Chủ tịch VCCI: 3 dự án luật sắp được thông qua là cơ hội lịch sử của BĐS

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, việc các bộ luật liên quan đến bất động sản được thông qua vào cuối năm 2023 sẽ giải quyết các vấn đề còn tồn đọng thị trường.

Chính phủ quyết liệt các chính sách hỗ trợ

Tại Diễn đàn "Phát triển bền vững thị trường bất động sản và trao chứng nhận cho các dự án đáng sống 2023" sáng 22/9, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, bất động sản là thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế quốc dân của Việt Nam.

Thị trường bất động sản vừa có hệ sinh thái riêng, vừa có quan hệ trực tiếp với các thị trường khác như: thị trường tài chính, thị trường lao động...

Trên thực tế, ông Công cho biết nhìn nhận vai trò quan trọng của lĩnh vực bất động sản, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã không ngừng quan tâm và ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ thị trường hồi phục, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Cụ thể, chỉ trong nửa đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành gần 10 Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, cùng với đó là nhiều cuộc họp với các Hiệp hội, doanh nghiệp bất động sản đầu ngành được tổ chức để tìm ra hướng giải quyết những khó khăn trên thị trường.

Bất động sản - Chủ tịch VCCI: 3 dự án luật sắp được thông qua là cơ hội lịch sử của BĐS

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33, trong đó nêu một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và mới đây cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn cũng như lâu dài để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Cùng với đó, tổ công tác cùng Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, tích cực triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả cụ thể ban đầu.

Tuy vậy, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn nhìn nhận, theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn gặp rất nhiều vấn đề khó chồng khó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý giảm.

Cụ thể, quý I/2023 chỉ có 940 doanh nghiệp mới thành lập, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022, bên cạnh đó số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn cũng lần lượt đạt 341 doanh nghiệp, tăng 30,2% và 1.816 doanh nghiệp, tăng 60,7% so với cùng kỳ năm trước.

“Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại”, Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Cơ hội lịch sử của thị trường BĐS

Bên cạnh vấn đề về pháp lý, Chủ tịch VCCI cho rằng hệ thống chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai đang tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là Luật Đất đai 2013 sau gần 10 năm áp dụng đã cho thấy những bất cập khi chưa theo kịp hay chưa đủ chi phối những tình huống mới của thị trường bất động sản.

Trong khi đó, Luật Đất đai có phạm vi điều chỉnh quan hệ sở hữu đất đai, sử dụng đất đai, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện các Luật có liên quan đến bất động sản lại mâu thuẫn, chồng chéo. Những mâu thuẫn, chồng chéo này đã gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện, làm giảm hiệu lực, hiệu quả các quy định của pháp luật, dẫn tới chưa khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bất động sản - Chủ tịch VCCI: 3 dự án luật sắp được thông qua là cơ hội lịch sử của BĐS (Hình 2).

Dự án Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua vào Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khoá XV vào tháng 10 sắp tới (Ảnh: Hữu Thắng).

Ông Phạm Tấn Công cũng cho biết, hiện tại Luật Đất đai 2013 đang được sửa đổi, đã qua hai kỳ họp Quốc hội thảo luận và có thể sẽ thông qua tại kỳ họp tới. Thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 vừa qua cũng đã thảo luận cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

"Như vậy sẽ có một cơ hội lịch sử là cả 3 dự án luật quan trọng nhất với ngành bất động sản sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại cùng một kỳ họp - Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023. Các đạo luật này sẽ tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, cũng như tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, thị trường nhà ở và nền kinh tế", ông Công nói tại Diễn đàn.

Trong chương trình Diễn đàn dự kiến sẽ trao chứng nhận Dự án đáng sống 2023 cho những dự án bất động sản có không gian sống trong lành, gần gũi thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho cư dân thường tạo sức hút lớn cho người mua.

Lãnh đạo của VCCI lưu ý đối với các doanh nghiệp có sản phẩm bất động sản được trao chứng nhận, việc được bình chọn, tôn vinh trong Chương trình Dự án đáng sống sẽ là một sự khuyến khích rất lớn để các doanh nghiệp cùng ngành phấn đấu tốt hơn trong các dự án sẽ được phát triển trong tương lai, qua đó đóng góp chung vào cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị.

“Đặc biệt, trong bức tranh tổng thể của thị trường bất động sản, tôi tin tưởng Chứng nhận “Dự án đáng sống” đã tạo nên những nét vẽ chấm phá tươi sáng cho các không gian sống đô thị, đồng thời góp phần truyền cảm hứng và định hướng phát triển đô thị văn minh, hiện đại tại Việt Nam”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.