Chủ tịch Phát Đạt: Năm 2025 lợi nhuận có thể đạt trên 9.000 tỷ đồng

Đạt diện Phát Đạt cũng cho rằng 3 năm tới vốn hóa PDR có thể đạt 5-7 tỷ USD nhờ lợi nhuận tăng trưởng cao, quỹ đất mở rộng... tác động tích cực đến cổ phiếu.

Ngày 26/3, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Tại đây, đại diện Ban lãnh đạo công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh thời gian tới và trả lời nhiều thắc mắc của cổ đông xoay quanh sự phát triển trong tương lai của Phát Đạt.

Năm 2022, PDR đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh với doanh thu 10.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.635 tỷ đồng, tăng 55% so với thực hiện năm 2021. Nếu hoàn thành kế hoạch, năm 2022 sẽ là năm đầu tiên PDR vượt ngưỡng lợi nhuận 3.500 tỷ đồng. Các cổ đông đặt câu hỏi liệu tỉ lệ tăng trưởng cao có gây áp lực trong dài hạn. 

Ban lãnh đạo cho biết kế hoạch này nằm trong chiến lược 5 năm của công ty, cụ thể, kế hoạch 5 năm (2019-2023) khoảng 14.270 tỷ đồng. "Kết quả kinh doanh trong 3 năm 2019, 2020, 2021 đã minh chứng cho điều này. Đây là năm thứ 4 của công ty trong kế hoạch. Hiện công ty còn nhiều quỹ đất vẫn chưa đưa vào kế hoạch này, do vậy việc đầu tư vào cổ phiếu PHR rất khả thi và tiềm năng" - ban lãnh đạo trả lời cổ đông. 

Bất động sản - Chủ tịch Phát Đạt: Năm 2025 lợi nhuận có thể đạt trên 9.000 tỷ đồng

Cổ phiếu Phát Đạt tăng phi mã năm vừa rồi, hiện dừng tại mức 94.200 đồng. Với hơn 492 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa PDR khoảng 46.420 tỷ đồng. (Ảnh: FireAnt)

Cổ đông Phát Đạt cũng đặt ra câu hỏi liên quan đến các khoản vay hiện tại của doanh nghiệp bất động sản này. Theo đó, hầu hết các khoản vay của công ty là ngắn hạn, trong khi việc hoạt động khai thác các dự án bất động sản lại cần dòng tiền chi lớn và thời gian triển khai lâu dài. Nhiều cổ đông lăn tăn liệu điều này có gây ra rủi ro cho sự phát triển của doanh nghiệp. 

Đại diện Phát Đạt cho biết doanh nghiệp phát triển nhưng bền vững và chú trọng vào dòng tiền. Trước nay, công ty vay ngắn hạn nhiều, giờ đang chuyển dần qua vay trung hạn và năm nay sẽ huy động vốn nước ngoài tài trợ các hoạt động trung và dài hạn. Về vấn đề dòng tiền, các dự án ngắn hạn sẽ đưa về dòng tiền nhanh.

Mới đây, PDR đã ký kết hợp tác cùng ACA Investment Pte Ltd (ACA), một công ty quản lý quỹ thuộc Tập đoàn Daiwa Securties Nhật Bản với mức đầu tư vào công ty cao hơn thị trường 35%.

"Bản thân công ty cũng tập trung rất kỹ vào quản trị rủi ro và tạo dòng tiền đều đặn, liên tục nhắm đến mục tiêu phát triển bền vững" - đại diện doanh nghiệp trả lời thắc mắc của cổ đông. 2 hôm trước, ACA đã đầu tư 30 triệu USD vào Phát Đạt bằng hình thức khoản vay có quyền chuyển đổi thành cổ phần. Mức chuyển đổi là 120.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu PDR chốt phiên giao dịch ngày 25/3 đạt 94.200 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường của Phát Đạt hiện giảm nhẹ so với mức đỉnh song vẫn đạt trên 2 tỷ USD (khoảng 46.420 tỷ đồng) và nằm trong top 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Tp.HCM.

Lý giải đà tăng mạnh năm vừa rồi, đạt diện Phát Đạt chỉ ra nguyên nhân do thị trường chứng khoán diễn biến thuận lợi, nhưng nhấn mạnh cốt lõi vẫn là công ty đã bám mục tiêu này suốt nhiều năm và năm ngoái có sự thể hiện tốt về mặt tài chính, phát triển dự án và mở rộng quỹ đất.

"Với kế hoạch lợi nhuận mà Phát Đạt dự kiến sẽ đạt được trong những năm tới thì thì chúng tôi nghĩ rằng năm 2025 giá trị vốn hóa của PDR sẽ đạt 5-7 tỷ USD. Lúc đó, các dự án mà PDR theo đuổi đã thực hiện thành công, với nhiều quỹ đất mới được cộng thêm thì chúng tôi dự kiến năm 2025 lợi nhuận của công ty sẽ đạt trên 9.000 tỷ đồng" - đại diện Phát Đạt khẳng định.

Năm vừa rồi, Phát Đạt ghi nhận doanh thu thuần giảm hơn 7% về 3.620 tỷ đồng nhưng mức độ hiệu quả trong kinh doanh cao khi lãi sau thuế tăng 52% lên gần 1.861 tỷ đồng, mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp.

Kế hoạch trước đó Phát Đạt đặt ra là doanh thu 4.700 tỷ và lợi nhuận sau thuế 1.868 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp mới thực hiện được 77% chỉ tiêu doanh thu và xấp xỉ mục tiêu lợi nhuận.

Tổng tài sản của Phát Đạt năm 2021 cũng tăng đáng kể từ khoảng 15.600 tỷ lên trên 20.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần tăng chủ yếu ở khoản mục hàng tồn kho khi đến cuối năm đã tăng hơn 2.800 tỷ đồng trong một năm lên gần 12.200 tỷ đồng, chiếm 59% tổng tài sản.

Nợ phải trả của Phát Đạt tính đến hết năm 2021 đạt hơn 12.400 tỷ đồng. Trong đó, tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn hơn 3.400 tỷ đồng, tăng thêm 1.500 tỷ so với hồi đầu năm.