Ngày 25/8, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (MLIT) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Chính sách và giải pháp thoát nước thích ứng với biến đổi khí hậu” với mục tiêu chia sẻ thông tin, thảo luận về chính sách, tìm các giải pháp hợp lý nhằm ứng phó với BĐKH.

Sáng kiến nước Kumamoto
Hội thảo có sự tham gia của hàng trăm khách mời đến từ các cơ quan Bộ Xây dựng, Bộ MLIT, Cơ quan JICA cùng các tổ chức quốc tế, các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng cho biết, những năm gần đây biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng diễn biến phức tạp, khó lường và cực đoan hơn. Mưa lớn hoặc mưa lớn kèm theo triều cường dẫn đến tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra tại các đô thị Việt Nam gây nhiều tổn thất về người, môi trường, xã hội và kinh tế. Đồng thời, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều của BĐKH và nước biển dâng.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng với việc hình thành nhiều khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn tập trung, kéo theo việc bê tông hóa, giảm diện tích thấm, ao hồ, kênh rạch mang nhiệm vụ trữ nước, tiêu thoát nước. Việc quản lý cao độ nền của đô thị chưa được thật sự chặt chẽ và quyết liệt. Hệ thống thu gom nước mưa của các đô thị được xây dựng nhiều năm và đã xuống cấp, kích thước cống được tính toán chưa bao gồm ảnh hưởng của BĐKH.
Trong thời gian qua, hiệu quả của chính sách về phát triển đô thị, thoát nước, phòng chống ngập úng, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH của Việt Nam đã có những thành tựu và cải thiện nhiều về nội dung, là cơ sở cho các hoạt động của địa phương, doanh nghiệp, cá nhân triển khai các hoạt động đầu tư các dự án thoát nước và xử lý nước thải theo hướng tiếp cận cập nhật thêm các biện pháp ứng phó và thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, vẫn cần các giải pháp hay và hiệu quả nhằm rút ngắn thời gian thực hiện, tối ưu trong đầu tư xây dựng, đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc.
Bà Mai Thị Liên Hương khẳng định, việc nghiên cứu các chính sách và khuyến khích và các giải pháp thoát nước thích ứng với BĐKH trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.
Ông Atsuchi Tajima - Giám đốc Văn phòng Đối ngoại và xây dựng, Cục Quản lý thoát nước và nước thải, Bộ MLIT cho biết, kể từ khi 2 nước ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thoát nước, việc sửa đổi các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như đào tạo nhân lực và nhiều hoạt động khác đã được thực hiện. Trong hội thảo hôm nay, hai bên trao đổi nhiều thông tin liên quan đến các công nghệ thoát nước mới nhất cũng như các hoạt động của hai nước trong lĩnh vực thoát nước.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về nước tổ chức tại TP Kumamoto vào tháng 4/2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio công bố Sáng kiến nước Kumamoto hỗ trợ khoảng 500 tỷ Yên cho 5 năm tới bao gồm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng thông qua việc cung cấp công nghệ hỗn hợp có thể đạt được cả các biện pháp thích ứng và giảm thiểu BĐKH.
Tuyên bố Kumamoto đã được thông qua như một tuyên bố về quyết tâm của nguyên thủ các nước tham gia. Dựa trên kết quả của hội nghị thượng đỉnh này sẽ là những nỗ lực triển khai công nghệ Nhật Bản ở nước ngoài thông qua quan hệ đối tác công tư bằng cách tiếp cận các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước đối tác theo nhu cầu và giai đoạn của các nước, trong đó có Việt Nam.

Một số giải pháp chống ngập cho Việt Nam
Với thực trạng ngập úng tại một số đô thị lớn của Việt Nam hiện nay, ThS Lương Ngọc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thoát nước và xử lý nước thải, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng đề xuất 2 nhóm giải pháp trong ngắn hạn và lâu dài. Trong đó, trong ngắn hạn cần có phương án xử lý tại các tuyến đường dự báo khả năng xuất hiện ngập, phối hợp và nâng cao hiệu quả của công tác dự báo thời tiết và chuẩn bị ứng phó ngập úng;
Duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, khơi thông dòng chảy, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước đạt năng lực thoát nước 100%; Kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm thoát nước để tăng khả năng thoát nước, tại các vị trí ngập úng tăng cường lắp bơm di động để giảm thiểu mức độ và thời gian úng ngập;
Đặc biệt, cần công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trong phạm vi địa phương theo quy định của khoản 7 Điều 60 Luật Tài nguyên nước để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước.
Về lâu dài, ông Lương Ngọc Khánh cho rằng cần quy hoạch đô thị, công trình không được tạo ra vùng ngập úng cục bộ, các đô thị cần xác định cao độ nền khống chế cho toàn đô thị, điều chỉnh và tính toán lại hệ thống thoát nước, cập nhật danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp vào quy hoạch;
Ưu tiên nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực thoát nước, tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình thoát nước theo quy hoạch, kế hoạch, đẩy nhanh xử lý các điểm ngập úng cục bộ;
Tăng cường các giải pháp phi công trình, tăng diện tích và dung lượng chứa nước, điều hòa, hạn chế cống hóa các dòng sông, suối, kênh, mương trong đô thị;
Bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công trình giảm ngập, úng, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành công trình thoát nước.
Cũng tại Hội thảo, đã có nhiều giải pháp giảm thiểu BĐKH do chuyên gia Nhật Bản chia sẻ, trong đó phải kể đến công nghệ, biện pháp chống ngập lụt như một biện pháp thích ứng với BĐKH như xây dựng bằng công nghệ khoan kích ngầm tại Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2 hay Dự án phát triển hệ thống thoát nước Yên Xá tại TP Hà Nội.
Công nghệ khoan kích ngầm cũng được áp dụng tại Indonesia với Dự án xây dựng kênh phân lũ ngầm sông Ciliwung ở Jakarta hay dự kiến áp dụng tại Dự án phát triển hệ thống thoát nước tại Đặc khu Thủ đô Jakarta.
Bên cạnh đó, các chuyên gia Nhật Bản cũng chia sẻ giải pháp sử dụng bùn thải làm tài nguyên/năng lượng để giảm thiểu BĐKH ở Nhật Bản.
Sử dụng bùn thải có hiệu quả như một biện pháp có hiệu quả đối phó với BĐKH, đồng thời cũng giảm chi phí điện mua thông qua sản xuất điện từ khí sinh học sử dụng chất hữu cơ trong bùn thải. Bệ tự hoại được lắp đặt để sản xuất khí sinh học giúp giảm lượng bùn, giảm chi phí xử lý bùn. Sử dụng toàn bộ lượng bùn còn lại làm phân trộn...
Cam kết và các biện pháp thích ứng và giảm thiểu BĐKH của Thủ tướng Nhật Bản hoàn toàn phù hợp và có khả năng hỗ trợ cho việc cam kết về BĐKH của Việt Nam cũng như xu hướng đầu tư vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chống ngập, úng tại nhiều đô thị của nhiều địa phương tại Việt Nam như: Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang… chứ không chỉ là các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng. Từ đó cũng đặt ra nhiều hướng đi cho việc nghiên cứu các giải pháp phù hợp, sự hợp tác giữa các cơ quan của 2 nước Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.