Sáng 27/5, tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc mở rộng đối tượng trao danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) tạo khuyến khích lớn cho các hoạt động sáng tạo, cống hiến của giới văn nghệ sĩ. Đặc biệt, các nghệ sĩ sáng tác ở các lĩnh vực như nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học… cũng nên được xét hai danh hiệu này.
Một số đề xuất của Đại biểu Quốc hội về việc nghiên cứu bổ sung xét duyệt đối tượng xét duyệt NSND & NSƯTNgày 27/5 vừa qua, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án như sau:
Phương án 1: Bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu là đối tượng được xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” tại khoản 1 và bổ sung tiêu chuẩn tại khoản 2, khoản 3 để phù hợp với việc bổ sung đối tượng.
Phương án 2: Giữ như quy định về đối tượng, tiêu chuẩn của Luật hiện hành.
Công bằng trong việc xét duyệt danh hiệu giữa nghệ sĩ sáng tác & nghệ sĩ biểu diễn, không để nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học và soạn giả bị bỏ quênTheo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Đại biểu tỉnh Bạc Liêu – bà Trần Thị Thu Đông, việc bổ sung các đối tượng nêu trên là rất hợp lý. Bởi lẽ, hiện nay lĩnh vực văn học, nghệ thuật có 9 chuyên ngành, nhưng trong luật hiện hành chỉ đề cập đến văn nghệ sĩ của 6 chuyên ngành. Còn lại 3 chuyên ngành là nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học và soạn giả của lĩnh vực sân khấu chưa được quy định là chưa hợp lý.
Theo bà Đông, tất cả những văn nghệ sĩ dù hoạt động ở chuyên ngành văn học nghệ thuật khác nhau, có thể có tên gọi khác nhau nhưng đều có chung tên gọi là văn nghệ sĩ. Đây chính là những người có năng khiếu, có tài năng, có cảm thụ đặc biệt để sáng tác, sáng tạo ra những giá trị văn học nghệ thuật.

Bà Đông dẫn chứng, trong công cuộc giải phóng dân tộc, cả Nhiếp ảnh và Mỹ thuật đã tham gia phục vụ kháng chiến, góp phần đưa kháng chiến đến thắng lợi. Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhiếp ảnh tiếp tục cống hiến, đạt hàng ngàn huy chương trong nước và quốc tế, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Nhưng lĩnh vực Mỹ thuật thì được, lĩnh vực Nhiếp ảnh thì không được xem xét để tặng các danh hiệu của Nhà nước.
Bà Đông cũng cho rằng, trong chuyên ngành Kiến trúc, kiến trúc sư là chủ thể của một ngành sáng tạo rất đặc biệt, đó là kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật để tạo dựng không gian sống vừa an toàn, bền vững vừa tạo mỹ quan cho con người, nói rộng ra là tạo cái đẹp cho một đất nước. Vì thế, lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo, mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm nghệ thuật, nhất là những mô hình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, và người kiến trúc sư là nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm ấy, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó, trong chuyên ngành Văn học, theo bà, mỗi tác phẩm văn học, nhất là những tác phẩm văn học đạt giải thưởng cao đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, giáo dục lòng yêu nước, yêu con người, giáo dục chân, thiện, mỹ cho nhân dân.
Phát biểu tại kỳ họp, Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cũng bày tỏ ủng hộ phương án mở rộng đối tượng được trao danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”. Ông cho rằng, phương án này được đông đảo văn nghệ sĩ thực sự trông mong, giúp xóa đi những sự phân biệt giữa nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn trong đối tượng được xét tăng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, tạo động lực lớn cho sự sáng tạo, cống hiến của giới văn nghệ sĩ, phù hợp với tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa được tổ chức rất thành công và đầy ý nghĩa vừa qua.

Trước đề xuất của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho lấy phiếu để lựa chọn có mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.
Phát biểu của bà Trần Thị Thu Đông – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam
“Kính thưa Quốc hội,
Tôi cho rằng, với những phương án mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất, nếu được Quốc hội thông qua, Luật Thi đua Khen thưởng sửa đổi lần này khá chặt chẽ, rõ ràng, đầy đủ và hợp lý, chắc chắn sẽ được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Riêng đối với phương án đề xuất bổ sung các văn nghệ sĩ của các lĩnh vực: Nhiếp ảnh, Kiến trúc, Văn học và soạn giả của lĩnh vực Sân khấu là đối tượng để xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú tại Khoản 1 Điều 66, tôi hoàn toàn đồng tình.
Tôi cho rằng việc bổ sung các đối tượng như trên rất hợp lý, bởi lẽ văn học nghệ thuật nước ta hiện nay có 09 chuyên ngành nhưng trong luật hiện hành chỉ đề cập đến văn nghệ sĩ của 06 chuyên ngành, còn lại 03 chuyên ngành là Nhiếp ảnh, Kiến trúc, Văn học và soạn giả của lĩnh vực Sân khấu chưa được quy định là chưa hợp lý. Theo tôi, tất cả các văn nghệ sĩ dù hoạt động ở chuyên ngành khác nhau có thể có tên gọi khác nhau như: họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, kiến trúc sư, diễn viên, soạn giả, nhà văn… nhưng đều có chung tên gọi là văn nghệ sĩ. Đây chính là những người có năng khiếu, có tài năng, có cảm thụ đặc biệt về sáng tác, sáng tạo ra những giá trị văn học, nghệ thuật. Vì thế, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới đã khẳng định: Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Tài năng văn học nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo, quý trọng và phát huy các tài năng văn học nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội; trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp.
Thưa Quốc hội,
Đối với chuyên ngành Nhiếp ảnh, loại hình này đã có những nét tương đồng với Mỹ thuật. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh và họa sĩ đều có những cống hiến lớn cho xã hội thông qua các tác phẩm của mình, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, giáo dục chân, thiện, mỹ cho nhân dân. Trong công cuộc giải phóng dân tộc, cả Nhiếp ảnh và Mỹ thuật đã tham gia phục vụ kháng chiến, góp phần đưa kháng chiến đến thắng lợi. Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhiếp ảnh tiếp tục cống hiến, đạt hàng ngàn huy chương trong nước và quốc tế, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Nhưng lĩnh vực Mỹ thuật thì được, lĩnh vực Nhiếp ảnh thì không được xem xét để tặng các danh hiệu của Nhà nước.
Trong kho tàng nghệ thuật nhiếp ảnh của dân tộc, rất nhiều tác phẩm ản mà giá trị và ý nghĩa của nó đã gây tiếng vang khắp năm châu như tác phẩm của các nghệ sĩ; Võ An Ninh, Lâm Hồng Long, Lâm Tấn Tài, Lê Minh Trường, Võ Huy Khánh… Đây là những di sản văn hóa vô giá của dân tộc đổi lấy bằng tài năng, tâm huyết, lao động nghệ thuật, nhiều khi bằng cả máu của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Do đó các nghệ sĩ nhiếp ảnh xứng đáng là đối tượng được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.
Trong chuyên ngành Kiến trúc, kiến trúc sư là chủ thể của một ngành sáng tạo rất đặc biệt, đó là kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật để tạo dựng không gian sống vừa an toàn, bền vững vừa tạo mỹ quan cho con người, nói rộng ra là tạo cái đẹp cho một đất nước. Vì thế, lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo, mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm nghệ thuật, nhất là những mô hình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, và người kiến trúc sư là nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm ấy, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa. Do đó, kiến trúc sư cần được bổ sung là đối tượng để xét tặng danh hiệu Kiến trúc sư nhân dân, Kiến trúc sư ưu tú hoặc Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.
Trong chuyên ngành Văn học, như Quốc hội đã biết, mỗi tác phẩm văn học, nhất là những tác phẩm văn học đạt giải thưởng cao đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, giáo dục lòng yêu nước, yêu con người, giáo dục chân, thiện, mỹ cho nhân dân. Do đó nhà văn cũng là nghệ sĩ, chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nên họ cũng cần được xem là đối tượng để xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú hoặc Nhà văn nhân dân, Nhà văn ưu tú nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.
Trong chuyên ngành Sân khấu, luật hiện hành chỉ đề cập 02 đối tượng được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú đó là: Người chỉ đạo nghệ thuật và diễn viên; còn các soạn giả, tác giả sân khấu – là người sáng tạo đầu tiên trong ekip sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh để biểu diễn trân sân khấu thì chưa được xét, trong khi các thành phần sáng tạo khác của vở diễn nhưng không trực tiếp biểu diễn trước công chúng như: Đạo diễn, thiết kế nghệ thuật… đều được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho đội ngũ soạn giả.
Thưa Quốc hội,
Lâu nay luật hiện hành chỉ xét tặng danh hiệu cho một số đối tượng văn nghệ sĩ là chưa đánh giá đúng và đầy đủ sự cống hiến của các loại hình văn học nghệ thuật đối với xã hội, nói đúng hơn là đối với sự nghiệp cách mạng, vô tình làm giảm sức sáng tạo và sự cống hiến của văn nghệ sĩ. Do đó, sự bổ sung này là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng sự mong mỏi chính đáng của văn nghệ sĩ. Đây chính là một luồng gió mới, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, là hiệu ứng tích cực, quan trọng và kịp thời được lan tỏa từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 2 mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người khởi xướng.
Cho phép tôi được chuyển lời của cử tri là văn nghệ sĩ cả nước chân thành cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Ban Soạn thảo đã quan tâm đến đội ngũ văn nghệ sĩ. Đây là nguồn động viên to lớn để đội ngũ văn nghệ sĩ – một lực lượng đang ngày đêm đem hết tài năng, công sức của mình cống hiến cho xã hội, cho đất nước.
Rất mong được các vị đại biểu Quốc hội ủng hộ cho phương án này.
Xin trân trọng cảm ơn”.
Theo: vietnamnet, vtv.vn