Ngành y, dược tại Việt Nam vẫn luôn là một ngành nghề cao quý, có thu nhập thuộc hàng "top" vì sự phức tạp và nhiều thử thách. Để có thể công tác trong ngành này người làm nghề phải cần rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức. Ví dụ, như muốn trở thành thành bác sỹ đa khoa sinh viên cần phải học dưới mái trường đại học ít nhất là 6 năm, sau đó còn phải học thêm hai năm chuyên sâu và không ngừng học hỏi.
Vì vậy, để trở thành một lãnh đạo của bệnh viện hay một công ty trong ngành y dược, sức khỏe thì cần rất nhiều kinh nghiệm và thời gian học hỏi. Vì vậy, dàn lãnh đạo của các doanh nghiệp trong ngành này thường có độ tuổi lớn hơn so với các ngành nghề khác. Theo thống kê của chúng tôi, rất nhiều những công ty trong ngành y dược và sức khỏe niêm yết trên sàn đang có dàn lãnh đạo lớn tuổi hàng đầu, thậm chí có những doanh nghiệp vẫn có những người trong HĐQT hay ban điều hành ở độ tuổi u80 - lức tuổi mà rất nhiều người đã lựa chọn nghỉ hưu quây quần bên con cháu.
Ông Nguyễn Ngọc Chiểu - Chủ tịch HĐQT Tim Tâm Đức
Trong danh sách này, ông Nguyễn Ngọc Chiểu, Chủ tịch HĐQT bệnh viên Tim Tâm Đức (TTD) đang là người lớn tuổi nhất khi sinh năm 1946. Bác sỹ Nguyễn Ngọc Chiểu năm nay đã 78 tuổi, sinh ra tại Long An với trình độ là Tiến sỹ Y khoa. Trong giai đoạn 1976-1982, ông công tác tại Bệnh viện Nhi đông I. Giai đoạn 1982-1992 ông là chuyên viên Phòng nghiệp vụ Sở Y tế TP. HCM.
Đến năm 1992, vị bác sỹ này được bổ nhiệm làm Giám đốc Viện tim TP.HCM và công tác tại vị trí này đến năm 2008. Kể từ sau đó, ông đã đảm nhiệm chức vụ HĐQT Bệnh viên Tâm Đức cho đến nay. Hiện ông Nguyễn Ngọc Chiểu cũng đang năm giữ 120.000 cỏ phiếu TTD.
Bệnh viên Tim Tâm Đức được đi vào hoạt động từ ngày 8/3/2006. Theo giới thiệu trên trang chủ, bệnh viện có quy mô 250 giường, 100 bác sĩ, 300 điều dưỡng và kỹ thuật viên. Liên quan đến điều trị, Tim Tâm Đức có thể phẫu thuật được tất cả các bệnh lý ngoại khoa tim mạch bao gồm phẫu thuật tim bẩm sinh, bệnh van tim, bệnh mạch vành và các loại mạch máu ngoại biên.
Tim Tâm Đức là bệnh viện hiếm hoi đang giao dịch trên sàn chứng khoán (UpCOM) bên cạnh Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) niêm yết trên HoSE. Doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức cao hàng năm. Kể từ khi lên sàn năm 2017, tỷ lệ cổ tức bằng tiền thường xuyên duy trì trên ngưỡng 30%.
Về tình hình kinh doanh quý 3, Tim Tâm Đức ghi nhận doanh thu đạt hơn 193 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 22 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 9 tháng, Tim Tâm Đức ghi nhận doanh thu đạt 558 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 65 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đã hoàn thành 82% và 88% so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2023.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Medic Hòa Hảo
Một trong những vị doanh nhân nổi tiếng trong ngành y không thể không kể đến bác sỹ Phan Thanh Hải - nhà sáng lập kiêm Giám đốc trung tâm Y khoa Medic Hòa Hảo. Ông Phan Thanh Hải tốt nghiệp Bác sĩ Y Khoa tại ĐH Y Khoa Sài Gòn năm 1974, nội trú BV Bình Dân. Sau đó ông đi tu nghiệp tại Pháp-Đức, chuyên khoa về Ung Bướu – Chẩn đoán hình ảnh.
Vị bác sỹ này là nhà sáng lập Trung tâm Y khoa Medic Hòa Hảo vào năm 1990 và phát triển mạng lưới siêu âm, chẩn đoán hình ảnh tại Việt Nam. Ông từng nói: "Để làm tốt nhiệm vụ người bác sĩ siêu âm Việt Nam phải là 3 trong 1, nghĩa là phải hoàn thành cùng lúc 3 nhiệm vụ: Kỹ thuật viên siêu âm lành nghề, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh giỏi, có kinh nghiệm và là bác sĩ lâm sàng giỏi".
Medic Hòa Hảo hiện đã phát triển hệ thống Medic trên toàn quốc (Hà Nội – Huế – Đà Nẵng – Cần Thơ – Đồng Tháp – Kiên Giang), Lào & Campuchia. Bên cạnh việc điều hành Medic Hòa Hải, ông Phan Thanh Hải hiện còn là Chủ Tịch HĐQT CTCP Bình An (Kiên Giang) đầu tư bệnh viện Bình An (Kiên Giang), bệnh viện Domedic (Đồng Tháp).
Ông Lê Văn Lớ - Chủ tịch HĐQT Dược Hà Tây
Dược Hà Tây có lẽ là một cái tên quen thuộc với nhiều "chứng sỹ" khi đây là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi được biết đến nhiều trong ngành dược khi niêm yết. Hiện Chủ tịch của công ty này là ông Lê Văn Lớ. Ông Lê Văn Lớ sinh năm 1951 tại Đan Phượng, Hà Nội, hiện đã 73 tuổi. Vào tháng 12/1978, vị doanh nhân này đã tốt nghiệp Đại học Dược chuyên ngành Dược sỹ chuyên khoa I.
Ngay sau đó, vị doanh nhân này đã nhận công tác tại phòng Kiểm nghiệm Xí nghiệp Dược phẩm Hà Tây - tiền thân của CTCP Dược Hà Tây. Sau khi kinh qua nhiều chức vụ công tác tại đây, ông Lê Văn Lớ trở thành Chủ tịch HĐQT công ty này kể từ năm 2001 cho đến nay. Hiện ông Lê Văn Lớ cũng đang sở hữu 4,6 triệu cổ phiếu DHT.
CTCP Dược phẩm Hà Tây tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm Hà Tây được thành lập năm 1965. Năm 1985, Xí nghiệp Dược phẩm Hà Tây sáp nhập với công ty Dược phẩm Hà Tây và công ty Dược liệu Hòa Bình thành Xí nghiệp liên hợp Dược Hà Sơn Bình.
Năm 1991, xí nghiệp liên hợp Dược Hà Sơn Bình chia thành công ty Dược phẩm Hà Tây và công ty Dược phẩm Hòa Bình.Năm 2000, Dược phẩm Hà Tây được chuyển đổi thành CTCP theo quyết định số 1911/QĐ-UB ngày 21/12/2000 của UBND tỉnh Hà Tây cũ. Cuối năm 2008, công ty niêm yết 4,12 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Cuối năm 2023, tổ chức ASKA Pharmaceutical Co., Ltd (Nhật Bản) đã báo váo hoàn tất mua vào 8,4 triệu cổ phiếu DHT. Sau giao dịch, ASKA nâng sở hữu từ 18,4 triệu (24,9% vốn) lên mức gần 27 triệu cp, tương ứng gần 32,56% vốn của Dược Hà Tây.
Được biết, đây là đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ của Dược Hà Tây số lượng cổ phiếu phát hành thêm là 8,4 triệu đơn vị và ASKA là đối tượng duy nhất tham gia mua toàn bộ. Mức giá chào bán theo phương án công bố là 21.500 đồng/cp, tương ứng số tiền tổ chức đến từ Nhật Bản phải chi ra vào khoảng 181 tỷ đồng tỷ đồng. Lượng cổ phiếu mới phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm.
Về phía DHT, vốn điều lệ công ty tăng lên mức 8.234 tỷ đồng sau khi hoàn tất chào bán. Theo kế hoạch sử dụng vốn thu về, Dược Hà Tây dự kiến chi 78 tỷ đồng đầu tư dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar, còn lại hơn 102 tỷ đồng sẽ dùng tái cơ cấu khoản nợ vay ngân hàng nhằm nâng cao khả năng tự chủ về vốn, giảm áp lực về tài chính.