Dấu ấn, động lực từ vốn ODA Nhật Bản

Vốn ODA của Nhật Bản có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam

Trong những năm qua, nhiều công trình giao thông trong nước được xây dựng, đưa vào khai thác hoặc đang triển khai có nguồn vốn từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) Nhật Bản. Tại Hà Nội, các dự án như cầu đường Vành đai 3 trên cao, nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, cầu Thanh Trì, cầu Nhật Tân... đều có dấu ấn của ODA Nhật Bản. Tương tự tại TP HCM, tuyến metro số 1, nhiều dự án thoát nước và xử lý nước thải tại Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương... cũng được thực hiện từ vốn ODA Nhật Bản.

Nhanh chóng và kịp thời

Hồi tháng 7-2023, khoản vay trị giá hơn 61 tỉ yen (khoảng 10.670 tỉ đồng) cho 3 dự án cũng đã được ký kết giữa hai bên. Trong đó, thỏa thuận vay hỗ trợ ngân sách cho Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hậu dịch COVID-19 có giá trị lớn nhất, trị giá 50 tỉ yen, tương đương 8.750 tỉ đồng. Đây là khoản vay có lãi suất ưu đãi nhất từ trước đến nay, theo cơ chế giải ngân nhanh, hòa trực tiếp vào ngân sách nhà nước. 

Khoản vay tiếp theo là cho dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại Bình Dương, trị giá 6,3 tỉ yen (gần 1.100 tỉ đồng) nhằm phát triển hệ thống xe buýt nhanh kết nối Bình Dương - TP HCM - Đồng Nai, tạo tiền đề để phát triển hệ thống giao thông định hướng dọc tuyến metro. Cuối cùng là khoản vay 4,7 tỉ yen (khoảng 829 tỉ đồng) hỗ trợ cơ sở hạ tầng nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng với các tiểu dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi và trung tâm giao dịch hoa.

Dấu ấn, động lực từ vốn ODA Nhật Bản - Ảnh 1.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được thực hiện từ nguồn vốn ODA Nhật Bản .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, cho biết đây là lần ký nhiều thỏa thuận vay ODA cùng một lúc nhất sau 6 năm kể từ năm 2017. Cũng theo thông tin từ JICA Việt Nam, trong tài khóa 2022, tính từ tháng 4-2022 đến hết tháng 3-2023, tổng giá trị cam kết vốn vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam là 18,9 tỉ yen (gần 3.100 tỉ đồng).

Đa dạng lĩnh vực

Trong những năm gần đây, đặc biệt 2 năm 2022 và 2023, với nguồn vốn ODA, hệ thống các thiết bị quan trắc thủy văn và hệ thống thông tin quản lý thiên tai kết hợp dự báo lũ, thuộc khuôn khổ dự án viện trợ không hoàn lại đã được khánh thành vào tháng 5-2022 tại miền Trung. Bên cạnh đó, JICA cũng đang triển khai dự án hợp tác kỹ thuật hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu rủi ro do lũ quét và sạt lở đất ở khu vực phía Bắc, hay cải thiện độ chính xác trong dự báo khí tượng trên toàn quốc, trước thực tế thiệt hại do thiên tai ngày càng tăng.

Một lĩnh vực quan trọng khác cũng đánh dấu bước hợp tác quan trọng giữa hai bên đó là đào tạo nguồn nhân lực. Để hiện thực hóa thỏa thuận này, nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã hỗ trợ để nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ. Trường ĐH Việt Nhật đã đào tạo hàng trăm học viên tốt nghiệp hệ thạc sĩ và tiếp tục tuyển sinh...

Gần đây nhất vào ngày 17-11, JICA Việt Nam cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký biên bản thảo luận dự án "Hợp tác kỹ thuật để quy hoạch phát triển về phục hồi sau lũ lụt và xây dựng quy hoạch tổng thể về phòng chống thiên tai ở miền Trung Việt Nam". 

Mục tiêu cơ bản của dự án là giảm thiểu rủi ro lũ lụt trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn thông qua 3 giai đoạn chính: lắp đặt các thiết bị quan trắc thủy văn và giám sát thiên tai; đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp; thúc đẩy cơ chế hợp tác giúp thực hiện hiệu quả các giải pháp kiểm soát lũ lụt. Dự án được dự kiến thực hiện từ năm 2024 tới năm 2027 với đối tác thực hiện chính là Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai.

Nhiều kỳ vọng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), vốn ODA của Nhật Bản có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó, nguồn vốn này thực hiện các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, ODA Nhật Bản góp phần hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Bộ KH-ĐT cũng đánh giá: Bằng việc thực hiện các dự án ODA vốn vay, nhiều công nghệ tiên tiến sẽ được chuyển giao cho Việt Nam như thông qua các dự án về phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, các dự án về hạ tầng giao thông lớn.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh nhìn một cách gián tiếp, vốn ODA Nhật Bản tập trung vào hệ thống hạ tầng đã góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khi hạ tầng nói chung của chúng ta từng bước được hoàn thiện. 

"Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã đưa vào khai thác, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế" - ông Doanh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, phía Nhật Bản cũng quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, theo ông Doanh, đây là yếu tố dài hạn mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam khi có đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới của nền kinh tế.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng dòng vốn ODA nói chung và vốn ODA Nhật Bản nói riêng, TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân bằng việc tăng tính sẵn sàng, chủ động khi triển khai các dự án. Cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn ODA cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm. 

Đặc biệt, với nguồn vốn này cần xác định các dự án có tính khả thi cao, không dàn trải, manh mún, kéo dài dẫn đến chậm tiến độ, mất đi ý nghĩa của dòng vốn. Từ thực tiễn, vị chuyên gia cho rằng các bộ, ngành cần phối hợp với các nhà tài trợ nước ngoài và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết hiệp định, triển khai dự án và giải ngân.

Trên cơ sở những kết quả tích cực từ nguồn vốn ODA Nhật Bản đã mang lại, thời gian tới, Bộ KH-ĐT đề nghị Nhật Bản xem xét, cung cấp những khoản vay lớn cho các dự án hạ tầng giao thông, mang tính liên vùng, kết nối vùng ở Việt Nam. Bên cạnh đó là các dự án để ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số. 

Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 27-11, lãnh đạo hai nước tái khẳng định cam kết đẩy mạnh các nỗ lực giải quyết khó khăn còn tồn đọng trong thực hiện các dự án ODA, bao gồm cả các dự án hợp tác kỹ thuật tại Việt Nam, thông qua một cơ chế hợp tác. Việt Nam - Nhật Bản cũng thống nhất thúc đẩy, triển khai các dự án ODA mới, tập trung vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế. Dòng vốn mới dự kiến có tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt. 

Gỡ rào cản về thủ tục

Ông Masataka Sam Yoshida, Tổng Giám đốc RECOF Việt Nam, cho biết công ty đã có mặt ở thị trường Việt Nam 12 năm và tham gia nhiều thương vụ kết nối nhà đầu tư Nhật Bản và nhiều thị trường khác đầu tư vào Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam đang ở giai đoạn rất phù hợp, hấp dẫn cho bất kỳ công ty Nhật Bản nào muốn thâm nhập hoặc mở rộng đầu tư vào. Có điều, nếu thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) giữa các doanh nghiệp (DN) nội địa Nhật Bản chỉ mất khoảng 3 tháng; giữa DN Nhật và nước ngoài khoảng 6 tháng thì một thương vụ giữa DN Nhật để rót vốn hoặc đầu tư vào Việt Nam phải cần hơn 1 năm.

Đây là một trong những rào cản khi thời gian thực hiện một thương vụ kéo dài, bên cạnh kỳ vọng định giá quá cao của bên bán (các DN Việt). Nếu những rào cản này được tháo gỡ sẽ tạo điều kiện thu hút thêm nhiều dòng vốn đầu tư hơn nữa từ Nhật Bản vào Việt Nam.

T.Phương