Dù vậy, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với thách thức mới. Đó là giá đơn hàng không tăng trong khi đó chi phí logistics, cụ thể là chi phí vận tải biển đã tăng liên tục trong thời gian qua. Điều này dẫn tới việc khách hàng yêu cầu doanh nghiệp Việt phải chia sẻ một phần chi phí vận chuyển, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ông Trần Như Tùng cho biết thêm, xuất khẩu dệt may Việt Nam hiện đang đứng top 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh song chúng ta lại đang phải chịu áp lực cạnh tranh vô cùng lớn.
Đối với Bangladesh họ hiện đứng top 2 thế giới. Ưu thế của họ là nhân công và các chính sách về thuế của Bangladesh cũng ưu đãi cho doanh nghiệp dệt may.
Còn vị trí thứ nhất là Trung Quốc. Mỗi năm quốc gia này xuất khẩu trên dưới 300 tỷ USD (gấp 8 lần Việt Nam khi chúng ta chỉ vào khoảng 40,3 tỷ USD).
“Chúng ta không thể cạnh tranh với doanh nghiệp Bangladesh bởi chi phí nhân công tại nước này hiện thấp hơn Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không nhìn vào Bangladesh mà đang nhìn sang Trung Quốc để phấn đấu”- ông Tùng nói.
Để tăng cạnh tranh cho sản phẩm dệt may Việt Nam cũng như gia tăng xuất khẩu, ông Tùng cho rằng, cách duy nhất là phải tạo ra giá trị cao hơn cho sản phẩm. Để làm được thì doanh nghiệp Việt Nam không thể làm những mặt hàng mà các quốc gia khác họ làm được. Ví dụ như Bangladesh đang làm mặt hàng đơn giản vì chi phí lao động của họ thấp và Việt Nam không nên cạnh tranh theo cách này. Cách mà chúng ta làm là tăng giá trị sản phẩm thông qua đầu tư máy móc thiết bị, con người và nguyên liệu.
Một điểm cần lưu ý, theo ông Tùng là xu hướng xanh hóa sản phẩm dệt may. Theo đó, hiện nay ở nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu, Nhật Bản đã đưa ra yêu cầu mới cho sản phẩm dệt may - đó là tiêu chuẩn xanh. “Làm thế nào để có sản phẩm xanh? Điều này có nghĩa là nhà máy phải đạt tiêu chuẩn ESG, phải dùng điện năng lượng mặt trời, phải giảm nước thải và đạt các chứng chỉ carbon…”- ông Tùng cho biết và khẳng định: Ngành dệt may đang phải chịu áp lực kép bởi chi phí tăng, khách hàng yêu cầu phải xanh - sạch hơn nhưng giá lại không được tăng.
Tuy nhiên đây là “luật chơi” toàn cầu và doanh nghiệp chỉ còn cách phải tự thay đổi để thích ứng theo yêu cầu mới. “Đã là cuộc chơi chung toàn cầu thì doanh nghiệp phải tự đầu tư năng lượng mặt trời, giảm chi phí xử lý hệ thống nước thải dệt nhuộm, dùng nguyên liệu tuần hoàn, tái chế mới có cơ hội xuất đi các thị trường, cụ thể là châu Âu”- ông Tùng chia sẻ.
Trong xu thế chung, hiện doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang từng bước thích ứng nhưng để bước vào sân chơi lớn rất cần có sự hỗ trợ Chính phủ, đặc biệt là tổ chức tài chính. Vì thực tế doanh nghiệp dù nhận thức nên làm sản phẩm xanh nhưng do biên lợi nhuận thấp nên việc đầu tư cho công nghệ mới còn khó khăn. Để hỗ trợ doanh nghiệp, về mặt tài chính, VITAS cho rằng cần có gói tín dụng xanh cho các doanh nghiệp đầu tư xanh. Bên cạnh đó, ngành thuế cũng cần có chính sách giảm thuế thu nhập cho những doanh nghiệp đầu tư xanh để họ thấy có động lực và tiếp tục làm tốt hơn.