Thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ đảo chiều tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần 22/4 với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. Kết phiên, VN-Index tăng 15,37 điểm (1,31%) để lên 1.190 điểm, song thanh khoản khớp lệnh trên HOSE giảm mạnh khi chỉ đạt xấp xỉ 14.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng hôm nay diễn biến đầy tích cực với 22/27 mã tăng giá, 2 mã giảm và 3 mã đứng giá tham chiếu.
Trong đó, TPB của TPBank dẫn đầu toàn ngành ngân hàng về mức tăng giá khi 'xanh' hơn 5,4% lên 17.500 đồng/cp. Cổ phiếu TPBank hồi phục mạnh mẽ trong bối cảnh ngân hàng sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vào ngày mai 23/4.
Tại đại hội năm nay, TPBank đề xuất kế hoạch lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 34,2% so với năm trước. Ngân hàng này hiện vẫn để ngỏ kế hoạch trả cổ tức trong năm nay, song theo chia sẻ của Chủ tịch Đỗ Minh Phú tại Đại hội năm 2023, TPBank có thể sẽ tiếp tục thực hiện việc chia cổ tức cho các cổ đông bằng hai phần tiền mặt và cổ phiếu trong các năm tới. Tỷ lệ chia cổ tức sẽ được HĐQT cân nhắc theo từng thời điểm, nhưng phần tiền mặt sẽ chiếm đáng kể. Trong năm 2023, nhà băng này đã chi khoảng 3.955 tỷ đồng để thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu EIB của Eximbank cũng bật tăng hơn 4,2% sau khi mất 9% giá trị trong tuần trước. Theo kế hoạch, Eximbank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 26/4 tới. Tại đại hội năm nay, Eximbank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch dùng 1.741 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 10%, thông qua hai hình thức là cổ phiếu (7%) và tiền mặt (3%). Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, ban lãnh đạo Eximbank đưa ra mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 5.180 tỷ đồng, tăng 90,4% so với kết quả thực hiện năm 2023.
Tương tự, cổ phiếu BID của BIDV và STB của Sacombank cũng phục hồi tích cực trong phiên hôm nay với mức tăng lần lượt là 3,6% và 3,2%. Cả BIDV và Sacombank đều chuẩn bị tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 trong tuần này. Trong đó, Sacombank đưa ra kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế kỳ vọng ở mức 10.600 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2023; còn BIDV chưa công bố kế hoạch kinh doanh cụ thể.
Lực cầu tăng mạnh trong phiên ATC cũng đã giúp cổ phiếu HDB của HDBank lấy lại được sắc xanh với mức tăng gần 0,7%. Được biết, HDBank cũng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 26/4 tới đây.
Tại đại hội, HDBank sẽ trình kế hoạch hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế 15.852 tỷ đồng, tăng 21,8% so với thực hiện năm 2023. Đồng thời, HDBank sẽ trình Đại hội kế hoạch chia cổ tức năm 2023 tỷ lệ 25% gồm 10% tiền mặt 15% cổ phiếu. Đáng chú ý, ngân hàng dự kiến trả cổ tức năm 2024 lên đến 30%, bao gồm tiền mặt và cổ phiếu. Sau hơn 1 thập kỷ tăng trưởng cao và liên tục, HDBank luôn thực hiện truyền thống chi trả cổ tức đều đặn hàng năm với tỷ lệ cao.
Ngoài những cổ phiếu nêu trên, nhiều mã ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng giá tốt trong phiên hôm nay như CTG (+2,2%), NAB (+2,2%), BVB (+1,9%), OCB (+1,9%), TCB (+1,7%), VPB (+1,1%),…
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu MBB của MB là mã duy nhất trên sàn HoSE đóng cửa trong sắc đỏ, khi giảm nhẹ 0,44%. Liên quan đến cổ phiếu này, MB mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 1 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 5.795 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023.Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm đến từ việc thu nhập hoạt động cốt lõi kém khả quan và ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng.
Thanh khoản cổ phiếu ngân hàng hôm nay ở mức thấp so với các phiên trước. Trong đó, MBB dẫn đầu toàn ngành với khối lượng giao dịch đạt gần 17,6 triệu cổ phiếu. Đứng sau MBB lần lượt là SHB (17,3 triệu cp), STB (13,4 triệu cp), TPB (12,6 triệu cp), EIB (10,4 triệu cp).