Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về chủ trương nhập khẩu các dự án điện gió từ nước CHDCND Lào về khu vực tỉnh Quảng Trị, Việt Nam.
Cụ thể, EVN kiến nghị Bộ Công Thương thẩm định và trình Thủ tướng chủ trương nhập khẩu điện từ nhà máy điện gió Trường Sơn, bổ sung thêm quy hoạch các đường dây để thực hiện đấu nối. Mức giá mua điện từ dự án này là 6,95 US cents/kWh, tương đương khoảng 1.700 đồng/kWh.
Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản đề nghị các bộ ngành, địa phương góp ý về chủ trương mua điện gió của nhà máy điện gió Trường Sơn , công suất 250 MW từ tỉnh Bolikhamsai (Lào) về Việt Nam theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo Bộ Công Thương, nhà máy này sẽ đi vào vận hành vào quý IV/2025. Giá điện được chủ đầu tư cam kết áp dụng với mức giá trần nhập khẩu từ Lào về Việt Nam cho loại hình nhà máy điện gió là 6,95 US cents/kWh.
Để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án năm 2025, chủ đầu tư dự án - Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng Việt Lào đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất bán điện từ dự án này cho Việt Nam. Theo đó, chủ đầu tư đề xuất thực hiện đầu tư toàn bộ công trình đấu nối lưới điện phục vụ đấu nối nhà máy điện gió Trường Sơn vào hệ thống điện Việt Nam bằng nguồn vốn của dự án.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng Việt Lào mới thành lập ngày 7/8/2023, có địa chỉ trụ sở chính tại thôn Kim Cương 1, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam.
Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty là ông Hồ Ngọc Toàn, sinh năm 1991.
Vốn điều lệ công ty là 50 tỷ đồng , trong đó, CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền (Phú Điền) góp 35 tỷ, chiếm 70% vốn điều lệ của công ty; ông Lê Thanh Tao (tức Lê Thanh) - Chủ tịch CTCP Chứng khoán Quốc tế Hoàng gia (IRS) góp 14,5 tỷ, chiếm 29% vốn điều lệ và ông Hồ Ngọc Toàn góp 500 triệu, chiếm 1%.
Phú Điền là công ty do ông Lê Thanh làm Chủ tịch HĐQT. Công ty được thành lập từ tháng 12/2002, trụ sở chính tại quận Tân Bình, Tp. HCM. Phú Điền là một doanh nghiệp nổi danh trong lĩnh vực xử lý nước thải với các dự án được triển khai theo hình thức BT.
Phú Điền đã hợp tác cùng CTCP Đầu tư Phát triển môi trường SFC Việt Nam (SFC Việt Nam), IRS để xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát, với công suất 250.000 m3/ngày, tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỉ đồng; thi công dự án xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà tại xã Dưỡng Liễu, huyện Hoài Đức.
Bên cạnh đó, Phú Điền còn là chủ đầu tư một số dự án xử lý nước thải theo hình thức BT tại Hà Nội như: Xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực sông Cầu Bây và Nhà máy XLNT Phúc Đồng, quận Long Biên (40.000 – 55.000 m3/năm); Hệ thống thu gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; Hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải lưu vực S3, đồng thời bổ cập thải sau xử lý cho sông Tô Lịch thực hiện theo hình thức BT kết hợp BOT; Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Hải Bối – Sơn Du – Cổ Loa và mạng lưới đường ống thoát nước Hải Chính theo hình thức BT/BOO.
Tuy nhiên, các dự án này đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội dừng triển khai thực hiện từ tháng 5/2021.
Dự án Khu nhà ở Đình Bảng - Bắc Ninh
Ngoài ra, Phú Điền còn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Một số dự án của Phú Điền là dự án Khu nhà ở Đình Bảng - Bắc Ninh, dự án Khu nhà ở thấp tầng Palm Garden, dự án Khu nhà ở Quy Chế, phường Đông Ngàn - tỉnh Bắc Ninh, dự án Khu đô thị mới dọc đường HN2 - tỉnh Bắc Ninh, Dự án Khu nhà ở và dịch vụ thương mại Ba Gia, dự án Khu đô thị mới Đồng Nguyên, ...
Trước đó, Phú Điền đã góp vốn vào nhiều dự án năng lượng tái tạo khác như Điện gió Nhơn Hoà 1 và Điện gió Nhơn Hoà 2 (4.975 tỷ đồng), Điện gió Liên Lập (gần 2.000 tỷ đồng), Điện gió Tân Linh, ...