương từng ao ước đến viễn cảnh: “Mỹ có Apple, Nhật Bản có Honda, Hàn Quốc có Samsung và Việt Nam có Kangaroo”.
Tháng 12/2017, Tập đoàn Kangaroo đã tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ lên 700 tỷ đồng, và đến tháng 12/2021 hạ vốn điều lệ về 440 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, từ năm 2015-2020, doanh thu của Tập đoàn đã tăng trưởng liên tục. Còn lợi nhuận sau thuế, sau năm 2018, lợi nhuận giảm từ 60 tỷ về 55 tỷ, sang năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Kangaroo đã tăng 120% và năm 2020 tăng tiếp 85%.
Tập đoàn này hiện đang kinh doanh trong 5 mảng chính bao gồm: máy lọc nước, hàng gia dụng, thiết bị nhà bếp, điện lạnh và thiết bị vệ sinh.
Nhà máy mới của Tập đoàn Kangaroo
Kangaroo cho biết nhà máy mới của Tập đoàn tại xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đang là nhà máy sản xuất máy lọc nước lớn nhất Việt Nam với diện tích sử dụng hơn 100.000m2. Được biết, Kangaroo có tổng vốn đầu tư cho các giai đoạn là hơn 6.000 tỷ đồng.
Với việc đưa vào sử dụng nhà máy mới, Kangaroo dự kiến sẽ đạt công suất 10 triệu sản phẩm gia dụng/năm để phục vụ nhu cầu hàng hóa trong nước cũng như xuất khẩu quốc tế.