Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ; Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng), lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và đại diện các hội, hiệp hội chuyên ngành.
Báo cáo thuyết minh Nhiệm vụ, đại diện đơn vị tư vấn - Công ty CP Tư vấn Xây dựng Lâm Đồng cho biết, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930 ha, dân số 586.961 người, phạm vi lập điều chỉnh tổng thể QHC TP Đà Lạt và các vùng lân cận sẽ bao gồm: TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà.
Theo đó, quy hoạch nhằm các mục tiêu: Cụ thể hóa những chiến lược, định hướng phát triển của quy hoạch vùng tỉnh Lâm Đồng, để đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan trên địa bàn. Đồng thời tạo điều kiện để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị.

Cùng đó, kế thừa, tiếp tục triển khai thực hiện các định hướng cơ bản, các quy hoạch chung hiện hành vẫn còn phù hợp, khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đặc trưng của TP nhằm bảo tồn và phát triển Đà Lạt trở thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử và cảnh quan tự nhiên. Qua đó, góp phần xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế.
Việc điều chỉnh QHC phải dựa trên cơ sở kế thừa chọn lọc đồ án quy hoạch 704/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ngày 12/5/2014.
Cụ thể, với các dự án phát triển giao thông kết nối vùng TP Đà Lạt với 6 đô thị vệ tinh để tạo động lực phát triển đô thị, khu chức năng và vùng nông thôn. Đồng thời, các dự án an toàn cấp nước như, hồ chứa thượng nguồn Đan Kia, hồ Ta Hoét…
Mặt khác, xây dựng các ý tưởng khoa học hiện đại nhằm phát triển, mở rộng phạm vị không gian đô thị, nâng cao giá trị hiệu quả sử dụng đất.

Tại Hội nghị, các chuyên gia và các thành viên Hội đồng đã đóng góp ý kiến nhằm giúp TP Đà Lạt khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Đồng thời, lưu ý đánh giá kỹ hơn nhiệm vụ quy hoạch vùng, hiện trạng sử dụng đất, làm rõ chỉ tiêu của các khu chức năng đặc thù; lưu ý tính kết nối về giao thông và liên kết vùng, có định hướng quản lý không gian ngầm, cấp thoát nước…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Đồ án 704/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/5/2014 có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn.
TP Đà Lạt là một địa danh nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn đối với người nước ngoài và là thành phố được định hướng, quy hoạch rất bài bản, mang nét đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên, địa hình độc đáo, rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, du lịch nghỉ dưỡng. Đà Lạt cũng là đô thị có không gian kiến trúc có giá trị lịch sử lớn cần được bảo tồn và phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng lưu ý, đơn vị tư vấn cần nghiêm túc rà soát và tiếp thu các ý kiến của Hội đồng cũng như của các Bộ, ban ngành đã đóng góp để hoàn chỉnh Đồ án.
“Cần bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc phát triển TP Đà Lạt. Cần bảo tồn, gìn giữ những nét đặc trưng riêng nổi tiếng được nhiều người biết đến của TP Đà Lạt: như bản sắc văn hóa, công trình kiến trúc cổ, cảnh quan tự nhiên, môi trường, địa hình sinh thái, khí hậu thời tiết và sự đa dạng sinh học. Đây là một điểm quan trọng trong nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể QHC TP Đà Lạt” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, cần rà soát để có những thay đổi phù hợp với quy hoạch TP trước đó; khắc phục những tồn tại, hạn chế các vấn đề chưa phù hợp, vẫn còn khó khăn vướng mắc để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Các vấn để tổ chức không gian đô thị, trật tự đô thị cũng cần được quan tâm đúng mức cũng như các vấn đề kết nối giao thông.
Bên cạnh đó, làm rõ hơn nữa vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính, dự báo dân số; quan tâm phát triển hệ thống đô thị vệ tinh và đánh giá toàn diện hơn hiện trạng thu hút đầu tư phát triển kinh tế, du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị, UBND tỉnh Lâm Đồng và đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, sớm hoàn thiện thuyết minh và hồ sơ Nhiệm vụ để thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.