Cuộc đua không cân sức của hai ông lớn ngành bia miền Bắc - Nam

Dù liên tiếp 4 quý tăng trưởng âm nhưng quy mô lợi nhuận của Sabeco vẫn ở mức trên 1.000 tỷ đồng, bỏ xa đối thủ cùng ngành là Habeco.

Theo Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại của Bộ Công Thương, số liệu 9 tháng năm 2023, sản lượng sản xuất bia trong nước tăng mạnh, ước đạt 369,2 triệu lít, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 9 tháng, sản lượng bia các loại đạt 3.405 triệu lít, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương ngành bia vẫn đang đối mặt với những khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào (malt, đường) vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành.

“Người say - kẻ tỉnh"

Trong quý III/2023, doanh thu thuần của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) đạt 7.415 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động tài chính của Sabeco tăng 31,3% lên hơn 373 tỷ đồng, chủ yếu do tăng thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng. 

Quý này, chi phí tài chính của Sabeco tăng 46% lên 19 tỷ đồng. Còn lại, các khoản chi phí khác được công ty tích cực tiết giảm.

Kết quả, Sabeco báo lãi sau thuế 1.074 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ tư liên tiếp Sabeco ghi nhận tăng trưởng âm. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì lợi nhuận ở mức trên 1.000 tỷ đồng.

Phía Sabeco cho biết, nguyên nhân kết quả kinh doanh thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn do tác động bất lợi của kinh tế bất ổn cùng với chi phí nguyên vật liệu tăng cao trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp không giảm nhiều.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 21.941 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 3.288 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ.

Trong năm 2023, Sabeco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 40.272 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 5.775 tỷ đồng. Kết thúc 3 quý đầu năm, Sabeco đã hoàn thành được 54% kế hoạch doanh thu và 57% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Trong khi đó, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco; HoSE: BHN) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.259 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.

Trong quý, doanh thu hoạt động tài chính của Habeco ghi nhận cải thiện đáng kể, tăng tới 75% lên 58 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính được giảm tới 60%, xuống chỉ còn 944 triệu đồng. 

Quý III/2023, Habeco đồng loạt tiết giảm chi phí nhân viên, nguyên vật liệu, bốc xếp vận chuyển… nhưng vẫn chi mạnh tay cho tiền quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ. Theo đó, Habeco đã dành ra 192 tỷ đồng cho số tiền này, tăng 20% so với cùng kỳ.

Sau khi trừ các chi phí, Habeco báo lãi đi lùi 54%, xuống chỉ còn 106,7 tỷ đồng.

Lũy kế 3 quý đầu năm, doanh thu thuần của Habeco đạt 5.510 tỷ đồng, giảm nhẹ 7%. Kết quả, ông chủ thương hiệu bia miền Bắc báo lãi 291 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ.

Năm 2023, Habeco đặt mục tiêu doanh thu đạt 7.367 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 222 tỷ đồng. Với mục tiêu đề ra khá khiêm tốn, chỉ trong 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành gần 75% kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Được xem là cặp ông lớn ngành bia ở hai miền, nhưng quy mô sản xuất kinh doanh của Habeco và Sabeco lại có sự chênh lệch lớn. Dù Sabeco kinh doanh sa sút với biên độ giảm sâu hơn nhưng quy mô doanh thu của ông chủ bia Sài Gòn vẫn vượt xa so với bạn cùng ngành. Cụ thể, quý III/2023 doanh thu của Sabeco gấp 3,2 lần và lợi nhuận gấp 10 lần so với số này ở Habeco.

Dù vậy nhưng với kế hoạch kinh doanh khiêm tốn, Habeco đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023 sau 9 tháng đầu năm. Trong khi đó Sabeco vẫn còn gần nửa chặng đường phấn đấu mới có thể hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 5.775 tỷ đồng đã đề ra.

Điểm sáng mang tên: Lãi tiền gửi

Một điểm chung nổi bật của hai ông lớn ngành bia là khoản lãi tiền gửi “kếch xù" trong 9 tháng đầu năm, đẩy doanh thu tài chính lên cao.

Cụ thể, trong bức tranh sản xuất kinh doanh ảm đạm của Habeco, doanh thu tài chính lại là điểm sáng hiếm hoi khi ghi nhận tăng mạnh từ 87,4 tỷ đồng lên 161,8 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, tương đương tăng 85%. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ khoản lãi tiền gửi tiền cho vay “phi mã".

Đối chiếu sang bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 30/9/2023, công ty có 3.495 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là các khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng đến 12 tháng, tăng 17% so với số đầu năm.

Đồng thời, công ty ghi nhận 110,8 tỷ đồng là khoản phải thu lãi tiền gửi có kỳ hạn và cho vay, tăng 78% so với đầu kỳ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy doanh thu tài chính của Habeco lên cao trong 9 tháng đầu năm.

Trùng hợp, 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động tài chính của Sabeco tăng 41% lên 1.085 tỷ đồng, nhờ lãi tiền gửi tăng. Cụ thể, lãi tiền gửi đem lại cho Sabeco khoản tiền 1.052 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo tài chính quý mới công bố, tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Sabeco đạt hơn 33.426 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Công ty ghi nhận khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn là 1.647 tỷ đồng, tăng 67%. 

Tính đến cuối tháng 9/2023, tiền gửi có kỳ hạn của công ty đạt 19.997 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu kỳ. Đây cũng chính là khoản đem lại cho Sabeco hơn 1.000 tỷ đồng lãi tiền gửi.