Mới đây, CTCP Dệt may Gia Định vừa đăng ký bán toàn bộ 3,3 triệu cổ phiếu GMC đang sở hữu của CTCP Garmex Sài Gòn. Phương thức giao dịch là khớp lệnh tập trung. Thời gian dự kiến từ ngày 5/12 đến ngày 3/1/2024. Sau giao dịch, Dệt may Gia Định sẽ không còn là cổ đông lớn của Garmex Sài Gòn.
Tuy nhiên, giá tối thiểu mà Dệt may Gia Định muốn bán cổ phiếu GMC ở mức 18.528 đồng/cp, gấp 2,3 lần thị giá trên sàn của cổ phiếu này. Nếu thành công, Dệt may Gia Định có thể thu về ít nhất gần 62 tỷ đồng từ thương vụ trên.
Về Garmex Sài Gòn, doanh nghiệp này chỉ đạt 73 triệu doanh thu thuần trong quý 3, giảm hơn 99% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, công ty lỗ ròng 11 tỷ đồng, kéo dài chuỗi thua lỗ lên 5 quý liên tiếp. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Garmex Sài Gòn lỗ sau thuế 44 tỷ, tăng mạnh so với mức lỗ gần 7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Garmex Sài Gòn đã từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành may mặc Việt Nam với 5 nhà máy, hơn 70 dây chuyền sản xuất và doanh thu những năm trước đại dịch Covid-19 lên gần 100 triệu USD.
Nguyên nhân chính khiến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút trầm trọng do hụt thu từ đối tác là CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã chứng khoán: GIL). Trong cơ cấu doanh thu 9 tháng đầu năm, Garmex Sài Gòn không còn bất kỳ khoản thu nào phát sinh từ đối tác là Gilimex trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận hơn 224 tỷ đồng.
Không những sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận, số lượng nhân sự của Garmex Sài Gòn một lần nữa rơi xuống mức thấp kỷ lục. Quy mô nhân sự của Garmex Sài Gòn sau khi sụt giảm mạnh sau nửa đầu năm 2023, thời điểm cuối quý 3 tiếp tục giảm còn 37 người, tương ứng giảm 1.945 nhân sự sau 9 tháng và giảm đến gần 4.000 nhân sự so với đầu năm 2022.
Với chủ trương rà soát lại tài sản, thanh lý để bảo toàn vốn cho cổ đông, Garmex Sài Gòn đang ráo riết xử lý, thanh lý hàng tồn kho cũng như thanh lý, nhượng bán các tài sản không sử dụng.
Đây là hệ quả kéo theo sau vụ Gilimex khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng cho chính Gilimex mà còn khiến các doanh nghiệp đối tác như Garmex Sài Gòn liên đới.
Amazon từng là đối tác chính của Gilimex từ năm 2014. Trong giai đoạn dịch bệnh, thương mại điện tử (TMĐT) bùng nổ, doanh nghiệp này đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất nhằm xây dựng kho chứa hàng hóa cho Amazon, tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị sản phẩm hàng năm. Hoạt động sản xuất cho Amazon tăng gấp 20 lần trong suốt 8 năm qua.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của gã khổng lồ TMĐT, Gilimex đã từ chối các khách hàng lớn khác như IKEA, Columbia Sportswear và di dời các cơ sản sản xuất, đóng gói để tiếp tục sản xuất. Một báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết Amazon trước sự cố đã chiếm đến 85% doanh thu của Gilimex, 15% còn lại đến từ IKEA và các khách hàng khác.
Hồi đầu tháng 12, Garmex Sài Gòn đã đưa ra thông báo về tình hình hiện tại của công ty. Cụ thể, HĐQT công ty đã báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh không thuận lợi ở các cuộc họp ĐHĐCĐ trước đó. Nếu giữ sản xuất tại các nhà máy đối với ngành may thì doanh nghiệp này sẽ lỗ rất nhiều nên công ty đã tổ chức lại bộ máy, tiếp tục giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.
Tuy nhiên, Garmex Sài Gòn cũng sẽ tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi phí tối đa. Bên cạnh đó, công ty vẫn sẽ chưa tuyển lại lao động cho ngành truyền thống. Khi có sự thuận lợi của thị trường, doanh nghiệp này sẽ đầu tư khôi phục lại ngành may. Ngoài ra, đơn vị này cũng sẽ tối ưu hóa nguồn lực hiện có, tìm kiếm đối tác chuyển nhượng tài sản không sử dụng, đa dạng hóa ngành nghề và đặc biệt là đầu tư mới vào dự án nhà ở của CTCP Phú Mỹ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GMC hiện giao dịch ở mức 8.000 đồng/cp, đã giảm đến 70% sau vụ Gilimex khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC.