Chính sách phát triển công trình xanh và vật liệu tiết kiệm năng lượng thân thiện môi trường

Kể từ mốc năm 2005 khi Nghị định 102/2005/NĐ-CP của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành, qua gần 20 năm thực hiện, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng nhìn chung việc thực hiện các nội dung về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực xây dựng, sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng có tính năng tiết kiệm năng lượng nói riêng còn nhiều hạn chế và thách thức.

Hiện trạng một số văn bản, chính sách 

Trong những năm qua, cùng với quá trình tăng trưởng nhanh của cả nền kinh tế Việt Nam, tốc độ tăng trưởng ngành Xây dựng trung bình đạt khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa hiện khoảng 40,5% kéo theo những áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng.

Phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh và thúc đẩy nghiên cứu sản xuất, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu có tính năng tiết kiệm năng lượng đã và đang là một trong những ưu tiên của ngành Xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam.

Thực tế đã chứng minh loại hình công trình này mang lại hiệu quả nhiều mặt về môi trường, xã hội với những lợi ích kinh tế rõ rệt. Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã quan tâm đưa nội dung thúc đầy phát triển các loại hình công trình này vào các cam kết quốc tế, luật, chương trình, đề án... Việt Nam cam kết đến năm 2050 sẽ cắt giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường 9% với nỗ lực trọng nước và có thể đạt 27% với sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế thông qua đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Các cam kết đã và đang được hiện thực hóa trong nhiều chính sách như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2050; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2050 tầm nhìn đến năm 2045”. Tại Hội nghị COP 26 cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh cũng đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị quyết số 06NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2050 tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị định 09/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý VLXD cũng có chính sách và quy định khuyến khích, thúc đầy phát triển VLXD sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Các cơ chế ưu đãi về tài chính cho các dự án đầu tư công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường được quy định tại một số các văn bản, chính sách trong lĩnh vực ưu đãi đầu tư, phát triển công nghệ cao, phát triển vật liệu mới, bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế còn gặp nhiều rào cản và chưa mang tính đại trà, rộng rãi.

Thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26, nhiều chính sách, quy định đã được ban hành và đưa vào thực hiện. Theo quy định của Nghị định 06/2022/NĐ-CP, đối với các tòa nhà có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 5.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên thì phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Các cơ sở phát thải nhiều khí nhà kính cũng phải xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, so với nhiều nước phát triển trên thế giới và khu vực, trình độ công nghệ, nhân lực, quản lý, thiết bị, kỹ thuật xây dựng, điều kiện tiện nghỉ các công trình ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hiện chúng ta chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí “Net Zero”. Đó là thách thức lớn khi cái đích năm 2050 chỉ còn hơn 27 năm.

Kết quả thực hiện 
Về phát triển công trình xanh, qua hơn 10 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 200 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 6 triệu m2 sàn xây dựng. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Về cấp chứng chỉ năng lượng cho công trình, trong khuôn khổ dự án EECB-UNDP/BXD, đã thử nghiệm đánh giá, cấp chứng chỉ năng lượng cho 30 công trình.

Về việc nghiên cứu, sản xuất, sử dụng các loại sản phẩm, VLXD sử dụng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, có tính năng tiết kiệm năng lượng, hiện trên thị trường Việt Nam đã có nhiều sản phẩm, vật liệu đáp ứng các yêu cầu nêu trên. Mặc dù đã có một số dự án sản xuất VLXD có tính năng tiết kiệm năng lượng được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ như dự án sản xuất kính tiết kiệm năng lượng của Tổng công ty Viglacera nhưng nhìn chung, quá trình nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm, sử dụng rộng rãi các sản phẩm, vật liệu có tính năng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường chủ yếu mới chỉ đến từ những nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm, VLXD. Hiện còn thiếu các hoạt động mang tính rộng rãi, toàn diện của nhà nước, của các tổ chức tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Các thách thức và cơ hội 

Kể từ mốc năm 2005 khi Nghị định 102/2005/NĐ-CP của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành, qua gần 20 năm thực hiện, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng nhìn chung việc thực hiện các nội dung về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực xây dựng, sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng có tính năng tiết kiệm năng lượng nói riêng còn nhiều hạn chế và thách thức, cụ thể là:

1. Khó tiếp cận những ưu đãi cụ thể về tài chính cho các dự án sản xuất các sản phẩm, VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

2. Thiếu các quy định bắt buộc hoặc khuyến khích để đánh giá, chứng nhận, dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm, VLXD sử dụng trong công trình.

3. Nhận thức và sự quan tâm của các đối tượng liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị quản lý vận hành, người sử dụng công trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn chưa đầy đủ.

4. Chưa có quy định bắt buộc đối với các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo phải đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh.

Bên cạnh những hạn chế và thách thức nêu trên, cùng với áp lực giá cả nguyên vật liệu, năng lượng tăng cao, nguồn cung hạn chế và những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về bảovệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính cũng tạo ra những cơ hội để phát triển mạnh các loại sản phẩm, hàng hóa, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường sử dụng trong các công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, công trình phát thải thấp.

Với sự nâng cao về đời sống và thu nhập của người dân, vấn đề đảm bảo sức khỏe, điều kiện tiện nghỉ trong công trình cũng sẽ được quan tâm hơn. Các yêu cầu kỹ thuật quy định trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng không khí trong nhà, đảm bảo tiện nghỉ, hạn chế tác động của vi sinh vật, nấm mốc... đã và đang được xây dựng, ban hành và đưa vào áp dụng cũng sẽ tạo động lực để nghiên cứu, phát triển, sản xuất, sử dụng các loại sản phẩm, VLXD có tính năng tiết kiệm năng lượng, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, thân thiện môi trường, giảm phát thải và đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.

Quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, sự tham gia vào chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu cũng sẽ đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm, VLXD, các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành các công trình xây dựng trong việc phải tuân thủ và áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn và thực hiện việc đánh giá, chứng nhận, dán nhãn năng lượng, nhẫn sinh thái các sản phẩm, VLXD sử dụng trong công trình cũng như của toàn bộ công trình.

Nhiều quốc gia và nhiều tập đoàn, công ty, nhà sản xuất trên thế giới đã và đang xây dựng, áp dụng các Công bố môi trường của sản phẩm - EPD (Environmental Product Declaration). Ở Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp, nhà sản xuất thực hiện việc xây dựng, công bố môi trường cho sản phẩm của mình, trong đó có một số nhà sản xuất sản phẩm, VLXD. Công bố môi trường của sản phẩm sẽ bao gồm các thông tin về tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, phát thải khí nhà kính, thời gian phân hủy của sản phẩm... Đây sẽ là xu hướng chung mà các nhà sản xuất, phân phối sản phẩm, VLXD cần quan tâm và có định hướng áp dụng, thực hiện trong thời gian tới.