Tờ Insider của Mỹ mới đây đã đăng tải một bài viết về một kiến trúc nhà ở đặc biệt của Hà Nội gây ấn tượng mạnh mẽ với người nước ngoài. Theo Amanda Goh, tác giả bài viết, đường phố ở đây hấp dẫn du khách bởi một kiểu nhà được người dân địa phương gọi là " nhà ống ".
Những ngôi nhà rộng chưa tới 2m, dài 6m nhưng cao tới 12 tầng
Những ngôi nhà ống đặc trưng trên đường phố Thủ đô của Việt Nam được sơn đủ loại màu sắc, chúng có thể chỉ rộng chưa tới 2m, dài chưa tới 6m và cao tới 12 tầng.
Những ngôi nhà dân cư chật hẹp được gọi là "nhà ống" tại khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Victor Fraile Rodriguez/Getty
Theo ông Đinh Quốc Phương, Giám đốc Chương trình Kiến trúc Nội thất tại Đại học Công nghệ Swinburne, nhà ống là một trong những loại hình kiến trúc phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay.
"Những ngôi nhà ống cũ được xây trước năm 1954, thường có hai tầng, kéo dài về sau với mặt tiền hẹp từ 2-5 mét. Vẫn trên nền đất cũ đó, nhà ống hiện nay được xây cao hơn, thậm chí lên đến 12 tầng", ông Phương cho biết.
Các cửa hàng hai tầng cũ dọc Hàng Đào, khu phố cổ Hà Nội (1926). Ảnh: Tư liệu lịch sử
Theo một số ghi chép lịch sử, loại hình "nhà ống" được bắt nguồn từ những khu phố cổ Hà Nội . Khu vực này là đầu mối giao thương, buôn bán tấp nập. Mỗi con phố được đặt tên theo các đồ gốm hoặc mặt hàng được bán phổ biến ở đó như phố Hàng Bạc (buôn bán trang sức, vàng bạc) hay phố Hàng Gai (bán tơ lụa).
Không giống như những ngôi nhà ống mới hơn, chỉ thuần túy là nhà ở, nhiều ngôi nhà ống cũ trong khu phố cổ vẫn tiếp tục phục vụ chức năng thương mại và có ý nghĩa vô cùng quan trọng với các hộ dân.
Những ngôi nhà ống cũ có xu hướng thiết kế cửa hàng ở tầng trệt, dành không gian ở cho các gia đình ở tầng trên. Dù có mặt tiền hẹp nhưng nhà ống thường rất sâu. Có những ngôi nhà có thể sâu tới 100 mét.
Những ngôi nhà ống có bề ngang hẹp, vừa là nơi ở vừa là nơi buôn bán của nhiều hộ gia đình. Ảnh: Linh Pham/Getty Images
"Với thiết kế nhiều tầng, nhà ống thường là nơi ở của nhiều thế hệ trong một gia đình", Mai Hùng Trung , kiến trúc sư khởi xướng Hanoi Ad Hoc, một nghiên cứu về cảnh quan đô thị Hà Nội, nói với Insider.
Theo ông Trung, cho tới tận bây giờ vẫn có thể tìm thấy những ngôi nhà là nơi ở của 5 hay 6 gia đình khác nhau ở khu phố cổ Hà Nội.
"Có thể lên đến 5, 6 gia đình cùng chung sống. Và cho đến tận bây giờ, ở khu phố cổ, bạn vẫn có thể thấy những gia đình khác nhau sống chung trong một ngôi nhà. Điều đó bao gồm những gia đình không có huyết thống với nhau", ông Trung nói.
Mặt bằng các tầng của nhà ống khác nhau. Một số có thể sâu tới 100m. Nguồn: Hanoi Ad Hoc
Nét đặc trưng không thể trộn lẫn của đường phố Việt Nam
Nói về nguồn gốc thiết kế của loại hình nhà này, ông Trung cho biết có rất nhiều giả thuyết được đưa ra.
Thứ nhất, phong cách kiến trúc này có thể đã phát triển do giá đất đắt đỏ. Khi mật độ dân số ngày càng đông, chính phủ buộc phải tiến hành thu thuế mặt tiền trên các con phố lớn, khiến người dân cố gắng giảm kích thước mặt tiền. Nhưng khi số lượng thành viên trong gia đình tăng, họ cần không gian và buộc phải xây từ trong ra ngoài.
Ông Trung cho biết: "Ở khu vực nội thành, đất quý như vàng. Nhà mặt phố từng là một trong những thước đo đánh giá sự giàu có của người dân".
Phần sân trong của những ngôi nhà ống cũ. Ảnh: Hanoi Ad Hoc
Theo đó, những ngôi nhà ống cũ thường có một sân trong để đón ánh sáng và có chức năng như một "giếng trời" thông gió tự nhiên. Đây còn là nơi sinh hoạt chung, chỗ các thành viên trong gia đình tụ họp, quây quần.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng, đồng sáng lập và CEO của enCity chia sẻ với Insider: "Những khoảng sân này đôi khi có thể chỉ đặt vừa một cái cây nhỏ, hay một vài chiếc ghế để ngồi uống trà. Đôi khi, là một cái giếng nhỏ trong sân".
"Khoảng sân này khép kín, tách biệt với tiếng ồn và cuộc sống ồn ào bên ngoài, vì vậy đây có thể được coi là một nơi rất yên bình ở giữa ngôi nhà," ông nói thêm.
Những ngôi nhà ống được thiết kế theo phong cách kiến trúc Pháp. Ảnh: Manan Vatsyayana/Getty
Theo ông Dũng, những năm gần đây, thiết kế nhà ống kiểu mới chứng kiến sự hồi sinh của kiến trúc kiểu Pháp. Phong cách thuộc địa này đã được điều chỉnh và sáng tạo theo nhiều cách khác nhau.
"Một số đã sử dụng các chi tiết mặt tiền, chẳng hạn như lan can bằng gang và cửa sổ mái che từ các biệt thự Pháp trong thiết kế những ngôi nhà mới của họ... Những người khác thì điều chỉnh mái vòm giống các công trình công cộng kiểu thuộc địa như Nhà hát Lớn Hà Nội cho những ngôi nhà ống cao tầng của họ", ông Dũng nói thêm.
Góc nhìn từ trên không của những ngôi nhà ống tại thủ đô Hà Nội. Ảnh: Manan Vatsyayana/Getty
Nhưng bất kể nguồn gốc của chúng ra sao, tác giả Amanda Goh khẳng định, bên cạnh xe máy , những ngôi "nhà ống" này vẫn là một nét đặc trưng không thể trộn lẫn của đường phố Việt Nam, nó đã định hình nên cảnh quan đô thị của đất nước.
"Chúng đã gắn bó với nhau trong nhiều năm. Và một trong những lý do là chiếc mô tô nhỏ hoàn toàn phù hợp với những ngôi nhà ống chật hẹp đó là với một chiếc mô tô, bạn thực sự có thể di chuyển đến bất kỳ ngõ ngách chật hẹp nào trong thành phố", ông Dũng nhận định.
(Theo Insider)
https://soha.vn/dac-san-nha-o-co-mot-khong-hai-cua-ha-noi-bat-ngo-xuat-hien-tren-thoi-bao-danh-tieng-my-20220404170439619.htmDoanh nghiệp và tiếp thị