ĐHĐCĐ VPBank: Trình kế hoạch tăng gấp đôi lợi nhuận, chia cổ tức tiền mặt, nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém

Sáng nay (29/4), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - VPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

CEO Nguyễn Đức Vinh: Năm 2023 gặp khó về thu nhập, lợi nhuận nhưng không dừng đầu tư vào nền tảng, hệ sinh thái để chuẩn bị bứt phá

Tại Đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, năm 2023, VPBank đã làm được nhiều việc quan trọng. Ngân hàng thực hiện được thương vụ M&A lớn nhất trên thị trường tài chính khi bán vốn cho SMBC. Điều này đem lại cho VPBank gần 1,5 tỷ USD, củng cố nền tảng vững chắc cho ngân hàng trong giai đoạn phát triển tiếp theo khi nền kinh tế phục hồi.

Ngân hàng củng cố nền tảng tăng trưởng, không ngừng mở rộng hệ sinh thái khách hàng. Trong đó, hệ sinh thái khách hàng mẹ đạt hơn 13 triệu khách hàng, tăng 4 triệu. Một loạt đầu tư của ngân hàng cho công nghệ, quản trị rủi ro được tăng cường. 

"Trong điều kiện khó khăn, chúng ta có thể gặp khó về thu nhập, lợi nhuận nhưng không dừng đầu tư vào nền tảng để chuẩn bị bứt phá", ông Vinh nói. 

Tuy điều kiện kinh tế năm qua gặp nhiều khó khăn, ngân hàng vẫn xác định ưu tiên mở rộng quy mô. Sau khi vốn chủ sở hữu của VPBank tăng lên lớn thứ 2 hệ thống, chỉ sau Vietcombank thì ban lãnh đạo xác định phải làm sao để tạo ra cơ hội tăng trưởng, đảm bảo hiệu quả đồng vốn cho cổ đông. Do vốn chủ sở hữu tăng nhanh nên ROE giảm xuống và  cần thời gian để phục hồi mạnh mẽ.

ĐHĐCĐ VPBank: Trình kế hoạch tăng gấp đôi lợi nhuận, chia cổ tức tiền mặt, nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém- Ảnh 1.

Trong 2 năm 2022-2023, VPBank là một trong những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng lớn nhất thị trường. VPBank đạt được quy mô dư nợ, huy động, khách hàng nằm trong top ngân hàng cổ phần lớn nhất. "Tất nhiên chúng tôi cũng hiểu tăng trưởng quá nhanh thì cũng có những rủi ro nhưng chúng tôi đánh giá đây là điều cần thiết để tạo lợi thế quy mô cho VPBank những năm tới đây". 

Bên cạnh đó, VPBank cũng tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới, VPBank nằm trong số ít ngân hàng, từ 2018 trở lại đây khẳng định sẽ phát triển đa năng, tức chủ trương đồng bộ phát triển nhiều mảng. Nếu như 10 năm trước đây tập trung vào phân khúc bán lẻ, SME thì gần đây VPBank công khai tuyên bố sẽ phát triển tất cả các mảng của ngân hàng, nhiều phân khúc khác nhau như phân khúc doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa, và sắp tới là mảng ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản, phân khúc khách hàng nước ngoài.

Ông Vinh chia sẻ: "Vì sao có sự thay đổi này? Vì trước đây quy mô vốn còn hạn chế nên chúng ta chưa thể tiếp cận các phân khúc lớn nhiều, nhưng nay có nền tảng vốn lớn cùng với sự hỗ trợ của SMBC thì tin rằng VPBank đủ sức lực, nguồn lực để phát triển đồng bộ". 

Tổng Giám đốc VPBank cũng nhấn mạnh việc thực hiện tái cấu trúc toàn diện FE Credit. Sau 10 năm mang lại những giá trị to lớn cho ngân hàng, FE Credit bước vào giai đoạn khó khăn từ Covid-19. Rất nhiều người lao động không còn khả năng chi trả, dẫn tới nợ xấu FE Credit tăng cao. Do đó ngân hàng áp dụng nhiều biện pháp để giảm tốc độ tăng trưởng, đảm bảo chất lượng tài sản. Đây cũng là cơ hội để ban lãnh đạo nhìn lại mô hình kinh doanh để thực hiện tái cấu trúc. SMBC cũng hỗ trợ cho FE Credit đánh giá lại mô hình, tái cấu trúc lại danh mục. Hiện danh mục FE Credit vẫn lớn đứng đầu trên thị trường tín dụng tiêu dùng nhưng cần sự thay đổi chất lượng. Hiện đã có những tín hiệu tích cực khi chặn được đà suy giảm và tăng trưởng giải ngân quý 4/2023, quý 1/2024. Đà suy giảm chất lượng nợ cũng được chặn lại, đưa tỷ lệ nợ xấu của FE Credit xuống dưới 20%.

VPBank cũng đã phát triển mảng ngân hàng đầu tư thông qua công ty chứng khoán VPBankS. Đây là một trong 3 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất. Công ty bảo hiểm OPES mặc dù mới được mua lại cuối năm 2022 sau khi tích hợp vào hệ thống cũng đã mang lại hơn 160 tỷ lợi nhuận cho VPBank.

ĐHĐCĐ VPBank: Trình kế hoạch tăng gấp đôi lợi nhuận, chia cổ tức tiền mặt, nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém- Ảnh 2.


5 định hướng tăng trưởng chính cho năm 2024

Tổng Giám đốc VPBank cho biết, mục tiêu tăng trưởng 2022-2026 đề ra không hề thay đổi, nếu những năm trước bị chậm ở đâu đó thì những năm tới đây, đặc biệt giai đoạn 2024-2025 sẽ là thời điểm Ban lãnh đạo đẩy mạnh, khắc phục, lấy lại sự tăng trưởng. Có 5 định hướng tăng trưởng chính cho năm 2024.

Thứ nhất chú trọng vấn đề chất lượng tài sản. Mặc dù ảnh hưởng từ 2023 chưa hết, khó khăn từ bất động sản chưa nguôi nhưng VPBank vẫn nhìn thấy được những cơ hội, từ việc Chính phủ hỗ trợ thị trường, cầu – cung có khả năng phục hồi. Tuy nhiên đến nay VPBank tỏ ra hết sức thận trọng khi tăng trưởng quý 1/2024 trung bình chưa phải cao. Nửa cuối 2024 sẽ là thời điểm cầu trên thị trường phục hồi dần, có thể mức độ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2025 nhưng vẫn lạc quan để chuẩn bị cho sự tăng trưởng đó.

Thứ hai, đồng bộ tất cả phân khúc khách hàng. Trọng tâm là phân khúc chiến lược khách hàng cá nhân và SME tăng trưởng khoảng 25-30%. Bên cạnh đó, VPBank tìm kiếm cơ hội phát triển trong phân khúc FDI được đánh giá là nhiều tiềm năng, dự kiến gấp đôi số lượng khách hàng và hơn 4 lần quy mô huy động, cho vay làm sao đưa phân khúc FDI trở thành những trụ cột tương lai của VPBank. 

Thứ ba, đẩy mạnh các chiến lược phát triển bền vững. VPBank xác định xu hướng từ Chính phủ, thế giới về tín dụng xanh (ESG) đi theo hướng đạt bền vững, định hướng hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch, hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hỗ trợ công đồng người yếu thế trong xã hội. 

Thứ tư, VPBank xây dựng, củng cố nền tảng công nghệ, số hóa, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu. 

Thứ năm là thúc đẩy hệ sinh thái, mở rộng các giá trị gia tăng cho khách hàng thông qua hệ sinh thái số, nắm bắt được các cơ hội phát triển và tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trong hệ sinh thái. Trong đó VPBank quan tâm hệ sinh thái hỗ trợ nhà đầu tư, hỗ trợ nhà tiêu dùng, hỗ trợ giao dịch bất động sản... 

Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý 1, CEO Nguyễn Đức Vinh cho biết ngân hàng ghi nhận những con số khả quan. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.200 tỷ (do ảnh hưởng âm 800 tỷ từ FE Credit).

Mục tiêu lợi nhuận tăng gấp đôi lên hơn 23.100 tỷ đồng

Tại Đại hội, VPBank trình ĐHĐCĐ kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 tăng 114% so với năm 2023, tương đương 23.165 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng, công ty chứng khoán VPBankS góp 1.902 tỷ đồng và công ty bảo hiểm OPES đóng góp 873 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận.

Công ty tài chính tiêu dùng FE CREDIT cũng sẽ được kỳ vọng có sự trở lại mạnh mẽ sau hai năm liền thua lỗ, với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến là 1.200 tỷ đồng trong năm 2024. 

VPBank dự kiến tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt ở mức 25% và 22% so với năm trước. Tổng tài sản hợp nhất dự kiến tăng 19%, đạt hơn 974 nghìn tỷ đồng. 

Chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10%

VPBank cũng xin ý kiến cổ đông về việc sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2023. Theo đó, trong quý II hoặc quý III năm nay, ngân hàng dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho các cổ đông. Mỗi một cổ phiếu cổ đông sẽ nhận được 1.000 đồng tiền cổ tức. Tổng số lợi nhuận dự kiến được sử dụng để chia cổ tức là hơn 7.900 tỷ đồng.

Đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai. Tại đại hội đồng cổ đông năm ngoái, Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng, cam kết ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp.

Phát hành 400 triệu USD trái phiếu quốc tế 

Ngân hàng cũng có phương án phát hành trái phiếu quốc tế để phục vụ cho việc huy động vốn bổ sung trên thị trường quốc tế. VPBank dự kiến phát hành tối đa 400 triệu USD trái phiếu, đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có đảm bảo, không kèm chứng quyền với thời hạn dự kiến 5 năm.

Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2024 – quý 1/2025. Mục đích phát hành nhằm cấp tín dụng cho các phương án, dự án, nhu cầu tài trợ đáp ứng tiêu chí xanh và xã hội, đủ điều kiện theo khung trái phiếu bền vững của VPBank.

Phương án nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém

VPBank cũng trình cổ đông xem xét phương án chuyển giao bắt buộc đối với một tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại yếu kém. Tại thời điểm nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, quy mô hoạt động của tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc (về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu) không cao hơn 5% so với quy mô tương ứng của Ngân hàng VPBank tại thời điểm 31/12/2023. Đồng thời, vốn điều lệ của tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc không quá 5.000 tỷ đồng. VPBank cho biết, sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức Ngân hàng TNHH MTV do Ngân hàng VPBank là chủ sở hữu, là pháp nhân độc lập.

Ngân hàng VPBank sẽ mua, bán tài sản/nợ/trái phiếu doanh nghiệp với tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giá trị giao dịch trên 20% vốn điều lệ của Ngân hàng VPBank.

ĐHĐCĐ VPBank: Trình kế hoạch tăng gấp đôi lợi nhuận, chia cổ tức tiền mặt, nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém- Ảnh 3.

Bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT 

Tại Đại hội năm nay, VPBank cũng bầu bổ sung 2 thành viên vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nhân sự được đề cử là ông Takeshi Kimoto , hiện là thành viên Ban giám sát Ngân hàng PT Bank BTPN Tbk (một công ty con được thành lập tại Indonesia của SMBC sau khi sáp nhập giữa ngân hàng PT Bank Tabugan Pensiunan Nasional Tbk và ngân hàng PT Bank Sumitomo Mitsui Indonesia vào năm 2019).

Nhân sự thứ hai là bà Phạm Thị Nhung, hiện là Phó TGĐ thường trực kiêm Giám đốc Khối quản lý đối tác và quan hệ đối ngoại VPBank. 

Ngoài ra, ngân hàng cũng trình cổ đông thông qua các nội dung quan trọng khác như phương án, giao dịch VPBank thực hiện góp vốn/mua cổ phần, thành lập hoặc mua lại công ty con, liên kết hoặc các hình thức khác với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác. Lĩnh vực tham gia bao gồm nhưng không giới hạn: lĩnh vực quản lý, phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và mua bán cổ phiếu; cho thuê tài chính; kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán; thông tin tín dụng… Giá trị giao dịch, giá trị góp vốn, hợp tác từ 20% trở lên so với vốn điều lệ của VPBank.

Phần thảo luận: 

Cổ đông: Động lực nào để FE Credit đạt được lợi nhuận 1.200 tỷ trong năm 2024. Ngân hàng mẹ và đối tác SMBC sẽ có những biến pháp hỗ trợ gì cho FE Credit tăng trưởng trở lại?

CEO Nguyễn Đức Vinh: Thời điểm này, FE Credit là "đứa con chung" của VPBank và SMBC nên chúng tôi có sự cam kết cao trong việc hỗ trợ .

Thứ nhất, hỗ trợ thể hiện trong xây dựng hệ thống nền tảng theo tiêu chuẩn thế giới, trong đó đánh giá lại toàn bộ chiến lược, mô hình kinh doanh. Chúng tôi vẫn đánh giá thị trường Việt Nam rất tiềm năng, với 100 triệu người dân và khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính tiêu dùng chưa cao. Mặc dù thị trường có 16 công ty tài chính tiêu dùng, FE Credit là lớn nhất nhưng việc đáp ứng nhu cầu vẫn còn thiếu. Trong những năm Covid, ảnh hưởng suy thoái kinh tế dẫn đến hầu hết công ty tài chính tiêu dùng gặp khó khăn, một số có lãi nhưng lãi ít. FE Credit là công ty có quy mô lớn nhất nên khi có vấn đề cũng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong 2 năm qua, tài chính tiêu dùng có sự suy giảm một phần do nhu cầu, một phần do dư luận xã hội đối với tài chính tiêu dùng chưa được đúng và đủ. Vừa qua, trong việc ngăn chặn hành vi cho vay bất hợp pháp trên thị trường như tín dụng đen cũng dẫn đến biện pháp thu hồi nợ của cá công ty chính thống bị ảnh hưởng. Công tác thu hồi nợ của FE Credit bị giảm sút đến 50%. Chúng tôi cũng báo cáo với cơ quan nhà nước về sự quan trọng của tín dụng tiêu dùng trong việc đẩy lùi tín dụng đen. Đây là bài toán chung của ngành ngân hàng, nếu không, hàng triệu nông dân, công nhân sẽ không có khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, vì họ không có tài sản thế chấp.

Sự hỗ trợ của VPBank, SMBC với FE Credit gồm sự hỗ trợ hệ thống, nhân sự, chiến lược. Đặc biệt là về vốn, đưa chi phí vốn của FE Credit từ 9-11% năm 2022 trở về trước xuống còn 6-7%, mặc dù cao hơn các ngân hàng nhưng thấp trong ngành tài chính tiêu dùng. Điều này giúp FE Credit nhắm vào những khách hàng có rủi ro thấp hơn.

Về việc bao giờ khắc phục được tình trạng lỗ của FE Credit, lộ trình đã có, ban lãnh đạo cho rằng 2024 là năm bản lề, dự kiến có lãi 1.200 tỷ. Quan điểm là giảm tỷ trọng đóng góp của FE Credit với ngân hàng xuống, không bị phụ thuộc quá nhiều vào lợi nhuận của FE Credit, tuy nhiên vẫn đánh giá FE Credit nhiều tiềm năng. Chúng tôi tin từ 2025 trở đi, lợi nhuận sẽ trở lại 3.000-4.000 tỷ đồng. 

Cổ đông: SMBC sẽ giúp gì cho VPBank?

Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng: Trong hợp tác chiến lược, VPBank và SMBC ngồi lại với nhau, xác định ra nhu cầu của VPBank và thế mạnh của hai bên như thế nào. SMBC sẽ hỗ trợ cho VPBank nâng cao năng lực quản trị rủi ro, nâng cao quản trị tuân thủ, mang tính chất nền tảng để nâng dần các chỉ số, thông lệ quốc tế.

SMBC cũng hỗ trợ cho VPBank về nguồn vốn rẻ. Thứ hai là về khách hàng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam để kinh doanh nhưng không phải ngân hàng nào cũng đủ năng lực để phục vụ nhóm khách hàng này. Chúng tôi tin với sự hỗ trợ SMBC thì VPBank sẽ có thể tham gia vào lĩnh vực đã mong muốn nhiều năm nay nhưng chưa có cơ hội làm được nhiều.

Chiến lược của VPBank, trước đây là tập trung vào bán lẻ và SME. Nhưng với sự tham gia của SMBC chúng ta đã có chiến lược khác là ngân hàng đa năng, không chỉ là khách hàng bán lẻ, SME mà còn chú trọng khách hàng doanh nghiệp lớn. 

(tiếp tục cập nhật)