Khắp nơi “sốt đất”
Ghi nhận của PV Tiền Phong, thời gian qua, nhà đầu tư bất động sản ở các tỉnh, thành phố đổ bộ về vùng quê, nhất là khu vực có kế hoạch phát triển dự án cầu đường. Những huyện thuần nông tại Bình Dương, Bình Phước, đất đang canh tác bỗng xuất hiện đông đảo người đến mua giá cao.
“Họ hỏi mua nguyên lô đất gần 1ha, nói để làm thủ tục phân lô, tách thửa. Đất nhà tôi nằm mặt tiền đường nên đang chần chừ còn các hộ nằm sâu phía sau ai hỏi đều bán”, ông Nguyễn Tuấn (ngụ xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) cho biết.
Theo ông Tuấn, từ khi có thông tin huyện Dầu Tiếng quy hoạch khoảng 10.000 ha làm khu, cụm công nghiệp, môi giới bất động sản tìm đến khiến khu vực nhộn nhịp. Khi mua xong đất, nhà đầu tư lớn bắt đầu làm hồ sơ đăng ký phân lô, tách thửa, băm nhỏ các lô đất lớn và chào bán cho các nhà đầu tư nhỏ với lợi nhuận từ 200 - 300% so với số vốn bỏ ra ban đầu.
Sốt đất khu vực dự kiến xây cầu Mã Đà nối Bình Phước và Đồng Nai
Hay vào cuối tháng 3/2022, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị Thủ tướng Chính phủ việc xây cầu Mã Đà kết nối Đồng Nai để rút ngắn quãng đường 60km về sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải.
Lập tức khu vực đường ĐT.753 đoạn từ xã Tân Hưng đến ấp Thạch Mang (xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) đã nhộn nhịp cảnh mua bán đất. Những ngày qua, “cò đất” khắp nơi nườm nượp đổ về dùng chiêu trò tạo ra một cơn “sốt đất” vùng Mã Đà, nơi định xây cầu nối Bình Phước- Đồng Nai.
“Đất bên đường ĐT.753, khu vực gần dự án cầu Mã Đà mỗi mét ngang trước đây khoảng 60-80 triệu đồng nay được rao bán với giá đến 300 triệu đồng, thậm chí có chỗ cao hơn”, một người dân ở xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) chia sẻ.
Nguy cơ “kẻ vướng lao lý, người mất của” vì sốt đất
Câu chuyện “sốt đất” ở Bình Dương, Bình Phước không đơn thuần chỉ gây ra hệ lụy làm xáo trộn lĩnh vực bất động sản, mất an ninh trật tự mà để lại những hậu quả nghiêm trọng. Trong khi cơn “sốt đất” đang nhộn nhịp ở một số nơi thì đâu đó lại xảy ra các vụ tranh chấp, kiện cáo, trước nguy cơ “kẻ vướng lao lý, người mất của”.
Cụ thể, TAND huyện Đồng Phú (Bình Phước) cho biết, đơn vị đang thụ lý đơn của ông L.V.N. (ngụ Bình Dương) khởi kiện bà L.T.T.L. (ngụ Bình Dương) liên quan đến giao dịch mua bán đất đai tại huyện Đồng Phú.
Theo đó, bà L. tự nhận là người có đầy đủ quyền đối với các lô đất bao gồm 39 sổ hồng tách từ thửa đất số 26, tờ bản đồ số 37 toạ lạc tại ấp Phước Tiến, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú nên đã ký kết hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông N. với giá gần 20 tỉ đồng.
Nhà đầu tư tìm đến khu vực nông thôn để mua bán đất |
Sau đó, phía ông N. đã thanh toán 3 tỉ đồng theo tiến độ ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, bà L. không thực hiện các bước tiếp theo để hoàn thành thủ tục pháp lý khu đất. Đáng nói, dù đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông N. nhưng bà L. tiếp tục thực hiện nhận tiền đặt cọc của nhiều người khác cùng một khu đất.
Liên quan đến mua bán đất ở một khu đất khác xảy ra tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, Công an tỉnh Bình Dương đang thụ lý giải quyết đơn tố cáo của ông H.V.L. (quê Nghệ An) tố ông N.C.T. (ngụ Bình Dương) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đơn của ông L. từ lời giới thiệu của ông T. vợ chồng ông đã bỏ gần 2 tỉ đồng đồng để mua 6 lô đất gần khu công nghiệp ở huyện Chơn Thành. Tuy nhiên, sau khi đã thanh toán đủ tiền và thời gian theo cam kết, bên bán không thực hiện các thủ tục pháp lý chuyển nhượng theo quy định, cũng không có đất để giao. Sau khi đòi đất và lấy lại tiền không được, ông L. đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an.
Tương tự, ông N.V.T. (ngụ Bình Dương) tố cáo bà Trần Thị Thúy Liễu về hành vi lừa đảo khi thực hiện nhận tiền chuyển nhượng 4 lô đất ở xã Định Thành, xã Định Hiệp (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) với giá 1,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó bà Liễu không có đất để giao vì đã chuyển nhượng cùng lô đất đó cho nhiều người khác. Đối với vụ án này, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, Cơ quan CSĐT đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Liễu. Bước đầu xác định, Liễu lừa hàng chục người với số tiền 85 tỉ đồng.
Đồng loạt ra công văn ngăn hệ lụy
Để ngăn chặn hệ lụy do sốt đất ảo, UBND huyện Đồng Phú (Bình Phước) đã có công văn gửi Công an huyện, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND các xã, thị trấn, yêu cầu tăng cường quản lý đất đai, xây dựng, khai thác khoáng sản tại các xã. Công văn yêu cầu các xã tăng cường kiểm tra sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản và hoạt động xây dựng trên địa bàn, nơi nào để xảy ra vi phạm trong quản lý đất đai thì chủ tịch UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, các huyện Bù Đăng, Lộc Ninh và TP Đồng Xoài của tỉnh Bình Phước cũng ra văn bản không được tự ý mở đường khi không có quy hoạch; không để xảy ra tình trạng người dân tự ý mở đường, phân lô, tách thửa đất nông nghiệp khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước; các địa phương thông tin công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm hạn chế tác động của việc môi giới, quảng cáo sai sự thật về các "dự án ma"
'
Tiền phong